TPHCM mở rộng dịch vụ công trực tuyến

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều cơ quan nhà nước tại TPHCM đang nỗ lực tăng cường việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công trực tuyến nhằm đem lại sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
TPHCM mở rộng dịch vụ công trực tuyến
Người dân đổi bằng lái xe phải đến tận Sở Giao thông Vận tải để làm thủ tục thì nay họ chỉ cần nộp hồ sơ trực tuyến và nhận bằng lái xe qua đường bưu điện.

Với việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian và chi phí đi lại vì họ có thể nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng thông qua những thiết bị được kết nối với Internet ngay ở nhà hoặc tại văn phòng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - hơn 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng

Việc doanh nghiệp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp nay rất đơn giản. Ông Nguyễn Anh Tuấn, nay là nhân viên Công ty Kế toán Gia Lục có trụ sở ở quận 3, nhớ lại ông từng phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện công việc này. Bốn năm trước, ông đã phải đích thân đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp và sau khi nộp xong hồ sơ thì lấy phiếu hẹn nhận kết quả. Tuy nhiên, một thời gian sau ông được thông báo về việc phải bổ sung hồ sơ do có sai sót về nội dung và riêng thời gian dành cho việc kiểm tra nội dung hồ sơ ở thời điểm đó cũng mất 6-7 ngày. Sau khi bổ sung xong thì ông phải nộp lại bộ hồ sơ và phải đợi thêm hơn bảy ngày nữa mới nhận được kết quả.

Tổng cộng, ông Tuấn mất hơn nửa tháng để có được kết quả cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
“Giờ thì (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cải cách nhiều lắm rồi”, ông Tuấn phấn khởi khi đang làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại cơ quan này vào một ngày trong tháng 3 vừa qua. Ông cho biết việc nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể được thực hiện theo hai cách: Nộp hồ sơ trực tuyến (online) và nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan này. Hiện nay, sự đăng ký thành lập doanh nghiệp (bằng cả hai cách) chỉ mất khoảng 3-4 ngày là có kết quả nhờ cơ quan này ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý hồ sơ và cải cách thủ tục hành. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.

Để nâng cao hiệu suất trong việc giải quyết hồ sơ từ doanh nghiệp, qua đó làm hài lòng những người đến đăng ký thành lập doanh nghiệp như trường hợp của ông Tuấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2017 đã áp dụng nhiều biện pháp để đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt trong các khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp và đầu tư nhằm giảm số lượng, thời gian, thành phần hồ sơ, kinh phí thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan này. Cơ quan này cũng đã triển khai các dịch vụ, trong đó có hẹn giờ cho các doanh nghiệp muốn đăng ký doanh nghiệp mới qua tổng đài 1080 và đăng ký trực tuyến cho mảng hồ sơ có liên quan đến việc đầu tư. Kết quả là cơ quan này đã cắt giảm được khoảng 30% thời gian và số thủ tục trong lĩnh vực đầu tư liên quan đến các hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần…

Cuộc khảo sát gần đây cho thấy mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt hơn 90%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn 99%; tỷ lệ cấp phép việc đăng ký doanh nghiệp trực tuyến đạt gần 70% và đăng ký đầu tư qua mạng đạt hơn 30%. Dù đã có nhiều nỗ lực, song Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận còn một số điểm hạn chế cần được cải thiện trong năm 2018 này. Trong năm 2017, sở này phải gửi thư xin lỗi đến 13 trường hợp hồ sơ được giải quyết trễ hạn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý và hoàn trả hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng số gần 240.000 hồ sơ được giải quyết trong năm 2017. Đại diện cơ quan này thông tin rằng dịch vụ công trực tuyến sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm nay với mục đích giảm thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục xuống gần 50% so với quy định hiện hành. Điều này sẽ mang lại sự thuận lợi cho nhà đầu tư và tăng tính minh bạch cho việc giải quyết các hồ sơ vì các thông tin có liên quan được công khai trên cổng thông tin điện tử.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại cũng đang được triển khai một cách tích cực tại Sở Công Thương TPHCM. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm Sở Công Thương tiếp nhận hơn 70.000 lượt người đến liên hệ và nộp hồ sơ liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và sở này đã áp dụng dịch vụ công mức độ 3 (cho phép điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ), mức độ 4 (cho phép thanh toán chi phí được thực hiện trực tuyến, gửi và nhận kết quả qua đường bưu điện hoặc qua mạng) để đẩy nhanh công việc xử lý hồ sơ. Hiện sở này đã triển khai được 77/170 thủ tục ở cấp độ 4 và nhắm đến mục tiêu 100% thủ tục sẽ được thực hiện ở cấp độ này vào cuối năm nay.

Sở Công Thương cho biết khi tiếp nhận hồ sơ trực tuyến hay trực tiếp tại cơ quan này thì nội dung hồ sơ sẽ được chuyển ngay đến các phòng, ban chuyên môn để xem xét xử lý; thời gian nhận hồ sơ và bổ sung hồ sơ được tính liên tục và rút ngắn (không phải mỗi lần bổ sung hồ sơ là tính lại từ ngày đầu nộp). Tính chung thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp và người dân tại cơ quan này đến nay đã rút ngắn được 30 - 50% so với thời gian quy định. Cơ quan này nhấn mạnh rằng việc tiếp nhận hồ sơ đang được thực hiện theo cách thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp. Người dân, đại diện doanh nghiệp đến liên hệ giải quyết hồ sơ sẽ được phục vụ bởi các chuyên viên từ khi họ bước vào cho đến lúc họ rời khỏi.

Việc thực hiện một cách hữu hiệu công tác cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tại Sở Công Thương sẽ mang đến nhiều ích lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, xây dựng công trình điện, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, hội chợ triển lãm thương mại, hó‌a chấ‌t, kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) chai, nạp LPG chai…

Cán bộ Sở Công Thương TPHCM (phải) lắng nghe đại diện một doanh nghiệp – người đến sở này để thực hiện các thủ tục về việc cấp phép trong lĩnh vực công thương.

Dồn sức cho hai mức độ 3 và 4

Tại buổi họp báo quý 1-2018 diễn ra ngày 5-4 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết tính đến hết quý đầu tiên của năm nay, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp tại thành phố đạt 49%. Mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là mọi thủ tục hành chính của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đều được thực hiện trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4, nhất là trong các lĩnh vực mà người dân và doanh nghiệp quan tâm nhiều, theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM. Thành phố có hơn 2.000 dịch vụ công trực tuyến, và đến nay đã có 716 dịch vụ được làm trực tuyến, trong đó có 604 dịch vụ ở mức độ 3 và 112 dịch vụ ở mức độ 4. dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chú trọng đến doanh nghiệp vì doanh nghiệp có chữ ký số nên dễ dàng trong việc thanh toán trực tuyến, còn người dân muốn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thì phải có chữ ký số. Nếu người dân không có chữ ký số thì vẫn có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và có thể nhận và gửi hồ sơ đường qua bưu điện mà không phải đến các cơ quan công quyền để làm hồ sơ.

Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để đáp ứng nhu cầu cho dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện cổng thanh toán trực tuyến đang được thử nghiệm ở Sở Y tế và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Dự kiến trong quý 2-2018, sẽ chính thức vận hành cổng thanh toán trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có thể thanh toán được ngay sau khi làm thủ tục. Cũng trong quý này, tất cả 24 quận, huyện của TPHCM sẽ vận hành hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai.

Theo UBND TPHCM, việc đơn giản và công khai thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp là một phần cốt lõi trong công tác cải cách hành chính tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố. Chính quyền thành phố sẽ dành thêm nhiều ngân sách để thực hiện công tác này. Trong năm 2017, thành phố đã chi khoảng 1.200 tỉ đồng từ vốn ngân sách cho chương trình cải cách thủ tục hành chính và dự kiến sẽ chi thêm khoảng 2.700 tỉ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020. Chương trình cải cách thủ tục hành chính, mở rộng việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến đã mang lại kết quả bước đầu liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh tại thành phố tiếp tục được cải thiện trong năm 2017; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18% so với 2016; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 6 tỉ đô la Mỹ, tăng 68% so với năm trước đó; tổng vốn đăng ký và thành lập mới nhóm doanh nghiệp trong nước tại thành phố tăng 2,7 lần so với năm 2016. Trong năm 2017, thành phố đã cắt giảm 18 thủ tục hành chính, tiết kiệm một số tiền đáng kể cho ngân sách địa phương từ việc gửi thư mời và văn bản qua hộp thư điện tử (e-mail). Nhờ gửi thư mời, văn bản qua mạng, Văn phòng UBND thành phố trong năm 2017 đã tiết kiệm được 23 tỉ đồng, còn UBND 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tiết kiệm được tổng cộng khoảng 50 tỉ đồng.

TPHCM đã xác định 2018 là năm tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền thành phố. Thành phố đặt mục tiêu nâng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính lên trên 80%; 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ đăng ký, cấp giấy phép doanh nghiệp qua mạng đạt hơn 50%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật