Trầm mặc Sự thật về “ống kính trộm“ tại nhà máy Pentax Việt Nam

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ vài năm nay, xuất hiện nghi ngờ ống kính được lắp ráp tại nhà máy Pentax ở Việt Nam bị công nhân trộm từ dây chuyền sản xuất và “tuồn“ ra thị trường.
Trầm mặc Sự thật về “ống kính trộm“ tại nhà máy Pentax Việt Nam
ảnh minh họa

Khi nói về ống kính máy ảnh của Pentax, nhiều người chơi ảnh ở Hà Nội không còn lạ gì cụm danh từ “hàng Sài Đồng”. Đây chính là tên gọi của những ống kính Pentax không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường Hà Nội. Những ống kính này thường có hình thức mới, nhưng không có số hiệu dán trên thân ống, không có hộp đựng, giấy tờ kèm theo và thường không đầy đủ các phụ kiện như nắp đậy, loa che. 

Tất cả ống kính đều in dòng chữ “Made in Vietnam". So với ống kính chính hãng, những ống kính “Sài Đồng” có giá rẻ hơn khá nhiều. Do nguồn gốc không rõ ràng nên trong giới chơi ảnh, không ít người nghi ngờ những ống kính này là sản phẩm bị công nhân ăn cắp từ dây chuyền sản xuất và tuồn ra ngoài thị trường. Đây cũng là nguồn gốc của cụm danh từ “hàng Sài Đồng”. Điều này gây tiếng xấu cho người công nhân tại nhà máy Pentax Việt Nam ” (nhà máy của Pentax ở Khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội).

Các ống kính máy ảnh Pentax  được lắp ráp tại nhà máy của hãng ở Khu công nghiệp Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: H.Q

Các ống kính kể trên xuất hiện ở một số cửa hàng máy ảnh ở Hà Nội, trong đó, cửa hàng Fuong camera ở số 5 Tràng Thi được nhiều người chơi ảnh rỉ tai nhau là nơi có nhiều nhất. Trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Văn Phương, chủ cửa hàng Fuong camera cho biết những ống kính kiểu “hàng Sài Đồng” chỉ xuất hiện với một số lượng nhỏ trên thị trường từ 3 năm trước và được người chơi Pentax truyền tay nhau. 

Tuy nhiên, những ống kính này không phải là đồ ăn cắp. Chúng chỉ là những sản phẩm có một lỗi nào đó và bị loại khỏi dây chuyền, như bị rơi, trầy xước hoặc lắp ráp không đúng quy cách. Theo quy trình, những ống kính này sẽ bị hủy, nhưng chúng thường được tận dụng và bán cho những người dùng máy ảnh Pentax vì chất lượng quang học không bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi có hàng Pentax bởi có mối quan hệ thân thiết với ban giám đốc nhà máy Pentax. Hàng ở đây chủ yếu là từ nhà máy, hàng chính hãng, có hóa đơn đỏ hoặc hoặc hàng nhập trực tiếp từ Nhật, Mỹ. Ngoài ra, một số lượng khác là từ việc trao đổi với các anh em chơi Pentax”, ông Phương nói. Theo ông Phương, đến thời điểm này, cửa hàng Fuong Camera đã trở thành một đại lý chính phân phối chính thức của Pentax tại Hà Nội.

Phanhoadigi, một cửa hàng máy ảnh số nằm trên phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng có bán một số ống kính Pentax dạng “hàng Sài Đồng”. Khi được hỏi, nhân viên cửa hàng cho biết, những ống kính trên được nhập từ Nhật Bản về theo đường tiểu ngạch.

Theo một nhà quản lý của công ty Pentax Việt Nam, việc công nhân nhà máy Pentax trộm ống kính và tuồn ra ngoài là điều không có cơ sở, bởi dưới sự điều hành của người Nhật, hệ thống quản lý của Pentax rất chặt chẽ. Những ống kính không số hiệu như đã đề cập ở trên là những ống kính lỗi được tận dụng lại. Việc bán hàng ra ngoài và có hóa đơn đỏ là hoàn toàn hợp pháp và cũng nằm trong kế hoạch kinh doanh của Pentax tại Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật