Nước Việt có nền quan chế độc lập từ khi nào?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ nhà Đinh trở về sau, quan chức nước ta mới dần có hệ thống mang tính độc lập của một quốc gia có chủ quyền.
Nước Việt có nền quan chế độc lập từ khi nào?
Ảnh minh họa

Quan chế nhà Đinh

Niên hiệu Thái Bình thứ 2 (971), Đinh Tiên Hoàng bắt đầu định quan chức văn võ. Có các chức Đô hộ sĩ sư, Tướng quân, Nha hiệu (cho Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Giang Cự Vọng làm Nha hiệu).

Lại định giai phẩm các tăng và các đạo sĩ có các danh hiệu đại sư, tăng lục, đạo sĩ, sùng chân uy nghi (như Tăng thống Ngô Chân Lưu cho hiệu là Khuông Việt đại sư; Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ; Đặng Huyền Quang cho làm Sùng chân uy nghi. Phong cho con rể Trần Thăng chức Phò mã đô úy). Về quan chức thời nhà Đinh sử sách chỉ chép như thế.

Nhà Tiền Lê


Lê Đại Hành (Lê Hoàn) lên ngôi Hoàng đế, năm đầu tiên đặt thêm các chức Thái sư, Thái úy, Tổng quản, Đô chỉ huy sứ (như phong Hồng Kính làm Thái sư, Phạm Cự Lượng làm Thái úy, Từ Mục làm Đại tổng quản tri quân dân, Đinh Thừa Chính làm Nha nội đô chỉ huy sứ). Năm 1006, Lê Long Đĩnh thoán nghịch lên nối ngôi, sửa đổi quan chế văn võ, tăng đạo đều theo như nhà Tống, sử sách không khảo chép được rõ ràng.

Nhà Lý

Năm Thuận Thiên thứ 1 (1010), vua Lý Thái Tổ phong quan tước có các danh hiệu Thái sư, Thái phó, Thái bảo, tổng quản, tướng công, cơ mật sứ, tả hữu Kim ngô, tả hữu Vũ vệ, Viên ngoại lang, còn các chức khác vẫn theo như nhà Đinh và Tiền Lê.

Năm Thiên Thành thứ 1 (1028), vua Lý Thái Tông đặt thêm chức Thượng tướng tôn quan (như an quốc, phụ quốc, khuông quốc) để phong cho cha hoàng hậu. Lại đặt tả hữu Khu mật, tả hữu Tham tri, Chính sự, tả hữu Gián nghị, trung thư Thị lang cùng các chức Uy nghi thượng tướng, Định thắng thượng tướng, tả hữu tâm phúc, nội thị, Đô thống đại nguyên soái.

Năm Long Thụy thứ 1 (1054), vua Lý Thánh Tông đặt chức Văn Minh điện đại học sĩ, đổi chức thư gia làm Án ngục lại.

Năm Quảng Hựu thứ 3 (1087), vua Lý Nhân Tông đặt chức Hàn Lâm viện; Năm 1088, đặt chức Thập hỏa thư gia (Nội hỏa thư gia, Ngự khố thư gia, Chi hầu thư gia, Nội thư gia, Lệnh thư gia...). Đặt chức tụng quan chầu hầu canh nhà vua, chức kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự. Năm 1118, đặt chức bộ Thị lang, Trung thư thừa.

Năm 1128, Lý Thần Tông đặt chức Thượng thư sảnh, Viên ngoại lang, đông tây Cáp môn sứ, tả hữu Ty lang trung cho quan văn; các hiệu Chỉ huy sứ, Nội vụ vệ, Nội hỏa đầu cho quan võ.

Nói chung, quan chế triều Lý  đã khá hệ thống, rõ ràng, văn võ đều có 9 phẩm. Lấy 3 chức Thái sư, Thái phó, Thái bảo và 3 chức Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo cùng Thái  úy, Thiếu úy, nội ngoại Hành điện đô tri sự, Kiểm hiệu bình chương sự... đều là những chức trọng yếu của đại thần. Văn thì có bộ Thượng thư, tả hữu tham tri, tả hữu gián nghị.

Bộ Thị lang thì có tả hữu ty lang trung, thượng thư sảnh viện ngoại lang, tả hữu phúc tâm, phủ sĩ sư, điện học sĩ, Hàn lâm viện học sĩ, vệ đại phu, thừa trực lang, thừa tín lang... là các chức trọng yếu làm việc trong triều.

Ở ngoài thì có chức tri phủ, phán phủ, tri châu. Võ ban thì có đô thống, nguyên soái, tổng quản, khu mật sứ, tả hữu kim ngô, thượng tướng, đại tướng, đô tướng, tướng quân. Các vệ có uy vệ, kiêu vệ, định thắng, chỉ huy sứ, vũ vệ vũ tiệp, vũ lâm... Tại các lộ, trấn, trại đều đặt quan và binh đóng giữ.

Đời Lý còn có chức hành khiển, dùng trung quan (hoạn quan) để gia thêm danh hiệu Nhập nội Hành khiển đồng trung thư môn hạ bình chương sự, đó là chức quan trọng hậu giữ then chốt chính sự của triều đình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật