Thái Lan tiến dần đến “điểm sôi” chính trị

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tối 24-2, tổ chức Khôi phục Dân chủ (DRG) - lực lượng hỗ trợ việc tổ chức tổng tuyển cử tại Thái Lan, tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tuần hành lớn vào ngày 10-3 tới để phản đối chính quyền quân sự. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh dư luận xã hội Thái Lan ngày càng nghi ngờ về việc trì hoãn thông qua các đạo luật và Hội đồng Lập pháp (NLA) bác bỏ tất cả các ứng cử viên được đề cử vào Ủy ban bầu cử, khiến khả năng hoãn bầu cử đã trở nên rất rõ ràng, cho dù hồi cuối năm 2017 Thủ tướng Prayut đã cam kết rằng chính quyền quân sự sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 11-2018.
Thái Lan tiến dần đến “điểm sôi” chính trị
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang trong trạng thái khá lo lắng về tình hình hiện nay. ẢNH TƯ LIỆU

DRG khiến giới cầm quyền lo ngại

Rangsiman Rome - thủ lĩnh trẻ tuổi của DRG kêu gọi người dân Thái Lan cũng như các chính trị gia tham gia cuộc tuần hành mà theo ông sẽ được tổ chức ở khu vực gần ĐH Thammasat và ở Đại lộ Ratchadamnoen, một con đường gần Hoàng cung. Đây là cuộc tụ tập biểu tình thứ 3 của nhóm này sau các cuộc tụ tập ngày 27-1 và 10-2 vừa qua. Nhiều thủ lĩnh của DRG cũng đã bị bắt tạm giam và phải đóng tiền tại ngoại.

Từ đầu tháng 2, DRG đã tuyên bố sẽ bắt đầu biểu tình từ giữa tháng 2 tới cả tháng 3 và 4 và tiếp sau là toàn bộ các ngày thứ bảy trong tháng 5 hướng tới một cuộc biểu tình lớn diễn ra trong vài ngày từ ngày 19 đến 22-5, nhân dịp đánh dấu 4 năm cuộc đảo chính năm 2014.

Dù cả hai đảng Pheu Thai và Dân chủ đều không lên tiếng ủng hộ DRG nhưng tham gia cuộc tụ tập tối 24-1 còn có ông Watana Muangsook, một thành viên chủ chốt của Đảng Pheu Thai, người nói rằng ông đến để bày tỏ sự ủng hộ các nhà hoạt động trẻ tuổi này đồng thời tuyên bố ông là đồng minh của họ. Vị cựu nghị sỹ của Pheu Thai này cũng nói rằng ông không ngại việc mình bị xem là người tài trợ cho phong trào chống Chính phủ Thái Lan.

Trước đó Pheu Thai đã tuyên bố không tham gia các cuộc tuần hành mà DRG dự định tổ chức nhưng giới quan sát không loại trừ sự ủng hộ ngầm hoặc liên minh công khai của hai lực lượng này.

Với các động thái của DRG, giới quan sát cho rằng những người biểu tình sẽ khiến các tướng lĩnh cầm quyền lo ngại ở một mức độ nào đó nhưng cũng thừa nhận rằng họ không chắc việc này sẽ giúp lật đổ hoàn toàn chính quyền của các quân nhân. Thủ lĩnh kỳ cựu của lực lượng Áo đỏ chống đối, ông Weng Tojirakarn, nhận định rằng tình hình vẫn chưa đến được "điểm sôi" đủ để công chúng có thể xuống đường rầm rộ. Ông cho rằng phong trào hiện tại, do thế hệ trẻ và các trí thức dẫn đầu, cũng phải đối mặt với thách thức về cách kết nối với người dân.

Học giả Anusorn Unno giải thích rằng bối cảnh chính trị ngày nay khác với bối cảnh của những cuộc biểu tình năm 1973 và quy mô của phong trào chống chính quyền quân sự có thể không thể so được với quá khứ. Tuy nhiên, ông nhận xét rằng phong trào do các học sinh sinh viên dẫn đầu hiện nay có thể "khiến giới cầm quyền lúng túng".

Các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên đã đổ thêm dầu vào lửa trong lúc chính phủ do quân đội ủng hộ đã bị tấn công ở tất cả các mặt trận - từ việc quản trị tồi đến các vụ bê bối gần đây, liên quan đến nhân vật thứ hai của chính quyền, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan.

Ông Weng Tojirakarn, một lãnh đạo Mặt trận Thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD), vốn thành công trong việc tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn của phe Áo Đỏ, cho biết chính quyền quân sự đang trong tình trạng tồi tệ. Tuy nhiên, vẫn chưa đến đỉnh điểm để có thể đi đến hồi kết.

Ông nhấn mạnh: "Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) hiện đang bị công kích với nhiều vấn đề. Chính phủ đang bị mất uy tín do vấn đề dân sinh. Mọi người tức giận về những chiếc đồng hồ của Tướng Prawit. Cuộc bầu cử thì đang bị trì hoãn vô thời hạn. Tất cả những điều này đang tạo ra sự bất bình của công chúng. Nhưng vẫn chưa hết, chúng ta vẫn chưa thực sự đạt đến đỉnh điểm”.

Về việc các nhà hoạt động trẻ tuổi, chủ yếu là sinh viên ĐH, dẫn đầu phong trào biểu tình, ông Weng Tojirakarn nói rằng điều này không phải là hiếm. Trong lịch sử Thái Lan, giới học giả và sinh viên luôn luôn giữ vai trò này. Ông nói: "Có rất nhiều vấn đề vẫn đang gây cản trở, khiến cho phong trào này chưa lớn lên thành kiểu Liên minh Nhân dân vì dân chủ của phe Áo vàng, UDD của phe Áo đỏ, hoặc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân. Quan trọng nhất, NCPO đã có những biện pháp mạnh mẽ chống lại người biểu tình. Thật khó để mọi người có thể tham gia”.

Tuy nhiên, ông Anusorn Unno, người đóng vai trò chính trong các hoạt động chống chính quyền quân sự Thái Lan trong vài năm qua, cũng đã chỉ ra rằng chiến thuật dọa dẫm của NCPO có thể đã không thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng phong trào gần đây không thể so sánh được với các cuộc biểu tình quần chúng năm 1973, bởi khi đó không có chính trị sắc màu và người dân có một kẻ thù chung và rõ ràng là nhà cai trị độc tài.

Trong khi đó, ông Rangsiman Rome, đại diện của phong trào thanh niên, nói rằng ông không biết liệu các cuộc biểu tình sẽ có kết quả, hoặc liệu họ có thể thực sự đẩy được chính quyền quân sự ra khỏi quyền lực hay không.

Chính quyền quân sự đang suy yếu

Theo báo Bangkok Post của Thái Lan số ra mới đây, những thách thức mà chính quyền quân sự nước này đang phải đối mặt rất nhiều thách thức, từ những cuộc biểu tình cho đến sự chống đối ngay trong chính bộ máy. Báo này nhấn mạnh: “Chính quyền quân sự Thái Lan vừa trải qua một tuần lễ tồi tệ.

Những người đàn ông mặc quân phục đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ nước ngoài. Tồi tệ hơn, ở trong nước, những người biểu tình bị xem là “người Thái không trung thành” lại xuất hiện trên đường phố. Và sau 3 năm, 8 tháng thêm một vài ngày, các tòa án đã thể hiện vị trí độc lập, đối đầu với những quyết định của chính quyền. Thủ tướng của chính quyền quân sự cũng đang đối đầu với những người phản đối.

Dường như ông tin rằng không một người phản đối nào trong số nhiều nhóm biểu tình và người tuần hành có một trái tim trong sáng. Ông cho rằng họ chỉ xuất hiện theo đơn đặt hàng, và do những âm mưu lén lút sau hậu trường âm thầm giật dây. Sau đó, ông trì hoãn cuộc bầu cử từng được hứa hẹn hồi năm 2015 một lần nữa, cho đến một thời gian mơ hồ sau tháng 2-2019”.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từng nói rằng ông hiện ấp ủ một kế hoạch. Kế hoạch này không bao gồm một cuộc bầu cử vào tháng 11-2018 và gần như chắc chắn không bao gồm một cuộc bầu cử vào tháng 2-2019 bởi điều đó sẽ mất thời gian chuẩn bị. Kế hoạch của ông là xây dựng một Thái Lan hoàn hảo, một "cõi thiên đường Shangri-La" được xây đắp bởi vị Thủ tướng của chính quyền quân sự và sẽ không có biểu tình, bởi theo quan điểm của ông về "nền dân chủ bền vững", sẽ không cần phải có các cuộc biểu tình.

Nhóm biểu tình "Chúng tôi đi bộ" đã diễu hành tới Khon Kaen, nơi họ kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vào năm 2018, dưới sự bảo vệ của Tòa án hành chính. Tại Toà án Hiến pháp, các nhóm ủng hộ bầu cử đã nhận được sự hoan nghênh khi họ đệ trình một đơn kiện chỉ ra rằng Hiến pháp Thái Lan quy định các cuộc biểu tình công khai là hợp pháp, do đó chính quyền không có quyền để ngăn chặn họ.

Trong khi đó, cảnh sát đã yêu cầu Tòa án dân sự ký lệnh giải tán những người biểu tình phản đối nhà máy điện than. Trước khi tình hình trở nên xấu đi, nội các đã cử Bộ trưởng Năng lượng Siri Jirapongphan xuất hiện trước những người biểu tình và hứa hẹn sẽ không thảo luận về các nhà máy điện chạy bằng than, ít nhất là đến cuối năm nay.

Uy tín của chính quyền quân sự và ban lãnh đạo Thái Lan đang ngày một suy giảm. Đó là sự thật, nhưng một điểm quan trọng hơn nhiều là sự kiểm soát ngày một yếu đi của họ. Một chính quyền từng có thể đe dọa người dân giờ đây không thể trấn áp một cuộc phản kháng công khai lớn và tòa án giờ đây không còn ủng hộ các biện pháp vi hiến. Chính quyền quân sự Thái Lan đang mất đi quyền lực và giờ đây không còn nhiều người sẵn sàng chấp nhận các sắc lệnh của chính quyền mà không đặt ra những câu hỏi và hoài nghi.

Theo các nhà quản lý kinh doanh, sự bất ổn về chính trị có thể gây ra những hậu quả lâu dài. Ông Kim Eng Tan, GĐ cấp cao về xếp hạng tài chính công quốc tế và tài chính quốc tế tại S&P Global Ratings, cho rằng sự trì hoãn cuộc bầu cử không ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của Thái Lan trong ngắn hạn, nhưng tình trạng không chắc chắn về chính trị có thể có ý nghĩa tiêu cực về lâu dài. Ông nhấn mạnh: "Những biến động chính trị không ảnh hưởng ngay lập tức đến xếp hạng, nhưng có những hậu quả lâu dài”. S&P hiện xếp hạng đầu tư của Thái Lan ở mức BBB+ với triển vọng ổn định.

Ông Jen Namchaisiri, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan, cũng nhận xét rằng các nhà đầu tư nước ngoài hiện không quan tâm nhiều về tình hình chính trị ở Thái Lan, nhưng họ quan tâm đến các luật và quy định mới nhất liên quan đến các ưu đãi đầu tư. Ông Anusorn Tamajai, Trưởng khoa Kinh tế của ĐH Rangsit thì cho rằng, một số nhà đầu tư sẽ hoãn đầu tư của họ khi họ đang chờ đợi một bức tranh rõ nét hơn về nền chính trị của Thái Lan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật