Chính trường Thái Lan: Chính quyền quân sự trước bầu cử

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với việc chính quyền quân sự Thái Lan nắm quyền hơn 4 năm và thời gian nắm quyền lâu hơn tất cả các chính phủ được bầu trước đó, lộ trình cho bầu cử của Thái Lan đã bị trì hoãn nhiều lần. Theo giới phân tích, không giống như các nước láng giềng, Thái Lan rất khó khăn trong việc ấn định thời điểm bầu cử.
Chính trường Thái Lan: Chính quyền quân sự trước bầu cử
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. ảnh tư liệu

Chính quyền “câu giờ”

Báo Straitstimes của Singapore mới đây đăng bài bình luận của viện trưởng viện nghiên cứu an ninh và quốc tế, ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), ông Thitinan Pongsudhirak, cho rằng chính quyền quân sự Thái Lan đang tìm cách kéo dài thời gian nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Mới đây, chính quyền quân sự Thái Lan đưa ra thời điểm tổ chức bầu cử vào tháng 2-2019, nhưng hiện cũng vấp phải những tranh luận tại Tòa án Hiến pháp nước này vì những vấn đề kỹ thuật. Nói tóm lại, theo ông Thitinan, bản chất phức tạp của chính trị Thái Lan cho thấy các tướng lĩnh cầm quyền nước này, vốn lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 với đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, hiện đang muốn nắm giữ và duy trì quyền lực càng lâu càng tốt kể cả sau cuộc bầu cử sắp tới. Rõ ràng, chính phủ của Thủ tướng Prayut và “Hội đồng Khôi phục hòa bình và luật pháp” đang tiến hành một trò chơi chính trị trước bầu cử.

Chuyên gia Thitinan nhấn mạnh, Thái Lan sẽ không có một cuộc bầu cử cho đến khi chính quyền quân sự đảm bảo được chiến thắng. Điều này có nghĩa là chính quyền quân sự sẽ tiến hành các hoạt động thao túng luật pháp, làm cho các đối thủ suy yếu, lôi kéo cử tri bằng những khoản chi tiêu ngân sách hấp dẫn, trấn áp các lực lượng bất đồng và trì hoãn các cuộc thăm dò cử tri.

Dự thảo Hiến pháp có lợi cho chính quyền

Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan do chính quyền quân sự chỉ định đã đưa ra một bản Hiến pháp trong đó làm cho các chính khách và các đảng phái tham gia bầu cử yếu thế trong khi ngăn cản các đảng phái chính trị lớn mạnh nổi lên. Một biện pháp có lợi cho chính quyền quân sự là việc 250 thành viên Thượng viện sẽ được chỉ định theo ý kiến của giới quân sự, đảm bảo cho lực lượng quân sự nước này nắm giữ 1/3 số ghế của Thượng viện. Thêm vào đó, Hiến pháp cho phép một người không phải nghị sĩ quốc hội trở thành Thủ tướng nếu không có ứng cử viên cho chức vụ này tại Hạ viện.

Theo ông Thitinan, điều này rõ ràng là nhằm mục đích đưa Tướng Prayut nắm vai trò Thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới. Hơn nữa, các cơ quan độc lập quan trọng gồm Ủy ban Bầu cử và Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia đều do những người trung thành với chính quyền quân sự điều hành.

Hai đảng phái chính tham gia cuộc bầu cử sắp tới gồm đảng Pheu Thai và đảng Dân Chủ hiện đều yếu. Đảng Pheu Thai đã bị giải thể hai lần và hiện đang bị vướng vào những rắc rối pháp lý có thể khiến cho đảng này một lần nữa bị giải thể. Lãnh đạo đảng này là Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra và em gái, bà Yingluck Shinawatra (cũng là một cựu Thụ tướng), hiện đang phải sống lưu vong và bản thân họ đang phải đối mặt với án Hình Sự ở trong nước.

Trong khi đó, đảng Dân chủ đang có những bất đồng trong nội bộ với việc lãnh đạo đảng này Abhisit Vejjajiva, người cực lực phản đối việc một người không phải là nghị sỹ quốc hội trở thành Thủ tướng, hiện mâu thuẫn với cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban, người lãnh đạo cuộc biểu tình đường phố hồi năm 2013-2014, dẫn tới cuộc đảo chính quân sự sau đó. Ông Suthep Thaugsuban được cho là trung thành với đương kim Thủ tướng Prayut.

dư luận ngày càng bất bình

Để giành được sự ủng hộ của các cử tri, chính quyền của Thủ tướng Prayut hồi tháng 1 đã đưa ra gói bổ sung ngân sách trị giá 150 tỷ baht nhằm mục đích cải cách lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, dư luận công chúng ngày càng bất bình vì tình trạng tham nhũng của chính phủ, đặc biệt là sự không minh bạch về nguồn gốc số đồng hồ đắt tiền mà Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan sở hữu.

Trong bối cảnh như vậy, giới tướng lĩnh cầm quyền nước này vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm tập trung nơi công cộng và các hoạt động của những đảng phái chính trị. Một cuộc tập trung từ 5 người trở lên vẫn bị coi là vi phạm Pháp Luật và có thể bị bắt giữ. Cùng với đó, Tướng Prayut vẫn nắm quyền tuyệt đối theo điều 44 của Hiến pháp tạm thời mà bằng cách nào đó vẫn có hiệu lực theo Hiến pháp mới. Điều 44 cho phép ông Prayut có quyền ra các sắc lệnh mà không phải kiểm tra cũng như giải trình tính pháp lý. Cho đến khi các điều kiện thuận lợi đảm bảo cho chính quyền quân sự tiếp tục nắm quyền sau bầu cử thì chiến thuật trì hoãn thời gian bầu cử của giới quân sự nước này vẫn có thể được Thủ tướng Prayut áp dụng.

Bên cạnh đó, chính quyền quân sự Thái Lan cũng tiến hành các hoạt động tiếp xúc, vận động hành lang trực tiếp với các phe phái khác và những nhà bảo trợ cho các phe phái này. Những tháng gần đây, Tướng Prayut đã tiến hành gặp các chính trị gia được bầu tại các tỉnh Sukhothai, Chonburi, Supanburi, Nakorn Pathom. Tại các cuộc gặp này, ông Prayut thẳng thừng nói rằng không loại trừ việc mình sẽ ngồi vào vị trí Thủ tướng của Thái Lan sau cuộc bầu cử sắp tới.

Chuyên gia Thitinan nhận định, trong những tháng tới, chính quyền quân sự có thể sẽ hợp tác, lựa chọn các chính trị gia từ những đảng phái bao gồm Đảng Pheu Thai và Đảng Dân chủ. Ngoài ra, trong một hành động cho thấy sự tranh giành lợi ích, chính phủ đã gợi ý về việc thành lập một đảng nhằm hậu thuẫn Tướng Prayut trở thành Thủ tướng sau bầu cử.

Nếu được thành lập, đảng này có thể đề cử ông Prayuth là ứng cử viên cho chức Thủ tướng trong thời gian bầu cử, qua đó tránh bị buộc tội là một nhà lãnh đạo không xuất thân từ Quốc hội. Như vậy, chính trường Thái Lan lại đang đứng trước viễn cảnh chính quyền quân sự tìm mọi cách nắm quyền quản lý đất nước như trước đây.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật