Thăng trầm cổ phiếu cá tra

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ba tuần qua cổ phiếu của Công ty cổ phần tập đoàn Sao Mai An Giang (ASM-Hose) tăng hơn 46%, từ 10.000 đồng lên 14.650 đồng (giá đóng cửa ngày 20-4-2018). Nhìn vào báo cáo tài chính năm trước đã kiểm toán của ASM, hoàn toàn không có gì nổi bật. Năm 2017, ASM lãi sau thuế 174 tỉ đồng trên vốn điều lệ 2.420 tỉ đồng, năm 2016 lãi ròng 173 tỉ đồng, còn trước đó lợi nhuận chỉ bằng một nửa mức của hai năm trên.
Thăng trầm cổ phiếu cá tra
Thị trường Trung Quốc đang là giải pháp hiệu quả cho cá tra cho dù sự bền vững của nó còn phải đặt lên bàn cân xem xét. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Trên thực tế cổ phiếu ASM chỉ đi lên sau khi công ty công bố kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng bất thường lên 890 tỉ đồng và cổ tức 30%. Đầu tháng 3-2018 ASM thông báo mua 50 triệu cổ phiếu IDI (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia), chuyên chế biến và xuất khẩu cá tra. Trước khi mua thêm, ASM đang sở hữu 39,29% cổ phần IDI.

Hoạt động cốt lõi của ASM là kinh doanh bất động sản, nhưng một phần không nhỏ doanh thu của công ty lại đến từ bán thức ăn cho cá. Có lẽ đây là lý do mà ASM nâng sở hữu tại IDI.

Cuối tháng 3-2018, ASM công bố đã mua và sở hữu 50,86% cổ phần IDI và trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này. Từ nay kết quả kinh doanh của IDI sẽ được hợp nhất vào ASM. Điều này giải thích cho lý do chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra năm 2018 của công ty tăng bất thường.

IDI thời gian vài năm trước hoạt động khá trầm lắng khi lợi nhuận sau thuế năm 2016 có 94 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ cao 1.816 tỉ đồng. Quí 1 năm ngoái và cả năm 2016, thị giá cổ phiếu của IDI 4.000 đồng, thanh khoản èo uột. Năm 2017, khi xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc diễn biến thuận lợi, kết quả kinh doanh của IDI tiến triển, lợi nhuận cải thiện đến 338 tỉ đồng, kéo giá cổ phiếu biến động. Từ tháng 4 đến tháng 10-2017 cổ phiếu IDI đi từ 4.000 đồng lên 6.000 đồng. Kế đó từ tháng 10-2017 đến nay, thị giá IDI đã đạt gần 16.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản mười phiên gần nhất đạt khoảng 4,2 triệu đơn vị/ngày. Tính ra trong vòng một năm, cổ phiếu IDI tăng 300%.

Tuy nhiên IDI không phải là cổ phiếu cá tra duy nhất khởi sắc. Công ty cổ phần Nam Việt (ANV-Hose) mới là điển hình về sự thăng trầm của con cá tra. Lên sàn từ năm 2007, ANV đã từng là cổ phiếu “hot” của ngành nông, lâm, thủy hải sản với thặng dư vốn cổ phần lớn. Sau khi lao vào đầu tư ngoài ngành, và mất thị trường xuất khẩu Đông Âu, Nam Việt lâm vào khủng hoảng triền miên, đến nỗi suốt năm 2016 thị giá cổ phiếu quanh quẩn 3.000-4.000 đồng vì lợi nhuận vài tỉ đồng/năm. Năm ngoái ANV buộc phải thay đổi, bán bớt, cắt lỗ các khoản đầu tư ngoài ngành, cơ cấu vốn vay và tập trung lại vào con cá tra. Nhờ đó lợi nhuận sau thuế năm 2017 “nhảy” lên 142 tỉ đồng và quí 1 năm nay còn tốt hơn, đạt 76 tỉ đồng. Cổ phiếu NAV đã tăng lên 25.600 đồng, gấp hơn 6 lần mức đáy.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC-Hose) là doanh nghiệp duy nhất có mức xuất khẩu cá tra vào Mỹ với thuế suất 0%. VHC gắn bó với con cá tra và kinh doanh bài bản từ khâu nuôi trồng đến chế biến và lựa chọn thị trường xuất khẩu. Năm nay được dự báo là một năm “thắng lợi” đối với đơn vị này khi doanh số xuất khẩu ba tháng đầu năm đã vượt 75 triệu đô la Mỹ, tăng 30% so với cùng kỳ.

Khi con cá tra giúp các doanh nghiệp trong ngành chuyển mình, “ông vua” cá tra một thời Thủy sản Hùng Vương (HVG-Hose) lại đang lao đao, phải bán tài sản để trả nợ. Không những chấp nhận thanh lý những bất động sản có giá trị ở TPHCM, Hùng Vương đã phải bán cả những công ty con tiềm năng như Thực phẩm Sao Ta, Công ty Chế biến thức ăn gia súc Việt Thắng, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) và tới đây nếu cần thiết sẽ chuyển nhượng bớt diện tích nuôi trồng cá tra cũng như mảng chăn nuôi heo.

Sai lầm của Hùng Vương là đầu tư quá dàn trải, mở rộng sản xuất bằng nguồn vốn ngắn hạn không đúng thời điểm trong khi quản trị doanh nghiệp không theo kịp. Trong khi đó mảng kinh doanh cốt lõi là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra lại bị vướng cả thị trường xuất khẩu đến giá thành sản xuất. Hiện nay các nhà máy chế biến của Hùng Vương chỉ chạy được 50% công suất vì thiếu nguyên liệu.

Đầu tư, mở rộng kinh doanh bằng vốn vay ngắn hạn đối với sản xuất nông nghiệp luôn chứa đựng rủi ro do vấn đề thời vụ, thời tiết, sự biến động giá cả nông sản trên thị trường quốc tế và hàng rào thuế quan ở những thị trường phát triển. Hùng Vương đã có thời điểm có kênh phân phối hàng mạnh ở Đông Âu. Agifish đã từng là doanh nghiệp hàng đầu xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Việt Thắng có năm lãi hàng trăm tỉ đồng với biên lợi nhuận cao. Nếu Hùng Vương chỉ dừng lại ở đó, củng cố doanh nghiệp sẵn có, tìm thị trường bền vững cho con cá tra, thì đâu đến nông nỗi như bây giờ. Hiện cổ phiếu HVG chỉ còn được giao dịch nửa ngày với giá gần 5.000 đồng - thấp nhất kể từ khi niêm yết.

Hiện nay những mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang khó cạnh tranh ở những thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, nơi thủy sản chủ yếu được đánh bắt từ biển với giá thành thấp hơn, với nền công nghiệp chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe. Thị trường Trung Quốc đang là giải pháp hiệu quả cho cá tra cho dù sự bền vững của nó còn phải đặt lên bàn cân xem xét. Đầu tư vào cổ phiếu cá tra, vì thế, cũng phải luôn bám sát thông tin thời sự của ngành nói riêng, của thị trường chứng khoán nói chung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật