Tranh cãi về chiến thuật dùng xe tăng làm pháo tự hành của Nga

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quân đội Nga sử dụng hỏa lực xe tăng bắn cầu vồng như pháo binh, nhưng hiệu quả trước khí tài trinh sát đối phương chưa rõ ràng.
Tranh cãi về chiến thuật dùng xe tăng làm pháo tự hành của Nga
Xe tăng T-72 tham gia diễn tập với chiến thuật mới. Ảnh: Sputnik.

Xe tăng T-72B tham gia diễn tập với vai trò pháo tự hành

Trong cuộc diễn tập tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới thuộc Quân khu miền Tây gần đây, quân đội Nga sử dụng chiến thuật biến xe tăng T-72B thành tổ hợp pháo tự hành làm mồi nhử để phát hiện và tiêu diệt khẩu đội pháo binh đối phương. Tuy nhiên, hiệu quả của chiến thuật này trên chiến trường hiện đại vẫn là câu hỏi lớn, theo National Interest.

"Điểm đặc biệt của đợt diễn tập là các xe tăng có thể bắn trúng mục tiêu từ cách 12 km, vượt xa tầm bắn trực tiếp chỉ khoảng 5 km", tướng Timur Trubienko, phó tư lệnh quân đội Nga, tuyên bố.

Các chỉ huy quân sự Nga cho rằng với việc biến xe tăng thành pháo tự hành, họ có thể đạt được hai mục đích. Mục đích thứ nhất là đảm bảo tính sống sót cao cho binh sĩ, khi xe tăng có thể cơ động ngay sau khi khai hỏa, tránh được hỏa lực phản pháo của đối phương.

Mục đích thứ hai là sử dụng hỏa lực từ pháo xe tăng để dụ cho pháo binh địch khai hỏa để phản công, dẫn tới lộ vị trí và bị các máy bay không người lái (UAV) Orlan phát hiện, báo tọa độ cho pháo binh Nga tiêu diệt.

Trong chiến tranh Triều Tiên, Mỹ từng triển khai xe tăng bên sườn đồi và khai hỏa với góc bắn cao, khiến đạn bay theo hình cầu vồng vượt qua đỉnh đồi và trúng mục tiêu ở sau vật cản. Chiến thuật mới của Nga cũng tương tự, nhưng bản chất đây là đòn nghi binh khiến đối phương tin rằng họ đang đối đầu với pháo binh thực thụ của Nga.

Xe tăng Nga thường được trang bị thước ngắm phụ để làm vai trò pháo chiến trường, cho phép đạn bay theo quỹ đạo hình cầu vồng để đạt tầm bắn lớn giống như đạn pháo. Chiến thuật này được kỳ vọng sẽ khiến các khẩu pháo được ngụy trang kỹ lưỡng của đối phương tự bộc lộ vị trí và làm mồi cho đòn phản công hủy diệt của Nga.

Điểm mấu chốt của chiến thuật là lực lượng xe tăng và pháo binh Nga phải giữ liên lạc theo thời gian thực, không cần thông qua sở chỉ huy để rút ngắn tối đa thời gian phản ứng. Chiến thuật mới cho thấy quân đội Nga tiếp tục hướng tới mô hình phân quyền, phản ứng nhanh phù hợp với chiến tranh thế kỷ 21, thay vì phương thức kiểm soát tập trung như truyền thống.

Giới phân tích phương Tây cho rằng chiến thuật này dựa trên giả định đối phương sẽ không phân biệt được xe tăng và pháo tự hành và có thể phát huy hiệu quả trên chiến trường truyền thống. Tuy nhiên, nó khó đánh lừa được các đối thủ sở hữu nhiều khí tài trinh sát chiến trường hiện đại như Mỹ.

Chiến thuật này đòi hỏi xe tăng T-72B Nga phải xuất đầu lộ diện trên chiến trường, khai hỏa rút lui nhanh chóng trước khi bị đạn pháo địch đánh trúng. Tuy nhiên, T-72B rất khó ẩn mình trên chiến trường trước các UAV trinh sát của đối phương, có thể làm mồi cho các loại tên lửa diệt tăng phóng từ máy bay.

Christopher Wilbeck, cựu đại tá tăng thiết giáp Mỹ, cho rằng chiến thuật của Nga rất thú vị khi sử dụng xe tăng bắn cầu vồng để công kích mục tiêu bị che khuất, hỗ trợ cho toàn bộ kế hoạch tác chiến. Tuy nhiên, khả năng tấn công chính xác mục tiêu ngoài tầm nhìn của xe tăng Nga vẫn là một dấu hỏi lớn.

"Chiến thuật này tương đối đơn giản trên lý thuyết, nhưng sẽ rất khó thực hiện. Việc phối hợp tác chiến độc lập ở các đơn vị sẽ đòi hỏi bước tiến dài với quân đội có truyền thống quản lý tập trung như Nga", ông Wilbeck cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật