Ngày về của một nữ phạm nhân trẻ được đặc xá

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tối 29/8, tại số 91 ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội). Đi sâu vào ngõ nhỏ chật hun hút là gian nhà nhỏ nhưng ấm cúng và rộn rã tiếng cười. Trong vòng tay thương yêu của gia đình, bạn bè, hàng xóm, cô gái Lê Thị Hồng Nhung rạng ngời hạnh phúc. Cô là một trong những phạm nhân ở Trại giam Thanh Xuân vừa được đặc xá trở về gia đình sau hơn 7 năm thụ án. Năm nay cô 25 tuổi.
Ngày về của một nữ phạm nhân trẻ được đặc xá
Lê Thị Hồng Nhung trong vòng tay yêu thương của gia đình.

Theo giới thiệu của Thượng tá Phan Trọng Hà, Phó giám thị Trại giam Thanh Xuân, Lê Thị Hồng Nhung là phạm nhân trẻ nhất trong số hơn 300 phạm nhân của trại được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2010. "Ngày Nhung mới vào trại, cô bé học lớp 12 nhưng người nhỏ nên tôi cứ nghĩ cháu mới chỉ 13-14 tuổi, trông như một đứa trẻ vậy", Thượng tá Hà giới thiệu về Nhung. Anh bảo do Nhung khi vào trại là phạm nhân ít tuổi nhất nên không chỉ Ban giám thị và các cán bộ quản giáo đặc biệt quan tâm. Với nỗ lực cải tạo tích cực, Nhung đã 3 lần được xét giảm án với thời gian 2 năm 3 tháng tù.

Gặp Hồng Nhung và người thân của cô, chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của một gia đình khi vướng mắc vào ma túy. Trích lược bản án và hồ sơ quản lý phạm nhân của cô chỉ "lạnh lùng" vài câu: "Khoảng 16h45' ngày 14/5/2003, Công an quận Đống Đa đã bắt quả tang Lê Hòa Bình (chú ruột của Nhung-PV) đang tàng trữ một gói heroin có trọng lượng 3,6286g. Tiến hành khám xét tại phòng ngủ của Lê Thị Hồng Nhung (tầng 2) thu được 281,1257g heroin. Lê Thị Hồng Nhung khai, đã 3 lần mang heroin tới cho Hoa (vợ Lê Hòa Bình)... Nhung giữ vai trò giúp sức trong vụ án và bị tòa xử 10 năm tù giam".

Ngồi trong hàng ghế đại diện thân nhân gia đình phạm nhân được đặc xá, chị Vũ Thị Bích Hằng, mẹ của Hồng Nhung không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Những ngày Nhung ở trại giam, đi thăm con, lúc nào chị cũng cố gắng vui vẻ, động viên con cải tạo tốt, nhưng trong lòng chị là nỗi cay đắng, giày vò của một người mẹ đã không bảo vệ được con.

Chị kể do hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị gồm hai vợ chồng và 3 cô con gái sống chung căn nhà 2 tầng chưa đầy hai chục thước vuông với gia đình người em chồng Lê Hòa Bình. Bình nghiện ma túy đã nhiều năm và để có tiền "nuôi thân", anh ta đã bán ma túy. Đáng buồn thay, vợ Bình cũng tham gia cùng chồng. Chị bảo biết em chồng nghiện ma túy, cũng sợ lắm nhưng chị không có con trai nên cũng phần nào yên tâm vì dù sao con gái không dễ mắc nghiện ma túy như con trai. Xoay xở thức khuya dậy sớm với quán cháo lòng nho nhỏ, chị tần tảo nuôi 3 cô con gái ăn học nên người để mong con không vất vả như mình.

"Khi quản lý con, tôi chỉ nghĩ dạy con cảnh giác với xã hội chứ ai cảnh giác với người thân bao giờ.  Không ngờ, tai họa lại rơi vào đúng con tôi và đau đớn hơn lại là chính những người trong gia đình gây ra cho cháu..." - chị Hằng thổn thức khi nhớ lại thời điểm con gái bị bắt. Khi đó, chỉ còn 15 ngày nữa là Nhung thi tốt nghiệp THPT. Trong 3 cô con gái thì Nhung tỏ ra hiếu học và học khá nhất. Trong hoàn cảnh ở chung, lại mải bán hàng, chị Hằng không thể nào ngờ được có ngày hai vợ chồng người chú dùng cháu gái làm bình phong để cất giấu ma túy.

Nhung vào tù, khép lại giấc mơ vươn tới cánh cổng đại học mà cô bé ấp ủ bấy lâu. Còn với chị Hằng, lòng người mẹ nào chẳng đau như cắt. Chị bảo suy cho cùng, việc con bị bắt có một phần trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ nên trong thời gian Nhung ở trại, chị đã vượt qua khó khăn để lo cho con, mong muốn phần nào chia sẻ, chung vai gánh vác thiệt thòi mà con đang phải gánh chịu.

Hơn 7 năm trong trại, với một cô gái đang chập chững những bước đầu tiên vào đời như Hồng Nhung là cả một quãng đường dài vô tận. Được sự quan tâm, chỉ bảo tận tình của cán bộ quản giáo, Nhung được vào làm việc tại Đội may. Sau 3 năm, cô được trại cấp chứng chỉ nghề.

"Nguyện vọng của em là sẽ tiếp tục đi học. Nếu việc học gặp trở ngại, với tay nghề thành thạo, em sẽ mở một hiệu may để kiếm sống".  Nhung kể, khi đặt chân về trước cửa, cô thấy bỡ ngỡ, không nhận ra chính ngôi nhà của mình bởi xung quanh đã thay đổi nhiều. Điều khiến Nhung xúc động là sự đón tiếp chân tình của bà con lối xóm. Tất cả đều giữ nguyên tình cảm yêu mến với cô bé ngoan ngoãn, chăm học ngày nào bởi họ đều thông cảm với hoàn cảnh phạm tội của cô. Đó chính là điều khiến Nhung tự tin, xóa bỏ mọi mặc cảm, lo lắng sẽ bị kỳ thị trước đây.

Nhung bảo, tối đầu tiên về nhà, cảm giác thật nôn nao khó tả, nhưng chắc chắn, cô sẽ ngủ ngon trong vòng tay của mẹ. Hôm sau, dù có mệt, cô cũng sẽ dậy sớm phụ mẹ bán hàng. Trước mắt là như vậy, còn nguyện vọng tha thiết của Nhung là tiếp tục được học. "Cháu lo mẹ không có điều kiện cho cháu tiếp tục đi học. Nhưng tôi bảo dù có ăn rau ăn cháo, tôi cũng lo cho cháu tiếp tục học, trước mắt là tốt nghiệp cấp 3 và cố gắng học đại học" - chị Hằng tâm sự và bày tỏ mong muốn được chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện để chị giúp con thực hiện nguyện vọng chính đáng của mình.

Trước khi chia tay, dù niềm vui ngập tràn trong ánh mắt cô gái trẻ, nhưng Nhung vẫn không quên nắm chặt tay tôi thủ thỉ: "Không riêng em mà nhiều người vì ma túy đã phải vào trại giam. Bản thân em không nghiện ma túy, nhưng chính ma túy lại lôi kéo em vào cuộc. Em đã mất cả tuổi xuân, mất cả tương lai học hành, một cái giá quá đắt. Thực sự, em thấy sợ ma túy và mong muốn mọi người hãy tránh xa tệ nạn này, để không rơi vào hoàn cảnh đau khổ như em..."

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật