Hải quan Hà Nội: Tỉ lệ kiểm tra hàng hóa đang ở mức thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thủ tục hải quan được đơn giản và điện tử hóa, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại dựa trên quản lý rủi ro… là những thay đổi lớn đối với hoạt động quản lý tại Cục Hải quan Hà Nội, sau 3 năm thực hiện Luật Hải quan.
Hải quan Hà Nội: Tỉ lệ kiểm tra hàng hóa đang ở mức thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Hà Tây (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.Linh.

Kiểm tra thực tế ở mức 3-5%

Luật Hải quan có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015, đã tạo cơ sở pháp lý về cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Theo Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội) Đặng Hoàng Điệp, những thay đổi đó thể hiện bằng việc hồ sơ hải quan đã đơn giản hóa các loại chứng từ phải nộp, cho phép nộp chứng từ điện tử và quy định tính pháp lý của chứng từ điện tử. Luật Hải quan cũng đã có quy định về việc sử dụng giấy phép XNK, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành của cơ quan quản lý chuyên ngành gửi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Thủ tục hải quan đối với các loại hình đều được thực hiện bằng phương thức điện tử, việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định.

Đáng chú ý, trong công tác kiểm tra hải quan, việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan. Tỉ lệ kiểm tra hồ sơ hàng hóa XNK tương đối phù hợp, khoảng 50%. Trong khi đó, tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đang ở mức tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN XNK (3-5%) trong vài năm trở lại đây.

Một trong những điểm nổi bật sau khi Luật Hải quan có hiệu lực chính là việc áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại dựa trên quản lý rủi ro. Luật Hải quan đã tạo cơ sở thực hiện đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, thực hiện phương thức quản lý hiện đại.

Theo Cục Hải quan Hà Nội, tại đơn vị ngoài việc áp dụng quản lý rủi ro trong khi làm thủ tục hải quan và sau thông quan, đơn vị cũng đã triển khai trong cả quá trình xếp, dỡ từ phương tiện vận tải XNC xuống kho, bãi, cảng, khu vực cửa khẩu nhập (soi chiếu trước đối với hàng hóa NK) và trong quá trình hàng hóa XK đã thông quan, được tập kết tại các địa điểm trong khu vực cửa khẩu xuất tại cục hải quan. Bước đầu thực hiện quản lý rủi ro đối với hành khách XNC và hành lý của hành khách XNC.

Bên cạnh đó, các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro chủ yếu được thực hiện trên Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, bao gồm: Cập nhật hồ sơ rủi ro, thiết lập tiêu chí phân tích…

Công tác phân tích, đánh giá rủi ro, thiết lập tiêu chí phân luồng có nhiều thay đổi. Từ năm 2015, việc thiết lập tiêu chí phân luồng chỉ giao cho Phòng Quản lý rủi ro (khác với trước đây chi cục hải quan cũng có quyền thiết lập tiêu chí phân luồng). Ngoài các tiêu chí theo quy định, tiêu chí quản lý do Cục Quản lý rủi ro xây dựng trên cơ sở các phiếu cung cấp thông tin dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm từ các chi cục gửi về, hàng năm Phòng Quản lý rủi ro (Cục Hải quan Hà Nội) đã xây dựng thêm nhiều tiêu chí. Năm 2015 xây dựng được 520 tiêu chí, năm 2016 xây dựng được 610 tiêu chí, năm 2017 xây dựng được 600 tiêu chí. Như vậy, trong 3 năm qua, Cục Hải quan Hà Nội đã phân tích và thiết lập 1.730 tiêu chí phân tích trên các đối tượng là các DN rủi ro, có dấu hiệu không tuân thủ Pháp Luật về hải quan, hoặc thiết lập để kiểm tra sự chấp hành của DN.

Kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan tại Cục Hải quan Hà Nội cho thấy hiệu quả được tăng lên; tỉ lệ lô hàng phân luồng Đỏ ngày càng giảm nhưng số vụ phát hiện vi phạm đã tăng lên. Chẳng hạn năm 2015, tỉ lệ luồng Xanh là 53,27%, tỉ lệ luồng Vàng là 40,87%, tỉ lệ luồng Đỏ là 5,86%; năm 2016, tỉ lệ luồng Xanh là 52,55%, tỉ lệ luồng Vàng là 41,46%, tỉ lệ luồng Đỏ là 5,99%; năm 2017, tỉ lệ luồng Xanh là 47,47%, tỉ lệ luồng Vàng là 41,46%, tỉ lệ luồng Đỏ là 4,62%. Qua công tác quản lý rủi ro, số lượng DN tuân thủ cũng tăng lên đáng kể, chiếm 53,82% năm 2016, năm 2017 tỉ lệ này là 90,23%.

Kiểm tra chuyên ngành cần tiếp tục tháo gỡ

Trong công tác quản lý hàng hóa XNK, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành, làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan và hoạt động kinh doanh của DN như: Sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành do các bộ quản lý chuyên ngành chưa thống nhất trong phương thức quản lý; nhiều danh mục hàng hóa phải kiểm tra quá rộng, không chi tiết tên hàng, mã số…

Trong khi đó, thực hiện quy định về việc mang hàng về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều tồn tại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày cấp giấy đăng kí kiểm tra hoặc ngày lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành trừ trường hợp Pháp Luật về kiểm tra chuyên ngành có quy định khác, cơ quan kiểm tra chuyên ngành có thẩm quyền phải có kết luận kiểm tra và gửi cơ quan Hải quan theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan hoặc gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia trong trường hợp cơ quan kiểm tra có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan Hải quan giải quyết việc thông quan hàng hóa. Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan kiểm tra chuyên ngành chưa có kết luận kiểm tra chuyên ngành thì phải có văn bản nêu rõ lý do và ngày ra kết luận kiểm tra gửi cơ quan Hải quan”.

Theo quy định trên, trách nhiệm thông báo lý do chậm ra kết quả kiểm tra chuyên ngành thuộc về các cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, việc thông báo lí do chậm ra kết luận kiểm tra gửi cơ quan Hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa được thực hiện.

Cùng với đó, việc kiểm tra điều kiện kho trước khi cho hàng mang về bảo quản theo quy định điểm b khoản 3 Điều 33 Nghị định 08/2015/NĐ-CP sẽ gặp khó khăn cho cả cơ quan Hải quan lẫn DN. Đối với cơ quan Hải quan, phải bố trí nhiều công chức đi kiểm tra kho; các công ty có kho nằm ở các vị trí, địa điểm khác nhau, ngoài địa bàn Hà Nội nên việc đi lại xa, khó khăn về phương tiện làm tăng chi phí. Đối với DN, nhiều DN NK các mặt hàng số lượng ít, hàng thông dụng không cần phải có kho chuyên dụng, phải bảo quản lạnh… DN chỉ cần bảo quản tại văn phòng của công ty, do đó yêu cầu kho phải đáp ứng các điều kiện sẽ gây khó khăn, làm tăng chi phí của DN.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật