Then chốt viện Toán cấp cao là kết hợp các nhà khoa học

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong buổi gặp gỡ với báo chí sáng 1/9, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về đề án thành lập viện nghiên cứu cấp cao về toán (gọi tắt: viện Toán cấp cao) đang được thẩm định. Tham gia buổi gặp mặt có lãnh đạo của viện Toán học Việt Nam, Hội Toán học.
Then chốt viện Toán cấp cao là kết hợp các nhà khoa học
Ảnh minh họa
GS Ngô Bảo Châu đã thẳng thắn trình bày những quan điểm của mình xung quanh các vấn đề của viện nghiên cứu cấp cao về toán khi được thành lập. Dưới đây là bài phỏng vấn GS Ngô Bảo Châu xung quanh việc thành lập, vân hành... viện nghiên cứu cấp cao về toán học.
 GS Ngô Bảo Châu và lãnh đạo viện Toán học Việt Nam, lãnh đạo Hội Toán học Việt Nam ( Ảnh: Phạm Thịnh)

- Thưa GS, viện nghiên cứu cấp cao về toán thuộc Bộ GD&ĐT sẽ vận hành theo cơ chế như thế nào?

Theo tôi hiểu, viện đó có quy chế đặc biệt, độc lập với Bộ GD&ĐT, biên chế sẽ rất ít. Bộ có lẽ chỉ quản về chính sách chung, còn điều hành do ban lãnh đạo của viện.

Khi nhìn vào nhà toán học, cứ tưởng nhà toán học ngồi trong phòng làm việc một mình, cái đó rất quan trọng.
Nhưng động lực chính để phát triển khoa học và toán học nói riêng là sự kết hợp các nhà khoa học làm các ngành khác nhau như khoa học vật lý, sinh học, khoa học máy tính, kinh tế…

Ban lãnh đạo tương đối gọn nhẹ, có trách nhiệm chính tuyển chọn hồ sơ, theo lý lịch khoa học, đề tài nghiên cứu, khả năng hợp tác, tôi không khuyến khích những người làm một mình mà nên hợp tác với người khác kể cả trong nước và ngoài nước thì rất là tốt.

Một trong những tư tưởng then chốt của viện là sự kết hợp của các nhà khoa học có những khả năng, điểm nổi trội khác nhau, của các nhà khoa học làm việc tại Việt Nam và các nhà khoa học trẻ tại nước ngoài. Chúng tôi hi vọng do cơ sở tiền đề rất tốt đó thì viện sẽ sớm được thành lập.

- Khi viện nghiên cứu cấp cao về toán được thành lập thì GS sẽ làm việc ở Việt Nam như thế nào?

Chúng tôi cũng rất muốn về Việt Nam làm việc trong một thời gian, có thể không phải là vĩnh viễn, có thể là 6 tháng hoặc kết hợp đào tạo để tạo tiền đề cho nhiều người về Việt Nam làm việc hơn.

Còn cá nhân tôi thì công việc chính của tôi vẫn là làm GS bên trường ĐH Chicago nhưng nếu viện này thành lập thì từ tháng 6 đến tháng 8 tôi sẽ ở VN và trực tiếp tham gia làm khoa học ở Việt Nam. Trong năm học, chúng tôi sẽ thường xuyên về Việt Nam hơn.
- Khi viện nghiên cứu cấp cao về toán thành lập thì sự khác biệt với viện Toán học hiện nay như thế nào?


viện toán học là 1 bộ phận của viện khoa học Việt Nam, làm việc dựa trên các đề tài khoa học do nhà nước chỉ định. viện có cơ cấu và biên chế cố định.

Trong khi viện nghiên cứu cấp cao về toán theo tôi nghĩ có vai trò rất là khác. Vai trò của viện là hướng tới chấn hưng việc giảng dạy toán học trong cả nước. Ví dụ như mô hình viện Princeton đã ra đời từ năm 1930, sau khoảng 70 năm hoạt động thì viện đó đã đóng góp vai trò quan trọng để đưa nền toán học Mỹ đứng đầu thế giới.

Các bạn có thể kiểm tra danh sách các giáo sư làm việc tại các trường đại học lớn trên thế giới sẽ thấy họ thường đã có thời gian làm việc ở viện Princeton.

- Thưa GS, cụ thể mô hình hoạt động của viện Princeton là như thế nào? Vai trò của  viện trong sự phát triển của nền khoa học công nghệ của Mỹ là như thế nào?


viện Princeton đóng vai trò rất lớn với sự hình thành và phát triển của khoa học Mỹ. Sau đó, rất nhiều nước học tập mô hình viện toán học đó như Pháp, Đức, Anh, cũng như rất nhiều các nước đang phát triển như Hàn Quốc. Mô hình đó còn rất mới ở Việt Nam nhưng thực ra đã được thử nghiệm trên thế giới, chứ không phải chúng tôi mày mò, thử nghiệm một mô hình mới.

Đây là mô hình rất thích hợp cho các ngành khoa học cơ bản, thích hợp với các ngành khoa học lý thuyết, không thích hợp với khoa học thực nghiệm bởi vì cán bộ luôn luôn luân chuyển.

Nếu mà khoa học thực nghiệm mà máy móc thiết bị luôn luôn luân chuyển thì sẽ không thể làm được. Như viện Princeton có rất nhiều ngành nhưng hoàn toàn là khoa học lý thuyết như Toán, Vật lý lý thuyết, Khoa học lịch sử, Khoa học xã hội, Kinh tế. Những ngành khác cũng đóng vai trò hết sức lớn, nếu trong tương lai thành lập tốt và được nhân ra cho nhiều ngành khác nhau, thậm chí có thể mở rộng mô hình viện này ra cho các ngành khác thì là một điều rất tốt.

Chúng tôi là những nhà toán học đi tiên phong làm trước nhưng không có nghĩa là muốn dành riêng cho toán một khoản tài trợ nào đó. Các ngành khác nếu tham gia thì tôi vô cùng ủng hộ, hiện tại với tinh thần ủng hộ của  toán học với các ngành khác, nếu các nhà vật lý hay các nhà kinh tế có đề tài liên quan đến toán học và nhất là lại hợp tác với nhà toán học, mà cả 2 bên đều có lý lịch khoa học uy tín thì chúng tôi rất ủng hộ chuyện đó.

 

- Những người có sáng kiến thành lập viện nghiên cứu cấp cao về toán có kế hoạch vận động tài chính như thế nào ngoài nguồn của chính phủ?


Như viện Princeton có nguồn lực tài chính cực kỳ lớn là những nguồn từ tư nhân, cụ thể vốn tư nhân có thể lên tới 500 triệu USD, nhưng cần hiểu rõ quy chế hoạt động của viện Princeton.

Tiền vốn của viện đó được gửi vào một chỗ và dùng tiền lãi vận hành bộ máy của viện. Bộ máy của viện là các giáo sư cơ hữu khoảng 50 người. Hàng năm có tầm khoảng hơn 100 người đến làm việc.  Nhất là những bạn làm Postdoc sau PhD khoảng 60 đến 70 người là hoàn toàn vốn của nhà nước.

- Thưa GS, về nguồn nhân lực làm việc tại viện, có rất ít cán bộ làm việc cố định, cán bộ sẽ luân chuyển thường xuyên liên tục?

Sau PhD anh là một nhà khoa học chuyên nghiệp nhưng mới chỉ là tập sự, chỉ là mới bắt đầu. Làm xong tiến sĩ nhưng anh vẫn chưa phải là nhà khoa học có bản lĩnh, sau khoảng 2 năm làm việc độc lập và có điều kiện tiếp xúc với những nhà khoa học có cùng lứa tuổi, cùng ngành và đồng thời có những thắc mắc, một vài câu hỏi với những giáo sư gần như là số 1 thế giới để có thể có được cho mình những kinh nghiệm lớn hay những giải đáp có thể làm thay đổi công việc nghiên cứu khoa học.

Những người từ nơi khác đến làm việc tại viện là do chính phủ Mỹ trả tiền, còn những người làm việc cơ hữu tại viện là do viện trả tiền bằng số tiền đã tích lũy được trong khoảng 70 năm hoạt động đã qua. Bây giờ chúng ta bắt đầu cũng không thể có tích lũy như vậy được.

- Thưa GS, chúng ta nên đặt vai trò của toán ứng dụng vào vị trí nào?

Toán học là một khối thống nhất nếu như cắt ra một phần toán học làm việc với Vật lý, một phần làm việc với kinh tế thì bản thân nó sẽ tự hủy hoại mà chết.

Động lực của toán học chính là sự thống nhất của nó, khi tôi làm về bổ để cơ bản tôi không bao giờ nghĩ rằng cái tôi làm liên quan đến vật lý lý thuyết nhưng thậm chí lại chính là một mô hình của vật lý lý thuyết là chìa khóa mở ra bổ để cơ bản.

Đây là ví dụ về công trình của tôi nhưng là ứng dụng của rất nhiều các ngành khoa học khác. Ví dụ như Villani nghiên cứu về giải tích lý thuyết nhưng các công trình của anh đều rất liên quan đến ứng dụng vật lý.

Theo tôi nghĩ, nếu chúng ta ra nghị quyết là chỉ làm về ứng dụng thôi, đó là làm toán liên quan đến đê điều, liên quan đến thời tiết thì theo tôi chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ có một công trình khoa học có giá trị.

Khoa học mà làm theo chỉ đạo thì không thể gọi là thành công, khoa học cần phát triển theo nội lực của khoa học và kinh nghiệm của các ngành khác.

 

- Khi viện nghiên cứu cấp cao về toán ra đời, chúng ta có nghĩ đến việc kêu gọi các giảng viên là Việt kiều từ nước ngoài về không ?


Bây giờ xã hội cởi mở, chúng ta không thể giao nhiệm vụ là anh phải làm cho tôi cái này hoặc là về trường kia làm, chúng ta đang tập làm môi trường khoa học cởi mở, cho các nhà khoa học môi trường để vài ba người có thể làm việc với nhau, ngoài ra việc lương bổng phải xứng đáng: trên mức trung bình, thì phải có môi trường làm việc mà người ta cảm thấy có khả năng phát triển.

Một trong những điều kiện tiên quyết để họ làm việc là họ phải có đồng nghiệp và các nhóm làm việc. Chính viện này là nơi mà mình tổ chức để các nhóm làm việc ra đời, khi có 2 hay 3 người đến viện làm việc thành công thì họ rất muốn gặp gỡ nhau thường xuyên để làm việc theo mô hình đó.

Ở các trường đại học hầu hết là không có kinh phí để mời các nhà khoa học nước ngoài thì không thể có môi trường làm việc như thế. viện này ra đời nhằm mục đích đó, viện là nơi giúp các trường đại học. Ví dụ như trường Đại học Tổng hợp (ĐHQGHN) hay Đại học Sư phạm muốn mời một giáo sư nước ngoài, hoặc là một giáo sư Việt kiều về làm việc thì viện rất ưu tiên những chuyện như thế. Chúng tôi chỉ là vườn ươm để các nhóm làm việc ra đời, còn sau đó bản thân các trường đại học phải tự vận động chứ bản thân một chương trình đó không ai có thể làm bất cứ mọi việc.
 

- Tự do đối với các nhà khoa học là như thế nào thưa GS?

Tự do đối với các nhà khoa học nghĩa là bản thân các nhà khoa học họ tin vào việc họ làm chứ không phải là người khác bảo họ phải làm gì, ví dụ như trong thế kỷ vừa qua, những nơi mà khoa học phát triển như Pháp đầu thế kỷ XIX, Đức cuối thế kỷ XIX và Mỹ đầu thế kỷ XX, tinh thần tự do học tập đã đạt đến mức đỉnh cao.

- Chúng ta cần làm thế nào để số phận viện cao cấp này không bị như số phận các hệ thống trường chuyên?

Tôi nghĩ là nhà nước đã rất dũng cảm khi quyết định chương trình trọng điểm này, thực ra khi đã quyết định rồi thì trái bóng thuộc về phía chúng tôi. Chúng tôi phải làm cho tốt và tạo ra các nhóm nghiên cứu. Nếu nguồn lực này được nhiều trường đại học tiếp nhận tức là các trường đại học có nhiều giảng viên có trình độ khoa học thực sự thì đấy là thành công của chúng tôi. Khoảng thời gian 10 năm là đủ dài để thấy được sự thay đổi đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật