Mùa xuân buồn rười rượi của những người có quê để gọi mà không thể về

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hạnh phúc bình dị là được đoàn tụ gia đình ngày Tết cũng không có bởi họ phải bươn chải, mưu sinh vì miếng cơm manh áo. Thêm một mùa xuân nữa họ sống kiếp tha hương.
Mùa xuân buồn rười rượi của những người có quê để gọi mà không thể về
Ông Thành - bà Thủy đón Tết trên nhà phao ở bãi Giữa sông Hông. Ảnh: Q. Thành

Vợ chồng ông Thành - bà Thủy bước sang mùa xuân thứ 48 có nhau sống cuộc sống tha hương, không nhà, không mảnh đất cắm dùi. Ông bà không nhớ đã đón bao nhiêu cái Tết ở xóm Phao thuộc Bãi Giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội).

Tuổi xế chiều, ông bà mới có được một "mái nhà" che mưa che nắng. Nó được làm bằng 24 chiếc thùng phuy và những mảnh gỗ ghép vào với nhau được neo đậu bên bờ bãi. Tết Mậu Tuất qua đi với ông bà không nhiều ý nghĩa, có chăng nó thuận lợi hơn đối với công việc nhặt rác của ông khi đông giá chuyển dần sang xuân ấm áp.

Trong không khí xuân về, chẳng ai buồn nói, ngồi trong căn nhà phao tạm bợ, họ thay nhau châm điếu thu‌ốc là‌o rồi hút, tiếng điếu cày rông rốc pha lẫn tiếng cười giòn giã của cả hai người khiến cuộc đời trở nên nhẹ bỗng.

Ông Thành chỉ nhớ quê mình ở Thanh Hóa giáp Sầm Nưa, vùng biên giới Việt - Lào. Cha mẹ ông mất sớm, anh em tứ tán khắp nơi kiếm ăn. Số phận đưa ông đến gặp bà Thủy cùng cảnh nhặt rác kiếp sống rồi nên duyên vợ chồng từ năm 1969. Trên cánh tay ông Thành vẫn còn dòng chữ 2/6/1969, đó chính là ngày cưới của họ.

Ngôi nhà phao của vợ chồng già nằm sát chân cầu Long Biên. Ảnh: Q. Thành

Xuân Mậu Tuất này, ông Thành bước sang tuổi 80, giọng nói vẫn rắn rỏi, mạnh khỏe. Công việc của ông là đạp xe nhặt rác bắt đầu 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Có khi ông đạp xe đến các quận Hà Đông, Đông Anh…

Mơ ước của vợ chồng ông Thành giản dị vô cùng. “Nếu có điều kiện, vợ chồng tôi chỉ dám mơ sắm một cái mỏ neo để níu cái nhà phao này yên vị trước những đợt lũ sông Hồng”, bà Thủy tâm sự. Cũng đúng thôi, họ “có quê để gọi nhưng không có quê để về”.

Xuân về, bà Nguyễn Thị Hồng, trưởng xóm Phao diện chiếc áo sơ mi đẹp nhất của mình có thêu những bông hoa màu xanh nền trắng, quàng khăn voan vào cổ một cách tỷ mỷ điệu đà, kẻ lông mày, đánh mắt, son thắm lại đôi môi vốn thường ngày thâm sì. Bà bảo tôi: “Diện một tý. Cả năm quăng quật để ý gì đến ăn mặc, hè áo phông, đông áo phao hôi hám cũ kỹ lắm rồi”.

Bà Hồng trong ngội nhà của mình. Ảnh: Q. Thành

Căn nhà trưởng xóm Phao lụp xụp tồi tàn, trống huếch trống hoác, vật dụng tồi tàn, duy chỉ khu ban thờ là trang nghiêm.

Mái tranh của bà Hồng tuy lụp xụp nhưng được coi là “khang trang” hơn 25 chỗ tạm được gọi nhà nhà của những công dân xóm Phao. Khuôn viên nhà bà được xây dựng hao hao giống ngôi nhà của đồng bào người Mông vùng núi phía Bắc. Bờ bao được dựng bằng những hàng que đót thẳng tắp, mặt nhà hướng ra sông Hồng lộng gió.

“Thời khắc năm mới những Tết gần đây không hiểu sao càng khiến mình nghĩ đến cội nguồn nhiều hơn. Giờ này, người ta sum họp có vợ có chồng, có con cái, ba bề bốn bên. Mình một mình… Cứ Tết sau thì nỗi buồn ấy càng mãnh liệt hơn, da diết hơn Tết trước”, bà Hồng tâm sự.

Qua cái Tết thứ 24 ngoài bãi sông, bà Hồng nói như vừa thoáng qua. Thời gian như cơn gió kể từ một ngày năm 1994 sau khi hôn nhân gia đình đổ vỡ, cuộc sống bế tắc, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng tìm ra trụ cầu Long Biên ngủ.

“Mình đã 56 tuổi rồi, mong sớm sẽ được trở về quê cha hoặc quê mẹ sinh sống”, bà Hồng nói những lời gan ruột. Ảnh: Q.Thành

Xóm trưởng xóm Phao đã hơn một lần tìm về quê cha Bình Định, nhưng rồi cũng “chỉ để biết thôi, không ở lại quê cha được”. Ba của bà mất sớm. Quê mẹ ở Hoài Đức (Hà Nội), chỉ một giờ đồng hồ đi xe nhưng “về đó cũng không có đất dung thân”, bà ở lại xóm Phao.

Ở một xóm chài khác, thuyền nan nhỏ của bà Phan Thị Sen là mái ấm đơn độc chìm nổi theo sóng nước. Bà Sen người nhỏ thó, đôi chân teo tóp và quặt lại phía sau như càng cua. Để tồn tại, mọi việc bà đều phải nhờ đôi tay. Bà Sen bảo từ đời cố ông nội đã sống cuộc đời lênh đênh trên thuyền.

Từ lúc sinh ra bà chân bà Sen đã co quắp như càng cua, chỏng ngược lên trời. Cuộc đời bà Sen vừa bước qua ngưỡng nửa thế kỷ. Chừng đấy thời gian, con người tàn tật cô độc này bập bềnh theo sóng nước sông Hồng như tổ chim trôi dạt.

Bà Sen lênh đênh trên sóng nước. Ảnh: Q. Thành

Bà Sen tâm sự: “Từ khi xuất ngũ, bố tôi về với sông nước, chỉ lên bờ đôi lần. Một lần đứng trong hàng ngũ cựu chiến binh của địa phương đi đón danh hiệu anh hùng cho quê hương năm 2001. Lần cuối, ông lên bờ để về cõi vĩnh hằng.

Chị gái tôi cũng vậy, cả cuộc đời tật nguyền như tôi, sống lênh đênh, lần cuối lên bờ cũng về cõi vĩnh hằng. Có lẽ… tôi cũng vậy thôi”. Với bà, niềm vui đón mùa xuân mới như là chuyện của người ta không liên quan đến mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật