Đề xuất 7 Sở sẽ được tổ chức thống nhất trong cả nước

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhóm 1 là các Sở tổ chức thống nhất trong cả nước gồm: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và môi trường, LĐ-TB&XH, Y tế, thanh tra, Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Đề xuất 7 Sở sẽ được tổ chức thống nhất trong cả nước
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Chính phủ chỉ quy định khung các cơ quan chuyên môn... ảnh: Phương Thảo

Chiều 26-3, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Đáng quan tâm, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Theo Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, với 17 Sở hiện tại tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, được chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1 là các Sở tổ chức thống nhất trong cả nước gồm: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và môi trường, LĐ-TB&XH, Y tế, thanh tra, Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Nhóm 2 là các Sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất (kèm theo điều chỉnh về tên gọi) và Nhóm 3 là các Sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cung cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập.

Với 4 Sở đặc thù (Sở Quy hoạch – kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội và TP HCM) và 3 Sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch), cũng do UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập.

“Trên cơ sở phân nhóm nêu trên, Dự thảo quy định theo hướng giao cho các địa phương quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bên trong từng Sở, chứ các Bộ không hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của Sở”, ông Thành nói.

Về khung số lượng các sở sau khi sắp xếp, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án. Phương án 1 quy định tổng số lượng Sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm tổng số lượng Sở sau khi sắp xếp không vượt quá số lượng Sở hiện có.

Phương án 2 quy định tổng số lượng Sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm số lượng Sở tối đa của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Dự thảo cũng đưa ra quy định số lượng biên chế để thành lập Phòng là từ 7 người trở lên, số lượng Phó trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và khung số lượng phòng chuyên môn sau khi sắp xếp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế cho biết thêm, dự kiến đưa ra 7 biên chế/phòng, nhưng qua các hội thảo còn nhiều ý kiến khác nhau, nên sẽ tiếp tục nghiên cứu để trình số lượng cụ thể bao nhiêu cho phù hợp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, Chính phủ chỉ quy định khung các cơ quan chuyên môn, khung cấp phó, số lượng biên chế tối thiểu để thành lập và tiêu chí thành lập các đơn vị đặc thù. “Trên cơ sở đó, Chính phủ giao cho địa phương quyết định việc sáp nhập, hợp nhất, thành lập một số Sở và sắp tới Trung ương không quy định Sở có bao nhiêu phòng, mà chỉ ban hành tiêu chí”, ông Thăng cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, sắp tới cũng sẽ sửa cả nghị định về cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tiêu chí thành lập các cơ quan thuộc Bộ như Tổng cục, Cục, Vụ… và biên chế tối thiểu của các Vụ, Cục. Hiện, Bộ Nội vụ đang tiếp tục khảo sát tại 8 tỉnh, thành và tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyển Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Tính đến 28-2-2018, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, số người tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP là 34.663 người, trong đó năm 2017 giảm 12.660 người và 2 tháng đầu năm 2018 là 4.302 người. Tuy nhiên, một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu được giao, tình trạng tự ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn diễn ra.

Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP theo hướng mở rộng đối tượng tinh giản là cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện tinh giản. Các cơ quan, tổ chức được sử dụng tối đa 50% số biên chế đã tinh giản và nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định để tuyển dụng mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật