Không ‘cưới trước rồi yêu’, giới trẻ Trung Quốc chịu áp lực hôn nhân

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không kết hôn theo cách thế hệ trước từng làm, những người trẻ độc thân tại Trung Quốc bị cha mẹ, bạn bè của cha mẹ, và cả hàng xóm giục cưới.
Không ‘cưới trước rồi yêu’, giới trẻ Trung Quốc chịu áp lực hôn nhân
Ảnh minh họa

Trong nhiều thế hệ tại , cha mẹ sắp xếp cuộc hôn nhân của con cái dựa trên 4 từ “môn đăng hộ đối”, tức là cặp vợ chồng có hợp nhau hay không được đánh giá qua địa vị xã hội và kinh tế.

Cưới trước, yêu sau là hiện thực của nhiều cặp đôi. Họ dần tìm hiểu về nhau sau khi “ván đã đóng thuyền”, và khái niệm này tồn tại trong suốt nhiều thập niên đối với những người kết hôn theo kiểu thực tế thay vì đơn thuần là vì tình yêu.

Theo ABC, ông Yaosheng Zhuang, 83 tuổi, thừa nhận chỉ sự thu hút từ hai bên là chưa đủ để đưa ông và vợ, Xiuzhu Huang, tới với nhau vào 60 năm trước.

Một trong những điều phải cân nhắc nghiêm túc là liệu người vợ 1‌8 tuổ‌i lúc đó của ông có thể vào làm tại nhà máy sản xuất máy kéo của ông và độc lập về mặt tài chính với gia đình vợ hay không.

“Công ty có nhiều chính sách tốt nhưng cũng có những điều khoản bất lợi”, ông nhớ lại quãng thời gian làm việc cho công ty nhà nước. Vào thời điểm ấy, các công ty đều thuộc quyền quản lý của nhà nước và chu cấp cho người lao động những phúc lợi khác nhau.

“Công ty ở Lạc Dương của tôi cấp cho các cặp vợ chồng một ngôi nhà và giới thiệu việc làm cho người chưa có công việc”.

“Lương tháng của tôi lúc đó là 78 tệ (16 USD), cao hơn cả lương của bố vợ và đủ để chúng tôi chi tiêu”.

Như nhiều cặp đôi khác trong những năm 1950, Xiuzhu và Yaosheng được mai mối qua bạn bè và gia đình, nhưng trong thời điểm đó, ngay cả các quan chức chính phủ cũng trở thành bà mối.

Khi lãng mạn biến thành chính trị

Ông Yaosheng Zhuang (giữa, bên trái) và vợ, bà Xiuzhu Huang (giữa, bên phải) cùng 2 con gái. Ảnh: Yaosheng Zhuang.

Luật Hôn nhân năm 1950 cho phép mọi người tự do kết hôn, nghiêm cấm hành vi đa thê và phụ nữ có thể ly hôn.

Wei Jun Jean Yeung, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết luật mới đóng vai trò quan trọng trong vấn đề bình đẳng giới tại Trung Quốc.

Dù vậy, phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với áp lực cưới công nhân hoặc nông dân để chứng tỏ vị thế xã hội trong thời kỳ đó.

Pan Wang, tác giả cuốn sách Tình yêu và Hôn nhân tại Trung Quốc toàn cầu hóa và là học giả thuộc Trường Quốc tế học, Đại học Công nghệ Sydney, nhận định đó là thời kỳ đấu tranh giai cấp và những cuộc vận động chính trị thống trị đời sống thường nhật. Đây là lý do người dân thường kết hôn trong cùng một giai cấp.

“Vào thời điểm đó, giới trẻ trí thức kết hôn với giới công - nông chỉ để chứng minh rằng họ có niềm tin chính trị đúng đắn, một vài trong số đó thì muốn được thăng tiến”, bà nói.

Trong xã hội Trung Quốc ngày nay, bà Wang đánh giá phụ nữ có nhiều quyền lực hơn, độc lập hơn về tài chính và có quyền tự quyết.

“Họ không cần một người đàn ông đảm bảo tài chính cho họ như quá khứ”, bà nói. “Đó là lý do tại sao phụ nữ thời nay ngày càng kén chồng trong khi đàn ông vẫn luôn đi tìm những người phụ nữ đẹp và thu hút, đặc biệt là những người có thể sinh quý tử nối dõi".

"Đàn ông là thẻ ngân hàng, phụ nữ là bất động sản"

Khi tình yêu và hôn nhân dân chủ hơn tại Trung Quốc, phụ huynh không còn có uy thế như xưa trong quá trình chọn lựa bạn đời của con. Tuy vậy, vai trò của bậc cha mẹ vẫn quan trọng, nhất là khi có những người trực tiếp kiểm soát vấn đề này của con cái.

Tại Thượng hải, hàng trăm phụ huynh tập trung tại một nơi nổi tiếng là “góc xem mặt” hay “chợ hôn nhân” ở Công viên Nhân dân mỗi cuối tuần. Họ ngồi dưới những tán ô sặc sỡ, “trưng bày” thông tin cá nhân của con cái trên các poster, với hy vọng tìm được đối tượng lý tưởng cho con.

“Nam giới, sinh vào tháng 7/1980, độc thân, cao 1,71 m, 63 kg, tốt nghiệp cử nhân, sức khỏe tốt... lương sau thuế năm ngoái là 970.000 tệ (198.400USD)... có tất cả 6 khu bất động sản”, một trong những tấm poster viết. “Tìm vợ khỏe mạnh, cao khoảng 1,62 m tới 1,7 m, nặng từ 46 đến 56 kg, mắt to tự nhiên”.

Các bậc phụ huynh tìm đến "chợ xem mặt" tại Thượng Hải để tìm đối tượng cho con. Ảnh: ABC.

Trong một dự án chùm ảnh “Hạnh phúc của việc vâng lời”, nghệ sĩ Trung Quốc Yingguang Guo, 34 tuổi, ghi lại cảnh những "góc phố xem mặt" vào khoảng 2 năm trước và câu chuyện của cô trở thành đề tài nóng trên mạng.

Cô giả vờ là phụ nữ độc thân, dùng camera giấu kín ghi lại trải nghiệm tại chợ hôn nhân. Trong đoạn băng, những bậc cha mẹ hỏi cô những câu hỏi bất lịch sự về tuổi tác.

“Tại chợ hôn nhân, thu nhập, học vấn, chiều cao, và độ tuổi được dùng để quy đổi ra giá trị của một con người”, cô nói.

Một người đàn ông nói với Yingguang rằng “lý thuyết” tìm vợ, chồng cho con là “đàn ông giống như thẻ ngân hàng, còn phụ nữ là bất động sản”.

“Ông ta nói với tôi rằng số tiền một người đàn ông có trong thẻ ngân hàng quyết định kiểu phụ nữ anh ta có thể lấy. Còn ngoại hình của cô gái thì giống như một loại bất động sản, độ tuổi của phụ nữ cho thấy vị trí của bất động sản đó”.

“Bất động sản tốt và ở địa điểm tốt thì có giá hơn. Họ nói với tôi rằng tôi là khu bất động sản được thiết kế tốt nhưng lại nằm ở vùng ngoại ô vì tôi già rồi”, cô Yingguang kể lại.

Những người còn sót lại

Tại Trung Quốc, những người vẫn độc thân ở độ tuổi cuối 20 đối mặt với áp lực khổng lồ từ việc kết hôn và sinh con. Những từ ngữ miệt thị như ‘"những phụ nữ thừ"’ hay "cọc trống" thường bị gán cho phụ nữ và đàn ông chưa kết hôn dù đã qua một độ tuổi nhất định.

Theo báo cáo của Tân Hoa Xã từ một khảo sát do China Youth Daily thực hiện với sự tham gia của 2.000 người, hơn 85% thanh niên Trung Quốc bị các thành viên lớn tuổi trong gia đình giục cưới. Ít nhất 69% người nói rằng họ cảm thấy áp lực khi bị giục, ép.

Công viên xem mặt cung cấp thông tin chi tiết về nhiều đối tượng kết hôn đa dạng. Ảnh: VCG.

Khoảng 4 năm trước, sau khi đi du học tại London về, Yan Lei, 29 tuổi, rời nhà đến Bắc Kinh tìm việc để trốn thoát khỏi áp lực kết hôn từ gia đình.

“Không chỉ cha mẹ thúc giục tôi mà thậm chí là các cô, các bác, bạn bè của cha mẹ và cả hàng xóm hỏi tôi sao không có ai để cưới. Tôi thấy bất lực”, cô nói.

“Tôi nghĩ, trong mắt của thế hệ cha mẹ, cuộc sống không thể hạnh phúc nếu tôi không kết hôn. Nhưng sự thật là họ sống trong ảo ảnh đẹp đẽ rằng hôn nhân đồng nghĩa với hạnh phúc”.

Không như thế hệ trước có thể chấp nhận chịu đựng cuộc hôn nhân không vui vẻ, đối với người trẻ Trung Quốc, ly hôn không còn là điều cấm kỵ.

Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ và các cơ quan đăng ký kết hôn, hơn 1,8 triệu cặp vợ chồng tại Trung Quốc ly hôn trong nửa đầu năm 2017, tăng 10,3% so với số liệu cùng kỳ năm 2016. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật