Tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương, Trung Quốc khiến Đông Á ‘nóng lên’?

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump vẫn có thái độ cứng rắn đối với Triều Tiên trước những hoạt động thử nghiệm vũ khí của nước này, các nước đồng minh châu Á của Mỹ còn một nỗi lo khác, đó là Trung Quốc.
Tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương, Trung Quốc khiến Đông Á ‘nóng lên’?
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Gần đây Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại các khu vực nhạ‌y cả‌m gần Nhật Bản và Đài Loan nhằm mở rộng sự hiện diện của mình trên Thái Bình Dương. Lãnh đạo ở Tokyo và Đài Bắc đều đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hoạt động này lại, đồng thời họ củng cố hơn nữa quốc phòng của mình.

Trước đó, Nhật Bản phát hiện một tàu ngầm Trung Quốc tiến vào vùng biển nằm cách quần đảo mà nước này đang tranh chấp với Trung Quốc khoảng 12 đến 24 hải lý. Động thái này diễn ra không lâu sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cảnh báo rằng các hoạt động tuần tra trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc đang khiến khu vực trở nên bất ổn.

Chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều nước ở châu Á tỏ ra quan ngại về khả năng Mỹ có thể giảm bớt sức ép từ Trung Quốc, trong lúc nước này đang phát triển về kinh tế và quân sự. Trung Quốc từ lâu coi Đài Loan là một lãnh thổ của nước này, trong khi đó Bắc Kinh cũng đang tranh chấp các đảo trên Biển Đông và biển Hoa Đông với một số nước.

Ông Ja Ian Chong, một giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Singapore chuyên về mối quan hệ ngoại giao châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Sự khó lường của chính quyền Trump đã buộc Tokyo và Đài Bắc phải nỗ lực củng cố quốc phòng của mình. Những hành động của các nước đang khiến căng thẳng Đông Á nóng lên và nguy cơ xảy ra sự việc bất ngờ đang rất cao”.

Mặc dù các lần đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình của ông Trump trong năm đầu kể từ khi ông nắm quyền chủ yếu tập trung vào vấn đề Triều Tiên và thương mại, song trong những năm tới vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển của Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ coi hoạt động hiện đại hóa quân đội và mở rộng hoạt động ở Biển Đông là hiểm họa lớn nhất đối với sức mạnh của Mỹ.

Nhật Bản cho biết họ đã phát hiện một tàu ngầm của Trung Quốc gần lãnh hải nước này.

Ngay lập tức, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và yêu cầu nước này từ bỏ “lối suy nghĩ chiến tranh Lạnh” của mình. Nước này cũng chỉ trích “các quốc gia khác” đã đưa ra quan ngại về sự tự do đi lại trên Biển Đông, trong khi Trung Quốc đã cải tạo đảo quy mô lớn và đang đẩy mạnh các dự án xây dựng tại đây.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền của mình sau khi một tàu Mỹ tiến vào vùng biển gần bãi đá Scarborough, nơi Trung Quốc tranh chấp với Philippines.

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc rằng họ đang xâm phạm lãnh hải Đài Loan và Nhật Bản. Họ nói rằng các hoạt động tuần tra trên biển của máy bay tiêm kích, máy bay ném bom và phi cơ do thám quanh Đài Loan là điều “bình thường”. Trong khi đó, nước này khẳng định tàu ngầm Trung Quốc bị phát hiện gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông khi đó đang theo dõi hoạt động của hai tàu Nhật Bản.

Hải quân Trung Quốc bắt đầu đưa tàu chiến qua “chuỗi đảo thứ nhất” (bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Philippines) từ năm 2009. Theo Tân Hoa Xã, không quân nước này bắt đầu tuần tra khu vực này vào năm 2015 và tần suất hoạt động của các máy bay đã tăng lên từ “bốn lần mỗi năm” lên thành “vài lần mỗi tháng” trong năm 2017.

Trong bối cảnh đó, bà Thái Anh Văn tuyên bố rằng bà sẽ tăng ngân sách quốc phòng của Đài Loan mỗi năm thêm 2%. Ưu tiên hàng đầu của Đài Loan sẽ là tên lửa, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không mới.

Sự phát triển quân sự của Trung Quốc đang khiến nhiều nước lo ngại.

Nhật Bản vào tháng trước đã chấp thuận ngân sách quốc phòng lên đến 5,19 nghìn tỷ yên (tức 47 tỉ USD), đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp nước này gia tăng chi tiêu cho quân sự dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Mặc dù mục đích chính của các hệ thống vũ khí mà Nhật Bản mua về là nhằm đối phó với Triều Tiên, song Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết chúng cũng được dùng để phòng ngừa các loại vũ khí khác.

Ông Abe cũng đã gặp gỡ Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại một căn cứ quân sự, một hoạt động nhằm củng cố liên minh an ninh bốn bên mà Mỹ và Ấn Độ cũng tham gia. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Australian Financial Review, ông Abe nói rằng liên minh này không có mục đích kiềm chế Trung Quốc, mặc dù ông vẫn bày tỏ quan ngại về an ninh trong khu vực.

“Đang có một âm mưu nhằm thay thế tình trạng hiện tại ở biển Hoa Đông và Biển Đông”, ông Abe nói. “Tôi tin rằng tình hình an ninh đang ngày càng trở nên khó khăn hơn”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật