Xích lô nữ ở Sầm Sơn

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có lẽ hiếm ở khu du lịch nào trên dải đất hình chữ S, người phụ nữ lại phải làm cái công việc nặng nhọc - đạp xích lô chở khách du lịch như ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Quanh năm, suốt tháng họ đi làm thuê ở khắp nơi, vào mùa du lịch họ trở về “hầu khách“ bốn phương…
Xích lô nữ ở Sầm Sơn
Xích lô nữ ở Sầm Sơn

Nhiều người coi thường lắm!

Chị Văn Thị Phượng 45 tuổi (phường Bắc Sơn) đã có 10 năm làm nghề đạp xích lô, cho biết: Hầu hết những người phụ nữ đạp xích lô nơi đây đều có tuổi đời từ 20-45, họ  đi làm thuê quanh năm với nhiều công việc khác nhau như thợ hồ, đánh cá, ô sin... Vào mùa du lịch họ trở về "hầu khách" bốn phương.

 Lên đường dạo phố.

Bản thân chị Phượng cũng không nằm ngoài "con tạo xoay vần" đó. Khi tôi hỏi, làm thợ phụ hồ và thợ đạp xích lô thì thợ nào sướng hơn, chị Phượng buồn bã trả lời: "Làm thuê chả có nghề gì sướng cả chú ạ. Đạp xích lô dễ kiếm tiền hơn, nhưng nhiều người coi thường lắm. Lấy được vài đồng của khách cũng bở hơi tai. Nhưng ruộng vườn không có, không đi làm thuê, lấy cái gì mà sống hả chú".

Hiện Sầm Sơn có khoảng 1 nghìn chiếc xe xích lô, trong đó nữ giới chiếm gần 1 nửa. Tuy vậy, nữ giới vẫn phải cạnh tranh một cách sòng phẳng với nam và các loại phương tiện khác. "Những năm trước tiền thuế chỉ  có mấy chục nghìn, sau đó lên vài ba trăm nghìn. Rồi lên tiền triệu. Thuế nộp cho thị xã cứ lên vù vù theo giá cả thịt cá ngoài chợ", chị Phượng cho biết.

 

Để có chiếc cần câu cơm, chị Phượng đầu tư 5 triệu đồng mua một chiếc xe xích lô, đóng thuế cho thị xã cả vụ mất hơn 1 triệu đồng. Thế nhưng, đến một vị trí đỗ cũng không có. Chị Phượng bức xúc cho biết: "Chúng tôi vụ nào cũng đóng thuế đầy đủ nhưng đi mỏi chân không có bến đỗ. Đỗ ở đâu họ cũng chửi bới. Trên các vỉa hè chủ hàng quán mua đất theo từng ô, nên nếu có lỡ chân phanh xe lại một cái họ đã phi ra, đuổi như đuổi tà. Đứng trước nhà nghỉ để đón khách thì bị nhân viên đẩy ra không cho bắt khách. Nhiều người còn răn đe, nói với khách là đi xích lô dễ bị lừa...". 

Giá xích lô 10 năm nay… vẫn thế!

"Vài năm trước, khi chưa xuất hiện các loại xe du lịch khác, xích lô là đệ nhất ở xứ này, giờ chỉ là  hạng cùng...".  Nói rồi chị Phượng chỉ  tay về phía những chiếc xe ô tô điện đang bóp còi inh ỏi, những chiếc xe đạp đôi xinh xắn cũng đã bắt đầu xếp hàng ngay ngắn để phục vụ khách dạo chơi tối.

Chị Phượng bảo, riêng ô tô điện gần 200 chiếc, được chia đều cho các bãi A, B, C. Chưa kể mỗi bãi có khoảng 200 chiếc xe đạp đôi nữa. Những khách đi theo đoàn, họ thích đi xe ô tô điện cho tiện lợi. Đi theo đoàn, vừa đông vui lại rẻ nữa. Các đôi trai gái, họ chọn xe đạp đôi để dạo phố. Chỉ còn một bộ phận gia đình, các thanh niên đi "thư giãn" là đi xích lô. Ở Sầm Sơn cái gì giá cũng tăng, nhưng giá đi xích lô 10 năm nay vẫn thế, nếu tăng khách không đi nữa.

Tôi hỏi chị, thế giá cả đi xe xích lô là do thị xã quy định hay các chị thích "chém" bao nhiêu thì  "chém", chị cười buồn: Lâu nay thị xã  quy định là  8.000đ/km, giá này tương đương với taxi. Với cái giá đấy thà khách họ đi bộ chứ ai thèm đi xích lô. Xe ô tô điện người ta đi một vòng cũng chỉ có 10.000đ/lượt, xe đạp điện 20.000đ/h. Để cạnh tranh được với các loại xe đó, bọn chị chỉ dám lấy của khách 10.000đ/vòng. Cứ thu như giá quy định chắc có đi bạc mặt cả ngày vẫn không bắt được một mống khách nào. 

 

Chị Phượng tâm sự: "Chị đạp xích lô từ những năm 2000 nhưng cũng chỉ  đủ ăn. Đạp xe chả kể sớm hay muộn, cứ dậy từ gà gáy, thu xếp công việc nhà xong chị lại lên xe. Khi nào khách về nghỉ, đường vắng người mới về. Thế mà có ngày  được vài trăm, vài chục nhưng có ngày không được nghìn nào do không mời được khách". Chị nhẩm tính một vụ hè nộp thuế má, ăn tiêu rồi chẳng còn dư được là bao. Cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Thế nên, đứa con trai lớn của chị đậu đại học cũng đành gác lại ước mơ giảng đường để vào Nam mưu sinh.

"Có đi gái không"

1 tuần trước khai trương mùa du lịch, thị xã thông báo cho chủ xe xích lô đến học một lớp tập huấn khoảng 3 ngày, với chi phí  30.000đ/người. Chị Phượng bảo, năm nào cũng dạy về luật, văn hóa du lịch. Nhưng nói thật cách ứng xử với khách đã có sẵn trong mỗi người, có dạy này dạy khác cũng khó thay đổi. Nhiều người ăn nói với khách như rác rưởi, chào khách thô tục lắm. Rất nhiều khách nam giới lên xe hỏi "có đi gái không?".

Chị không thích chở nam giới. Cùng quá không có khách thì chị mới chở, còn chị vẫn thích phục vụ khách gia đình. Đàn ông lên xe đa phần nồng nặc mùi bia rượu, nhiều người say rượu nói năng lung tung, thậm chí giở trò sàm sỡ. 

Tuy nhiên, vẫn có những chị vừa đạp xích lô kiêm "môi giới dịch vụ". Kéo tôi lên xe, một chị tên Dung bảo: Ở đây nhiều loại dịch vụ, em út có nhiều kiểu: mát xa, xông hơi, "đi gái"... Mát xa khác thì khoảng 120.000đ/người nhưng muốn "đi gái" với nhân viên thì bo thêm cho các em vài chục nghìn là "sung sướng từ A - Z". Chị "cò" này còn giãi bày rằng: "Hàng" ở đây trước mùa du lịch được kiểm tra y tế hết.

"Hàng" sida, bệnh tật thì không có ở vùng du lịch này đâu. Nói thật với các em, tiền đạp xích lô hồng hộc cả ngày, sao đủ sống, chủ yếu chị sống dựa vào các quán mát xa, tẩm quất, cà phê đèn mờ... "Trước mùa du lịch, chủ "nhà chứa" đã làm giá với các chị rồi, cứ dẫn khách vào quán, chị nhận 20.000 đ/người, không cần biết họ làm gì trong đó" - "Cò" Dung tâm sự.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật