Cuộc bành trướng thương mại điện tử từ Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị trường trong nước, gần đây, những “người khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc đang có những động thái tăng cường sự hiện diện ở các thị trường nước ngoài.
Cuộc bành trướng thương mại điện tử từ Trung Quốc
Ấn Độ, một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất thế giới, đang có sự hiện diện của các “ông lớn” Trung Quốc.

Cuối tháng 12 năm ngoái, công ty thương mại điện tử JD.com, đối thủ đang thách thức vị trí số một của tập đoàn Alibaba tại Trung Quốc, cho biết sẽ bắt đầu bán hàng trực tuyến ở Mỹ vào quý 2 năm nay. Động thái này sẽ đặt JD.com vào thế cạnh tranh trực tiếp với Amazon ngay trên “sân nhà” của tập đoàn thương mại điện tử số một toàn cầu này.

Mỹ: đích đến đầu tiên

Cuối tháng Giêng vừa qua, JD.com thông báo sẽ bán 15% số cổ phần của công ty kho vận JD Logistics cho một số nhà đầu tư khác để huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho kế hoạch mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Tencent, cổ đông lớn nhất hiện nay của JD.com, đã mua khoảng 1/3 số cổ phần này.

Trong cuộc trò chuyện mới đây với báo chí tại Diễn đàn kinh tế toàn cầu (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, người sáng lập kiêm chủ tịch JD.com Richard Liu cho biết ông dự định niêm yết giá cổ phiếu của JD Logistics trên thị trường chứng khoán Hồng Kông hoặc Trung Quốc trong ba năm tới. JD.com nhắm đến mục tiêu kiếm một nửa doanh thu từ thị trường nước ngoài trong vòng một thập niên tới.
JD.com, được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, đang có kế hoạch xây dựng một nhà kho ở

Los Angeles, thành phố lớn nhất của bờ tây nước Mỹ vì đây là khu vực có đông đảo Hoa kiều sinh sống. Hãng có thể cần đến sự hỗ trợ của Walmart, một cổ đông lớn của công ty, trong nỗ lực thiết lập mạng lưới kho vận ban đầu tại Mỹ.

Tuy nhiên, Richard Liu cũng bày tỏ lo lắng về việc khó thâm nhập vào một thị trường mang tính bảo hộ cao như Mỹ. Ông nói: “Các công ty Trung Quốc đang cảm thấy khó khăn hơn khi vào thị trường Mỹ và tôi cảm thấy chủ nghĩa bảo hộ ở nước này là vấn đề khá nghiêm trọng. Đây là điều không tốt vì nó cũng làm tổn thương nền kinh tế Mỹ”.

Doanh nghiệp này cũng cho biết đang cân nhắc nhiều phương án để tiến vào thị trường Mỹ, bao gồm phương án thành lập mối quan hệ đối tác với các công ty địa phương. “Trong năm nay, chúng tôi sẽ có mặt ở Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Malaysia và mọi nước Đông Nam Á. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đầu tư ở Mỹ và xây dựng một trung tâm hoàn thiện đơn hàng ở Mỹ để có thể giao hàng cho khách ngay trong ngày”, ông Liu nói.Chiến lược của ông Liu rất đơn giản, bán hàng Trung Quốc chất lượng tốt với giá rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh. Theo sự nhận định của nhà phân tích Kirk Boodry, từ công ty New Street Research, nếu JD.com có thể tạo 50% doanh thu từ thị trường nước ngoài, thì đây sẽ là một thành quả đáng ngạc nhiên. Ông nghi ngờ về khả năng tranh giành thị phần của JD.com ở các nước nơi mà các đối thủ của họ đã xây dựng được vị thế vững mạnh. Tuy nhiên, JD.com đã tập hợp được những nhà đầu tư quyền lực bao gồm Tencent và Walmart để thực hiện sự tham vọng của mình.

Vào năm ngoái, ông Liu cho biết một tổ chuyên trách bí mật của JD.com đã dành hai năm để làm việc với các thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc chẳng hạn hãng điện thoại Xiaomi để xây dựng chiến lược chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng của công ty vào các thị trường đã phát triển được cho là một trong những bước đi rủi ro nhất của công ty này. JD.com từng thâm nhập rất thành công vào thị trường Đông Nam Á, bắt đầu ở Indonesia và Thái Lan và không đối mặt với nhiều sự cạnh tranh. Dĩ nhiên, sự dễ dàng này sẽ không lặp lại ở châu Âu hay Mỹ, nơi Amazon đã ngự trị rất vững chắc.

Indonesia, thị trường thương mại điện tử đông dân nhất Đông Nam Á, là một điểm dừng chân của cuộc bành trướng từ Trung Quốc.

Đông Nam Á ngày càng “nóng”

Đông Nam Á là nơi sinh sống của hơn 600 triệu dân và nền kinh tế Internet của khu vực này – với các đại diện tiêu biểu là thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe taxi và đặt phòng trực tuyến – có thể mang lại mức tăng trưởng gấp bốn lần so với con số 50 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, theo một cuộc nghiên cứu của hãng Google và công ty đầu tư nhà nước Temasek (Singapore). Thị trường Đông Nam Á đang ngày càng nóng trước sự cạnh tranh quyết liệt giữa Alibaba (thông qua Lazada), JD.com và Amazon.

Amazon chỉ mới khai trương hoạt động ở Singapore vào năm ngoái, trong khi Alibaba và JD.com đang thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á.

Trong những tháng gần đây, JD.com gia tăng các đợt mở rộng mạng lưới kinh doanh ở thị trường Đông Nam Á. Hôm 16-1, JD.com thông báo đã đầu tư vào công ty thương mại điện tử Tiki.vn của Việt Nam và chính thức trở thành cổ đông lớn của công ty này bên cạnh công ty công nghệ nội địa VNG. Hãng JD.com không tiết lộ số tiền đầu tư cụ thể nhưng các trang tin công nghệ cho biết hãng cùng hai nhà đầu tư khác đã rót khoảng 1.300 tỉ đồng cho Tiki.vn. Với khoản đầu tư này, JD.com sẽ khai thác hệ thống nhà kho và giao hàng của Tiki.vn cũng như công nghệ và các năng lực thanh toán của công ty này. Việt Nam là trọng điểm mới nhất của JD.com trong chiến lược mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á, nơi Alibaba và Amazon đã rót những khoản đầu tư lớn vào năm ngoái.

Hai năm trước ở Indonesia, JD.com đã mở một doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến và đến nay, doanh nghiệp này đã trở thành nhà bán lẻ trực tuyến có doanh thu cao nhất Indonesia. Vào tháng 9 năm ngoái 2017, JD.com và tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan đã ký bản thỏa thuận đầu tư 500 triệu đô la Mỹ để thành lập hai liên doanh tại Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và dịch vụ công nghệ tài chính. Chen Zhang, Giám đốc công nghệ của JD.com, cho rằng thương mại điện tử vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng tại Thái Lan. Ông nói: “Bán lẻ trực tuyến chỉ chiếm 2% doanh thu của toàn bộ ngành bán lẻ của Thái Lan mỗi năm, trong khi đó con số này ở Trung Quốc là 15% và ở Mỹ là 10%”.

Với sự hỗ trợ của JD.com, Central Group nuôi sự tham vọng trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Thái Lan. Central Group, đang kiểm soát mạng lưới trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa lớn nhất nước này đang kỳ vọng doanh thu bán lẻ trực tuyến của tập đoàn sẽ chiếm 15% tổng doanh thu trong vòng năm năm tới so với mức 2% hiện nay. Tos Chirathivat, Giám đốc điều hành của Central Group, nói rằng việc bắt tay với JD.com sẽ giúp tập đoàn này nâng cao sức mạnh cạnh tranh ở thị trường thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ ở Đông Nam Á và cũng mở rộng các cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc.

Vào tháng 8-2017, JD.com cũng đã đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ vào công ty gọi xe và dịch vụ theo yêu cầu Go-Jek của Indonesia.

Dồn dập rót tiền vào Ấn Độ

Trong hai năm qua, trong nỗ lực tìm kiếm sự tăng trưởng bên ngoài thị trường Trung Quốc, Alibaba đã chi hơn 2 tỉ đô la để nắm giữ hơn 80% số cổ phần của Lazada, vốn đang có mạng lưới kinh doanh trải rộng ở sáu nước ở Đông Nam Á. Đây cũng là thương vụ đầu tư lớn nhất của Alibaba ở nước ngoài cho đến nay.

Năm 2016, tập đoàn thương mại điện tử số một Trung Quốc này đã thâu tóm công ty bán lẻ thực phẩm trực tuyến RedMart ở Singapore. Tháng 8 năm kế tiếp, một nhóm nhà đầu tư do Alibaba dẫn đầu quyết định rót 1,1 tỉ đô la Mỹ vào công ty thương mại trực tuyến Tokopedia có trụ sở ở Jakarta, Indonesia. Và sau khi thiết lập sự hiện diện vững chắc ở Đông Nam Á, Alibaba dồn lực mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Ấn Độ, thị trường đông dân lớn thứ hai thế giới, nơi mà hãng đã hiện diện từ năm 2015. Hiện nay, Alibaba cùng công ty con Ant Financial nắm giữ 62% công ty thương mại và thanh toán điện tử Paytm, một đối thủ đang nhắm đến mục tiêu lật đổ ngôi vị dẫn đầu của hai công ty thương mại điện tử Amazon và Flipkart tại Ấn Độ.

Trong một sự diễn biến mới nhất, hôm 2-2, báo chí Ấn Độ cho biết một nhóm nhà đầu tư do Alibaba dẫn đầu đã rót 300 triệu đô la vào công ty bán lẻ thực phẩm trực tuyến lớn nhất Ấn Độ BigBasket. Theo hãng nghiên cứu thị trường Forrester, BigBasket nắm giữ khoảng 40% mức thị phần của thị trường thực phẩm trực tuyến trị giá 750 triệu đô la Mỹ mỗi năm của Ấn Độ. Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bigbasket Hari Menon nói rằng nguồn vốn mới từ Alibaba sẽ được sử dụng để phục vụ kế hoạch thúc đẩy sự tăng trưởng và củng cố vị thế của Bigbasket trên thị trường trước sự cạnh tranh gay gắt của chi nhánh Amazon tại nước này.

Không chỉ dừng lại ở mảng bán lẻ trực tuyến, Alibaba còn mở rộng sang các mảng kinh doanh khác ở Ấn Độ.

Cuối tháng Giêng, công ty chuyên về trò chơi AGTech (Trung Quốc) và công ty Paytm, nơi mà Alibaba đang nắm vai trò cổ đông kiểm soát, thông báo sẽ thành lập một liên doanh nền tảng trò chơi di động có tên là Gamepind nhằm khai phá thị trường giải trí số ở Ấn Độ. Ấn Độ giờ đây là nước có số người sử dụng điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, do vậy, trò chơi di động đang đứng trước cơ hội đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo cổng dữ liệu trực tuyến Statista.com, thị trường trò chơi di động của Ấn Độ sẽ đạt giá trị khoảng 1,17 tỉ đô la trong năm 2018.

Mới đây, ngày 1-2, công ty dịch vụ tìm kiếm nhà hàng và giao đồ ăn Zomato, có trụ sở ở bang Haryana (Ấn Độ), cho biết đã nhận được 200 triệu đô la từ Ant Financial. Sau thương vụ này, Ant Financial nắm giữ 18% số cổ phần của Zomato. Zomato đang điều hành mạng lưới kinh doanh ở 23 nước trong đó có Úc và Mỹ. Công ty này đạt mốc 3 triệu đơn hàng gọi đồ ăn mỗi tháng vào tháng 7-2017.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật