Liệu có giảm áp lực cho học sinh?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau ba năm ra lệnh “cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức“, từ năm học 2018 - 2019, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) cho phép một số trường THCS đặc thù, trường điểm tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh (HS) vào lớp 6. Quy định này nhận được sự ủng hộ của nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, việc này sẽ không làm giảm áp lực cho các em. Bởi để có kiến thức vượt qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực vào các trường chất lượng cao, học sinh sẽ phải học thêm, luyện thi.
Liệu có giảm áp lực cho học sinh?
Phụ huynh nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6 tại Trường THCS Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Bộ GD-ÐT vừa chính thức ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDÐT ngày 18 - 4 - 2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ÐT. Ðiểm đáng chú ý nhất trong Thông tư này là việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 4 của thông tư hiện hành. Cụ thể, Thông tư số 11 quy định: "Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển", thì Thông tư mới bổ sung: "Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD-ÐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS". Tại Hà Nội, từ nhiều năm nay, các trường Hà Nội - Amsterdam (hệ THCS); THCS Cầu Giấy; Lê Lợi; Marie Curie; Nguyễn Siêu... đều có số HS đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh. Việc ban hành quy định này nhận được sự đồng tình của giáo viên, phụ huynh học sinh.

Chị Ðào Ái Loan, phụ huynh học sinh trường tiểu học và THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết: "Tôi từng biết có những gia đình ép con học đến mức không có ngày nghỉ, không có thời gian vui chơi. Ngày thì học hai buổi ở trường, tối về học thêm môn văn, toán, thứ bảy, chủ nhật thì tham gia các câu lạc bộ… với mục đích "kiếm" giải thưởng. Lẽ ra ở tuổi này, bên cạnh việc học ở trường, các cháu phải có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Nhìn bọn trẻ học vất vả mà thương". Hằng năm, trước mùa tuyển sinh lớp 6, các trường THCS chất lượng cao đều băn khoăn làm sao để có được những HS có chất lượng tốt nhất. Vì vậy, lãnh đạo phần lớn các trường đều ủng hộ quyết định của Bộ GD-ÐT, cho phép các nhà trường kiểm tra, đánh giá năng lực HS.

Trên thực tế, quy định chỉ tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển trong vài năm gần đây đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực, tình trạng phụ huynh "chạy" để con có học bạ đẹp, có giải thưởng nhằm dễ được xét tuyển vào các trường chất lượng cao, gây bức xúc trong xã hội. Cô Nguyễn Hồng Vân, giáo viên một trường tiểu học ở quận Ba Ðình cho rằng, để các trường lựa chọn HS bằng cách thi tuyển là hoàn toàn phù hợp. "Ba năm qua, việc cấm thi tuyển khiến một số trường quá đông HS đăng ký phải tìm cách "lách luật", cho học sinh làm bài khảo sát năng lực, còn phụ huynh "ép" con phải tham gia nhiều cuộc thi, thậm chí có cha mẹ "mua giải", chứng chỉ nhằm làm đẹp hồ sơ cho con, giúp con có cơ hội trúng tuyển. Hình thức đánh giá năng lực HS sẽ tạo sự minh bạch, công bằng cho HS" - cô Vân nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, trường có nhiều cách để kiểm tra đánh giá năng lực HS, sẽ lựa chọn một cách phù hợp với mong muốn về đối tượng đầu vào của trường. "Trường sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh không gây căng thẳng nhưng vẫn đạt được mục tiêu chọn lọc HS. Thí dụ, có thể cho thí sinh đăng ký trải nghiệm một ngày làm HS THCS. Các em sẽ có một ngày trọn vẹn ở trường, tham gia các hoạt động trải nghiệm, những cuộc trao đổi nhẹ nhàng để thể hiện sự hiểu biết của bản thân về cuộc sống, về lịch sử, về khoa học xã hội,… giáo viên tham gia trải nghiệm cùng các em và quan sát, đánh giá, lựa chọn những HS phù hợp" - bà Thúy .

Có thể thấy, quy định của Bộ GD-ÐT về bỏ xét tuyển lớp 6 trường đặc thù sẽ tạo sự công bằng cho mọi HS. Tuy nhiên, việc bỏ quy định xét tuyển, thay vào đó là cho phép các trường kết hợp xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực của HS chưa chắc sẽ làm giảm áp lực học tập, thi cử cho các em, bởi thay vì chạy đôn đáo đi luyện các khóa kỹ năng, các giải thể thao, nghệ thuật để lấy giải, thì các em phải học thêm, luyện thi để có kiến thức vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực khá cam go vào các trường chất lượng cao. Bất cập này cần được ngành giáo dục Thủ đô nói riêng, ngành giáo dục cả nước nói chung tiếp tục tháo gỡ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật