Dù chưa bị chặn sim, chủ thuê bao vẫn bất an

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày gần đây, các điểm giao dịch của 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone luôn quá tải vì rất đông chủ thuê bao đến bổ sung thông tin cá nhân. Dù các nhà mạng đã phát đi thông báo sẽ tiếp tục gia hạn thêm thời gian cho các thuê bao nhưng “thượng đế“ vẫn bất an.
Dù chưa bị chặn sim, chủ thuê bao vẫn bất an
Cảnh quá tải tại các nhà mạng khi người dân đến bổ sung thông tin cá nhân. Ảnh: H.P

“Nước đến chân mới nhảy”

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, những ngày qua các nhà mạng đều căng sức phục vụ người dân bổ sung thông tin cá nhân. Hầu như các hệ thống cửa hàng, đại lý ủy quyền đang hoạt động không nghỉ trưa và làm việc đến tối muộn để hoàn tất thủ tục cho người dân. Mặt khác, các nhà mạng cũng mở thêm các kênh như qua website và ứng dụng di động để người dân có thể bổ sung tại nhà. Tuy nhiên, đã có tình trạng quá tải và nhiều người không thể cập nhật thông tin từ các ứng dụng. Thậm chí, có nhà mạng còn chậm trễ ứng dụng công nghệ vào để giúp người dân nên tình trạng quá tải vẫn xảy ra. Không ít chủ thuê bao phàn nàn các nhà mạng trong 12 tháng qua đã làm gì mà đợi "nước đến chân mới nhảy"?

Chị Hồ Anh Phương công tác tại viện Công Nghệ (Đống Đa - Hà Nội) đặt câu hỏi: “Nghị định 49 của Chính phủ quy định trong 12 tháng nhà mạng phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình. Gần 1 năm qua, các nhà mạng này làm gì mà tới khi gần hết hạn mới đốc thúc khách hàng bổ sung để xảy ra cảnh chờ đợi, lo lắng, mất thời gian. Nếu khách hàng không kịp làm thì bị khóa sim thì có công bằng?". Ông Nguyễn Xuân Toàn công tác tại công ty CV.Việt Nam nói: “Phải chăng, khi bị cơ quan chức năng đốc thúc việc quản lý sim, các nhà mạng đã đẩy trách nhiệm sang cho khách hàng?”. “Hợp đồng với khách hàng, không có điều khoản nào quy định cụ thể về việc bảo mật thông tin khách hàng và khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm nhà mạng sẽ ra sao? Những khách hàng đang có việc bận như đi công tác nước ngoài dài ngày, ốm đau chưa kịp ra đại lý hoàn thiện thủ tục liệu họ cũng sẽ bị khóa thuê bao một chiều?”

Nhà mạng “đá” trách nhiệm sang người dùng?

Nghị định 49/2017 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực vào ngày 24/4/2017 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 25/2011 liên quan đến việc đăng ký thuê bao di động theo hướng thông tin thuê bao được mở rộng so với trước. Theo quy định này, thông tin thuê bao gồm có: Số thuê bao; đối tượng sử dụng cho từng số thuê bao; thông tin trên giấy tờ tùy thân của chủ thuê bao (như họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…) và đặc biệt là ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu. Tuy nhiên, ông Quang Hòa ở nhà 1234, CT8 Đại Thanh hiện đang dùng mạng VinaPhone cho biết: “Lúc tôi mua sim, không thấy nhà mạng yêu cầu nộp ảnh, trong hợp đồng cũng không có yêu cầu phải có ảnh. Việc nộp ảnh là yêu cầu có sau hợp đồng giữa tôi và nhà mạng. Đây là thiếu sót của nhà mạng. Vậy nếu cần bổ sung thì nhà mạng phải có cách làm phù hợp hơn chứ không phải dọa chặn một chiều, rồi hai chiều đối với sim chúng tôi đang sử dụng. Phải chăng nhà mạng đang đẩy trách nhiệm sang người dùng?”.

Người sử dụng dịch vụ các nhà mạng cho rằng, việc của một năm nhưng được “dồn toa” làm trong một tháng với số lượng 114 triệu thuê bao trả trước trên khắp cả nước thì việc tắc nghẽn tại các điểm giao dịch là hoàn toàn nhìn thấy trước. Thời điểm 24/4 theo quy định của Nghị định 49 đã đi qua, chưa có thuê bao nào bị chặn. Thời gian tới, không chỉ khách hàng vội vã, mà các nhà mạng cũng khẩn trương không kém bởi chính họ mới là người hiểu rõ hơn ai hết nhà mạng mới chính là nơi phải chịu trách nhiệm về tính chính xác trong thông tin của thuê bao, bổ sung ảnh chụp và tự cập nhật lại thông tin của thuê bao cho phù hợp như tinh thần mà Nghị định 49 đề ra. Ước tính đến thời điểm này, với ba nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone còn khoảng hàng chục triệu thuê bao chưa đầy đủ thông tin và phải bổ sung. Số hàng chục triệu thuê bao này sẽ còn mất thời gian, công sức cho việc hoàn thiện thông tin đồng nghĩa với nhiều bất an.

Trong thời gian tới Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) sẽ phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh tiến hành thanh tra diện rộng đối với công tác quản lý thông tin thuê bao trên toàn quốc. Cục Viễn thông khuyến cáo người dùng nếu phát hiện thông tin cá nhân của mình đang được sử dụng cho các thuê bao lạ cần phải thông báo cho nhà mạng, đồng thời yêu cầu nhà mạng khóa thuê bao đó. Để kiểm tra thông tin cá nhân có bị sử dụng sai mục đích hay không, khách hàng có thể soạn tin theo cú pháp TTTB gửi 1414.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật