Tỷ phú nơi ngã ba biên giới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên vùng đất ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia thuộc cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có trang trại cao su xanh ngát giữa buôn làng của người dân tộc Xơ Đăng. Đấy là tài sản của nhà ông A Xem.
Tỷ phú nơi ngã ba biên giới
Ông A Xem (phải) giới thiệu kỹ thuật cạo mủ cao su tại trang trại của gia đình

Đứng giữa vườn cao su đang vào mùa thay lá, A Xem nhẩm tính: “Doanh thu mỗi tháng của gia đình thời điểm được giá nhất khoảng 180 triệu đồng, trừ các chi phí, mỗi tháng lãi khoảng 150 triệu đồng”.

Về lại với đất rừng

Trong những tháng năm đánh Mỹ giữa heo hút rừng sâu trên dải đất Kon Tum, ông là xã đội trưởng còn bà là cán bộ huyện đội Sa Thầy. Sau ngày giải phóng năm 1975, ông khoác ba lô dắt con trai đầu, còn bà mang gùi, cõng con gái 4 tuổi về xã biên giới Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi. Đặt ba lô xuống một khu đất trống ven đồi, ông nói với bà: “Ta làm nhà ở đây”. Và hơn 40 năm đã qua đi, trên mảnh đất này, hàng ngày cho ra những sản phẩm từ “vàng trắng”, mang lại cuộc sống mới của những đảng viên bước ra từ chiến tranh rồi tiên phong đi mở đất rừng biên giới.

Có lẽ ở vùng biên giới này, số người có thu nhập tiền tỷ như A Xem quả là hiếm, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ông A Xem nói chậm rãi: “Mình theo cách mạng từ nhỏ, khi còn đóng khố. Cán bộ là người Kinh dắt mình đi khắp núi rừng biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy. 19 tuổi mình đã được kết nạp Đảng”. Người đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng này đã gần trọn cuộc đời gắn bó, bám làng, bám đất rừng biên giới, vừa công tác, vừa làm kinh tế gia đình. Trải qua những biến cố, thăng trầm có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng với khát vọng vượt qua nghèo khó của một đảng viên suốt cuộc đời gắn bó với buôn làng Tây Nguyên, ông đã thành công trên đất rừng vùng biên giới.

Bạt đồi, mở đất dựng nghiệp

Ông A Xem bồi hồi nhớ lại: Năm 1994, lúc ấy tôi bắt đầu muốn trồng cao su nhưng không có vốn. Mà ngày ấy ở Ngọc Hồi cũng chưa có ngân hàng, cả huyện chưa có ai trồng cao su. Đất rừng thì mênh mông nhưng toàn cây cỏ, đồi cao đất dốc… Máy cày, máy ủi không có, lao động cũng không, việc nhà ai người nấy làm, cuộc sống tự cung, tự cấp đã đeo bám bà con từ bao đời nay, cuộc sống vất vả, thiếu thốn trăm bề…

Trong những buổi đầu gian nan ấy, ông huy động cả gia đình bám đất, bám rừng gồng sức bạt đồi, phát cỏ, khai phá đất hoang. Có lúc ông phải hợp đồng với anh em bộ đội biên phòng đứng chân quanh vùng để dọn đất, đào hố... Không có vốn, ông bán hết tài sản, rồi bán luôn cả đàn bò là cơ nghiệp lớn nhất của gia đình để đổi lấy tiền đầu tư cây giống, phân, thuê kỹ thuật để trồng cao su.

Những cây cao su đầu tiên của A Xem được gieo mầm trên đất đồi rừng vùng biên giới Đăk Xú đã bật dậy những chồi non, vươn cao từng ngày. Lúc này ở gần đấy có Nông trường cao su Plei Kần của một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Công ty cao su Kon Tum vừa được thành lập. Ông đến gặp anh em kỹ thuật của nông trường với hy vọng được hậu thuẫn, giúp đỡ. Ông Vũ Bá Văn - Bí Thư chi bộ, Giám đốc nông trường cao su Plei Kần ngày ấy - cho biết: “Chúng tôi đã cho cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bác A Xem chăm sóc vườn cây, kỹ thuật khai thác những sản phẩm đầu tiên”.

Từ năm 1994 - 2003, A Xem dồn hết sức người, sức của khai phá đất hoang, bạt núi, mở đường, khoanh lô, cắm tiêu… để trồng hơn 20 ha cao su, tương đương trên 11.000 cây. Rừng cao su bạt ngàn xanh thẳm trải dài trên vùng đất rừng là thành quả lao động gần 30 năm qua của người đã đưa cây cao su sâu rễ, bền gốc, tốt tươi nơi vùng đất ngã ba biên giới Ngọc Hồi hôm nay.

Ông A Xem tâm sự: “Vấn đề mình trăn trở nhất khi ấy và cả hiện nay là làm sao có nhiều bà con các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng, người Tày, người Mường ở tỉnh Hòa Bình đi xây dựng kinh tế mới vào đây làm ăn cũng biết trồng cao su để bà con cùng nhanh xóa nghèo, giàu lên”. Ông đã thuyết phục được hàng trăm hộ phá bỏ thế độc canh cây sắn, bắp không hiệu quả để đưa cây cao su lên trồng ở những nơi đất dốc đồi cao ở các xã Đăk Xú, Sa Loong, Bờ Y, Đăk Kan và đến hôm nay, người dân quanh vùng đã trồng được hàng nghìn ha cao su tiểu điền, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Niềm tin về cuộc đổi đời

Sau khi đi thăm vườn cây cao su, A Xem mời chúng tôi vào nhà chơi. Chúng tôi ước tính, tài sản của gia đình ông cũng phải trên 20 tỷ đồng. Đấy là tài sản nhìn thấy được, chứ “của chìm” của gia đình là bao nhiều thì gặng mãi, A Xem chỉ cười…

A Xem còn hăm hở kéo tôi đến thăm một số gia đình bà con dân tộc Xơ Đăng, đi đến đâu, vào nhà ai, ông cũng được mọi người yêu quý, ùa ra tay bắt mặt mừng. Thôn trưởng A Kling nắm chặt đôi tay chai sạn, sần sùi của A Xem rồi nói: “Cái thằng A Xem này có công với dân làng mình nhiều lắm”. Trong men say của rượu cần, tôi nghe được bao điều dân làng nói về ông. Ông A Dư, người có uy tín trong xã bồi hồi nhớ lại: “Khi buôn làng chưa có cao su, chưa có thằng A Xem về. Nhớ lại ngày ấy sao mà lòng quặn lại, chỉ mỗi mong ước giản dị là có đủ cơm ăn mà thật xa vời. May mà từ khi có cây cao su của nhà A Xem, dân làng vùng biên giới này đã bớt đói nghèo, nhiều người ngỡ như là một giấc mơ”.

chia tay A Xem giữa vườn cao su đang hối hả cho những dòng nhựa trắng, trời Tây Nguyên trong xanh, nắng vàng rực rỡ, tôi ôm lấy ông vì quá đỗi cảm phục bản lĩnh, trí tuệ và lòng quả cảm ở con người này. Xiết chặt tay tôi, trong ánh mắt của người hơn 40 năm tuổi Đảng này như chứa đựng một tình yêu Tây Nguyên bao la, ánh lên niềm tin về cuộc đổi đời sẽ nhanh đến với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên đất rừng biên giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật