Du khách nô nức chiêm bái đền Chúa Thác Bờ đầu xuân

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỗi độ Tết đến xuân về, người dân Hòa Bình cùng phật tử thập phương lại nô nức đổ về dâng hương tại đền Chúa Thác Bờ với mong muốn cầu tài lộc, bình an và hạnh phúc cho năm mới.
Du khách nô nức chiêm bái đền Chúa Thác Bờ đầu xuân
Đầu xuân người dân nô nức đến chiêm bái đền Chúa Thác Bờ

Di tích đền Chúa Thác Bờ nằm trong chuỗi du lịch lòng hồ sông Đà và danh thắng Động Thác Bờ (thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, Hòa Bình và xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc) và các bản làng du lịch văn hóa ở các địa phương trong vùng lòng hồ sông Đà.

Theo tư liệu, trước đây đền Chúa Thác Bờ thường khai hội và tổ chức quy mô 3 năm 1 lần, ngày khai hội thường diễn ra vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan từ những thập niên 50 của thế kỷ trước cho đến nay, lễ hội đền Chúa Thác Bờ vẫn chưa được phục dựng lại. Tuy nhiên, theo thường lệ, vào khoảng mùng 2 Tết hàng năm, các phật tử và Thanh Đồng ở khắp nơi lại sắm sửa lễ, lạt “Trẩy hội” đền Chúa Thác Bờ…

Quần thể đền Chúa Thác Bờ gồm có: Đền Trình, đền Chúa Thác Bờ, Động Tiên

Tương truyền, vào năm 1430 – 1432, vua Lê Lợi (niên hiệu Thuận Thiên) đem quân đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn (ở Mường Lễ, Sơn La). Khi vua kéo quân đến khu vực Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước là một thác nước hiểm trở, xô bọt trắng trời…khiến đoàn quân không thể tiến bước.

Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng (huyện Đà Bắc) có cô gái dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân, cùng một cô gái người dân tộc Dao (ở xã Vầy Nưa, Đà Bắc) đã đứng lên vận động người dân đóng bè, đóng thuyền độc mộc, góp lương thực…chở giúp quân sĩ qua Thác Bờ đi đánh giặc. Sau này khi dẹp loạn xong, trên đường trở về vua Lê Lợi đã tổ chức khao quân ngay tại khu vực Thác Bờ…

Đền Chúa Thác Bờ là nơi thờ bà Chúa Thác Đinh Thị Vân và nhiều vị thần linh thiêng khác

Người dân ở đây kể rằng, sau này khi hai bà mất, hai bà thường hiển linh về giúp đỡ mọi ngưỡi mỗi khi vượt thác ghềnh hiểm trở. Từ đó, người dân đã phong hai bà là bà Chúa Thác Bờ để tưởng nhớ công ơn. Sau đó, vua Lê Lợi đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ hai bà.

Đền Chúa Thác Bờ tuy không được quy mô như nhiều ngôi đền khác, nhưng nó vẫn mang dáng vẻ uy nghi cùng địa thế phong thủy hài hòa, sau lưng là núi, trước mặt là sông. Đền Chúa Thác Bờ là địa danh thắng cảnh hàng năm được rất đông du khách đến chiêm bái. Theo tập tục, khi đi lễ đền Bờ du khách sẽ phải ghé qua đền Trình trước, sau đó mới lên đền Chúa Thác Bờ. Hai ngôi đền nằm cách nhau khoảng 10 đến 15 phút đi thuyền. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đền Trình hiện nằm ở phía hữu ngạn sông Đà, nay thu‌ộc đị‌a phận xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc; còn đền Chúa Thác Bờ nằm ở phía tả ngạn, thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Động Tiên trong quần thể đền Chúa Thác Bờ nơi chiêm bái linh thiêng được các phật tử lựa chọn

Ngoài ra có một nơi còn lưu lại thánh tích rõ ràng nhất của Chúa Thác Bờ là Động Tiên nằm sừng sững giữa dòng sông Đà cuộn sóng. Cũng theo người dân nơi đây , từ trước đến nay ngôi đền “rất linh thiêng”, vì thế, năm nào du khách thập phương cũng kéo về đây cầu tài lộc, bình an và thực hiện nhiều nghi lễ văn hóa tín ngưỡng hầu đồng tâm linh.

Dưới đây là một số hình ảnh phật tử đầu năm đi lễ ở đền Chúa Thác Bờ:

Hầu đồng, một trong những nét văn hóa tâm linh không thể thiếu trong các dịp lễ hội đền Chúa Thác Bờ

Các sản vật địa phương như cây thuốc, cá nướng, tôm nướng được bán nhiều tại khu vực đền Chúa Thác Bờ

Để lên được đền Chúa Thác Bờ người dân phải men theo con đường đất sát mép sông Đà

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật