Sếp FBI, CIA và NSA: ‘Đừng dùng thứ gì của Huawei’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giới tình báo và an ninh Mỹ vẫn lo ngại về Huawei khi hãng này bị cho là được hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc.
Sếp FBI, CIA và NSA: ‘Đừng dùng thứ gì của Huawei’
Ảnh minh họa

Giấc mơ Mỹ của Huawei nói riêng và các hãng di động Trung Quốc nói chung, vừa bị đặt vào thử thách lớn. 6 lãnh đạo của các cơ quan an ninh và tình báo ở Mỹ vừa nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng họ không khuyến khích người dân nước này sử dụng sản phẩn, dịch vụ của Huawei.

Nhóm 6 lãnh đạo này bao gồn những người đứng đầu CIA, FBI, và giám đốc tình báo quốc gia, lần đầu công khai bày tỏ chính kiến về đối thủ của Apple trước cơ quan công quyền.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những rủi ro khi cho phép bất kỳ công ty hay tổ chức nào được hậu thuẫn bởi chính phủ nước ngoài, vốn không cùng tiếng nói, lại có chỗ đứng trong mạng lưới viễn thông của Mỹ", Chris Wray, Giám đốc FBI, thẳng thừng.

Theo ông Chris Wray, việc Huawei và nhà mạng ZTE lấn sâu vào thị trường sẽ tạo ra áp lực hoặc kiểm kiểm soát hạ tầng viễn thông Mỹ, thực hiện những hành vi như sửa đổi, đánh cắp dữ liệu, gián điệp. Tuy nhiên, những lãnh đạo an ninh - tình báo Mỹ không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh nhận định trên.

Trước những lời từ nhóm quyền lực Mỹ, Huawei tuyên bố rằng mình "không gây ra mối nguy hại an ninh mạng nào hơn các hãng công nghệ khác, vốn cũng đang dùng chung chuỗi cung ứng toàn cầu".

Hiểu một cách dung dị, Huawei muốn nói rằng nhiều hãng công nghệ khác cũng có sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, thậm chí mua chung nguồn kinh kiện, cùng hợp tác với những đối tác gia công, nhưng họ không bị Mỹ chèn ép như Huawei.

Trong một thông cáo, phát ngôn viên của Huawei cho rằng hãng cảm thấy đang bị "bắt nạt" tại Mỹ. "Huawei nhận thức được một loạt các hoạt động của chính phủ Mỹ dường như nhằm mục đích kiềm tỏa việc kinh doanh của Huawei ở thị trường Mỹ. Huawei được các chính phủ và khách hàng tin cậy ở 170 quốc gia trên toàn thế giới".

Huawei đang cố bán chiếc Mate 10 Pro tại thị trường khó tính nhất thế giới. Ảnh: IDG.

Huawei từng cố gắng xâm nhập thị trường Mỹ thông qua mối hợp tác với nhà mạng AT&T, nhưng đã đổ bể vào phút chót. Lúc đó, CEO Richard Yu đã nói cứng tại CES rằng đó là một thất bại của Huawei, nhưng là một mất mát lớn đối với người dùng tại Mỹ.

Đến lúc này, Huawei vẫn đang tìm cách bán Mate 10 Pro bản không khóa mạng tại Mỹ, nhưng càng cố gắng càng bi thảm. Hãng vướng nghi vấn thuê người dùng viết cảm nhận tốt về chiếc điện thoại trong một nhóm kín trên Facebook, dù đây là một hoạt động thường thấy tại quê nhà Trung Quốc mà các công ty khác như Xiaomi, Meizu, Lenovo từng triển khai trên mạng xã hội.

Theo The Verge, các nhà lập pháp Mỹ đang cố gắng ban hành một lệnh cấm các công chức sử dụng điện thoại của Huawei và ZTE.

Mỹ là thị trường viễn thông khắc nghiệt với các hãng di động đến từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Thập kỷ trước, Samsung cũng từng chật vật để dòng Galaxy S được bán thông qua các nhà mạng lớn như AT&T, T-Mobile... Khi đó, hãng di động Hàn Quốc thậm chí phải chấp nhận tạo ra những "biến thể" của chiếc Galaxy S đời đầu với tên gọi khác nhau, thậm chí bề ngoài có đôi chút khác biệt để chiều lòng các ông lớn viễn thông.

Tuy nhiên, thành công của Samsung khó lặp lại với Huawei, ít nhất là trong ngắn hạn. Dù là hãng di động lớn thứ 3 thế giới, Huawei vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chinh phục được thị trường vốn đã được bình định bởi cái bóng quá lớn của Apple. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật