Giảng dạy kỹ năng trồng dược liệu trong trường học

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những năm gần đây, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) huyện Nam Trà My (Quảng Nam) luôn quan tâm đến chương trình ngoại khóa ở các cấp học. Từ năm học 2016-2017, Phòng GD và ÐT đã đưa chương trình trồng dược liệu vào dạy cho học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông trên địa bàn. Bước đầu, chủ trương này được các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và phụ huynh hưởng ứng.
Giảng dạy kỹ năng trồng dược liệu trong trường học
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Don tìm hiểu về cây dược liệu ở Hội chợ sâm Ngọc Linh.

Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú THCS Trà Don (xã Trà Don) là đơn vị đầu tiên của huyện Nam Trà My đưa chương trình Giáo dục kỹ năng về trồng cây dược liệu dưới tán rừng vào giảng dạy. Thầy giáo Võ Ðăng Chín, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Don cho biết, từ năm học 2016-2017, nhà trường đã tổ chức các buổi ngoại khóa nhằm trang bị kiến thức cơ bản về cây dược liệu. Các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn học sinh nắm vững kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng, khai thác và bảo vệ nguồn giống các loại cây dược liệu đặc hữu của địa phương, nhất là sâm Ngọc Linh. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay, nhà trường đã hình thành được một khu vườn thực nghiệm có các loại cây dược liệu nổi tiếng địa phương như : sâm Ngọc linh, quế, giảo cổ lam, đương quy…

Ngoài hoạt động dạy học tại vườn thực nghiệm, nhà trường dẫn học sinh đi tham quan, học tập tại phiên chợ sâm núi Ngọc Linh được tổ chức trên địa bàn huyện. Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh đầu tiên được tổ chức vào tháng 10-2017, các thầy giáo, cô giáo của Trường PTDT bán trú THCS Trà Don đã đưa 20 học sinh vượt hơn 10km về tham dự. Thầy Trần Văn Thắng, giáo viên dạy môn Sinh học của trường tâm sự, được tận mắt nhìn củ sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu bày bán ở phiên chợ, các em nhận biết, hiểu hơn về các loại cây dược liệu đang được phát triển ở địa phương. Trưởng phòng GD và ÐT huyện Nam Trà My Võ Ðăng Nhuận cho biết, chương trình Giáo dục kỹ năng về trồng cây dược liệu dưới tán rừng cho học sinh được thiết kế và triển khai phù hợp theo từng bậc học. Các trường căn cứ vào từng lứa tuổi, từng cấp học và điều kiện thực tế của trường để có cách truyền đạt phù hợp, linh hoạt giúp học sinh nhận biết hình thái, điều kiện sinh trưởng của cây. Khi biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sử dụng dược liệu sẽ thúc đẩy các em tham gia trồng dược liệu, tăng thu nhập cho gia đình. Chương trình giáo dục này giúp các em có định hướng nghề nghiệp khi học xong phổ thông.

Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, Phòng GD và ÐT kết hợp các trường PTDT nội trú huyện, trường THPT triển khai giảng dạy cho học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Ðến nay, đã có 33 trường triển khai, các em đã nhận biết được hình thái, đặc điểm sinh trưởng, giá trị của sáu loại cây dược liệu: sâm Ngọc Linh, đinh lăng, đương quy, sa nhân tím, giảo cổ lam và sâm nam. Tuy vậy, một số khó khăn gặp phải là các em học sinh mẫu giáo, tiểu học ở các điểm trường thôn chưa được trải nghiệm thực tế vì trường chưa xây dựng được vườn cây dược liệu. Giáo viên chưa tìm tòi đầy đủ mẫu dược liệu để làm đồ dùng trực quan. Một số loại cây dược liệu gọi tên theo tiếng địa phương thì các em biết nhưng trong giáo trình gọi theo tiếng phổ thông, cho nên học sinh không biết. Ðể việc dạy ngoại khóa ngày một thiết thực, sinh động, Phòng GD và ÐT đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chương trình và đổi mới phương pháp truyền đạt. Ðồng thời tiếp tục hoàn thiện vườn cây dược liệu tại các trường, sưu tầm, trồng thêm một số loại cây mới. Các trường đã có vườn cây tổ chức cho học sinh tự chăm sóc, giúp các em biết kết hợp lý thuyết với thực hành, tích lũy kinh nghiệm để trồng dược liệu.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, hiện nay, địa phương đã xây dựng Ðề án phát triển sâm Ngọc Linh và đang tiến hành nhân giống, di thực cây sâm từ đỉnh núi Ngọc Linh xuống các vùng thấp. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp và người dân trồng dược liệu để nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Trang bị kiến thức về trồng cây dược liệu dưới tán rừng là việc làm cần thiết cho thế hệ trẻ nhằm định hướng cho các em phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường. UBND huyện giao Phòng GD và ÐT tiếp tục hoàn thiện bộ tài liệu giảng dạy ngoại khóa hoặc bổ sung, tích hợp vào các môn học có liên quan như: Sinh học, Khoa học - Công nghệ, Ðịa lý… để học sinh trên địa bàn đều hiểu về nguồn dược liệu phong phú, quý giá của địa phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật