Đô thị hóa Sài Gòn theo hình mẫu phương Tây

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ những thay đổi ban đầu, Sài Gòn đã tự thể hiện là một thành phố đẹp với một hệ thống giao thông thủy bộ hết sức tiện lợi. Ngoài ra, nhờ những điều kiện tự nhiên thuận lợi và một hậu phương trù phú đầy tiềm năng, Sài Gòn sớm trở thành một trong những thương cảng quan trọng ở khu vực Viễn Đông.
Đô thị hóa Sài Gòn theo hình mẫu phương Tây
Đường Chasseloup-Laubat, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai

Đầu Thế kỷ 19, khi người Pháp chiếm được Nam Kỳ, họ quyết tâm xây dựng một trung tâm hành chính, quân sự, kinh tế, văn hóa… để phục vụ chiến lược khai thác thu‌ộc đị‌a ở vùng đất giàu có này. Và một đô thị hiện đại, “Hòn Ngọc Viễn Đông” dần hình thành. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài tổng hợp, nghiên cứu về quá trình hình thành đô thị Sài Gòn của Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải quyết vấn đề địa hình Sài Gòn cao về phía Bắc, trũng về phía Nam, người Pháp cho thực hiện một giải pháp tương đối đơn giản. Trước tiên cho đào nhiều kênh ở các chỗ trũng thuộc vùng thấp của thành phố vừa để tạo điều kiện cho ghe thuyền lưu thông thuận lợi, vừa có tác dụng tháo nước làm trong sạch các vùng đầm lầy đồng thời lấy đất lấp các vùng trũng khác.

Khi các công trình đầu tiên được xây dựng trên những khu vực vừa được san lấp, người Pháp cho san bằng vùng đồi phía Bắc Sài Gòn, lấy đất lấp các con kênh đào (đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, đường vào cổng chính ở Ba Son hiện nay là những kênh đào được lấp lại).

Sau hai năm cải tạo và xây dựng bộ mặt Sài Gòn đã thay đổi hẵn. Các vùng trũng đầm lầy, những đường mòn gồ ghề thay bằng những công trình mới, được xây trên một không gian thoáng đãng. Ở đó người ta mở những quãng lộ, những con đường ngang, dọc có trải nhựa phẳng phiu, hai bên vỉa hè rộng rãi được trồng cây xanh thẳng tắp.

Bến cảng, kho bãi được xây dựng gấp rút đúng quy củ để sẵn sàng đón tàu cập bến bốc dỡ hàng.

Từ những thay đổi ban đầu, Sài Gòn đã tự thể hiện là một thành phố đẹp với một hệ thống giao thông thủy bộ hết sức tiện lợi. Ngoài ra nhờ những điều kiện tự nhiên thuận lợi và một hậu phương trù phú đầy tiềm năng, Sài Gòn sớm trở thành một trong những thương cảng quan trọng ở khu vực Viễn Đông.

Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Đức Tánh (không rõ chức vụ) đã gửi về cho triều đình Huế một bản tường trình đề ngày 9/12/1863 (ngày 18 tháng 10 Quý Hợi, Tự Đức năm 16) được lưu lại trong châu bản (Tự Đức, tập 155 trang 114a). Tình hình Gia Định, Bến Nghé được mô tả khá tỉ mỉ:

"Nhà văn miếu đã dỡ đem về thôn Tân Khai để dựng phủ nha Tân Bình. Phía hữu tỉnh thành cũ có dựng một nhà lầu rất cao rộng đặt danh là lầu xem lễ, bốn mặt có xây đạo đường, đạo quán, nhà phước. Dân đạo thì ở bao bọc phía ngoài, già trẻ, trai gái theo đạo khá đông.

Trường Thi cũ, phía ngoài bốn mặt tường gạch được bồi đắp thêm. Quân xá cũng đều cải tạo. Quan binh Tây ở phía trước Trường Thi, còn nơi phủ Tân Bình cũ có dựng một tòa lầu cho Phủ Soái ở. Bốn bên có nhiều nhà cửa, trại binh, chuồng ngựa. Quan binh lớn nhỏ chia ở chung quanh.

Từ thôn Tân Khai Bến Thành cho tới Điếm Lá, họ xây nhà mới hoặc sửa sang lại để trữ hàng hóa.

Một khu dân cư ở Sài Gòn năm 1860

Đối diện chợ hội là thôn Khánh Hội thì giáo dân ở. Đối diện với chợ Bến Thành là thôn Nhai Quới... có lập một phố lầu xanh. Nơi đây gái điếm và giáo dân cùng lẫn lộn. Từ xóm Điếm Lá đến Cầu Kênh Chợ Lớn thì nhà dân và các tiệm mua bán. Ở khu chợ hội đối diện với thôn Khánh Hội mới bắc một chiếc cầu. Chợ Kênh đối diện với Xóm Than cũng có một chiếc cầu. Sang Thị Nghè thông đến sông Xóm Kiều, khúc sông trước bị lấp nay đã cho đào tại, từ cầu Nhiêu Lộc đến chùa Mai Sơn, nối liền hai thôn Bình Tiên và Bình Tây, thông thẳng đến kênh Ruột Ngựa.

Đại đồn ngày trước chỉ còn lại một tiền đồn do quan binh Tây đóng ước độ 100. Đồn Tây Thới trước nay vẫn còn và lại xây thêm một đồn rất kiên cố có độ 100 lính Tây đồn trú".

Dinh Toàn quyền năm 1866

Cùng với sự thay đổi về mặt quang cảnh, đường sá, phố phường là sự áp đặt một guồng máy hành chính mới với thuế má, phu dịch.

Tại các phủ huyện, chính quyền thực dân tuyển dụng trong giáo dân hay những cử nhân tú tài hiếm hoi cam tâm theo chúng. Bên cạnh viên tri phủ hay tri huyện người Việt chúng đặt một tham biện huyện vụ. Chúng định lại thuế thân, thuế điền thổ, thuế ghe tàu, thuế thuốc phi‌ện, thuế sòng bạc.

"Nhân dân thì bất luận già trẻ tàn tật mỗi người phải nộp 1 quan 5 tiền và phải phụ thêm 1 quan. Dân xã Minh Hương mỗi năm phải nộp 2 lạng bạc, người Thanh phải nộp thêm 2 quan. Gái điếm mỗi thị phải nộp 10 quan mỗi tháng. Người Thanh lập phố để nấu a phiến, mở sòng bạc thì phải nộp từ 2.000 đến 5.000 quan.

Thuyền buôn các tỉnh cập bến, hạng dài 30 trượng thì bề ngang cứ mỗi thước thu thuế 3 quan, dài 40 trượng, bề ngang mỗi thước 5 quan. Hạng thuyền lớn sau khi dỡ hàng phải lấy đất đổ xuống khoang thì đánh thuế 70 quan, hạng trung 50 quan, hạng nhỏ 30 quan. Thuyền ván độc mộc muốn đi lại phải làm tờ khai, hạng lớn nạp 5 quan, hạng nhỏ 3 quan. Hết hạn 3 tháng phải đổi giấy thông hành, quá hạn phải phạt 5 quan".

Tháng 8 âm lịch năm Quý Dậu (1863) giá gạo tăng vọt, mỗi phương hơn 9 quan, dân chúng đói kém, bọn Tây đem bánh mì cũ trong kho đi phát tận các thôn xã. Nhân dân không nhận không được, nhưng khi phái viên của Tây về rồi thì ai cũng vất bánh đó xuống sông hay là cho heo, cho chó chứ không thèm ăn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật