Nếu dòng vốn ngoại đảo chiều thì sao?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong năm 2018 diễn ra ngày 8-1-2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dự trữ ngoại hối của nước ta ở mức 54,5 tỉ đô la Mỹ, tức là đã tăng khoảng gần 1,5 tỉ đô la Mỹ so với thời điểm 31-12-2017. Tuy nhiên, con số này tới nay có lẽ đã bị “lạc hậu” bởi dòng vốn ngoại vẫn đang xếp hàng đổ vào Việt Nam.
Nếu dòng vốn ngoại đảo chiều thì sao?
Dòng vốn ngoại, đặc biệt là dòng vốn FII, nếu vào quá nhanh sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường tài chính vốn còn khá non trẻ của Việt Nam.

Vốn ngoại đang xếp hàng đổ vào Việt Nam

Chỉ riêng trong tháng 1-2018, các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã mua ròng khoảng 8.500 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK), tương đương khoảng 374 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong tháng 1-2018 (tính đến 20-1-2018) ước đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, trong ba thương vụ IPO của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVOil và PVPower diễn ra trong tháng 1-2018, các NĐTNN cũng đã mua vào khoảng 397 triệu đô la Mỹ... Theo ước tính không chính thức của các ngân hàng thì NHNN đã mua được hơn 3 tỉ đô la Mỹ chỉ trong tháng 1-2018. Do vậy, dự trữ ngoại hối ở thời điểm hiện tại có lẽ đã ở mức trên 55 tỉ đô la Mỹ.

Theo kế hoạch, trong tháng 3-2018, PVPower và Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3) sẽ tiến hành đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Hiện đã có nhiều NĐTNN đăng ký tham gia đấu giá và tổng số tiền ước tính lên tới 1,2 tỉ đô la Mỹ... Có lẽ kể từ sau năm 2007 - thời điểm mà Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta mới lại đón nhận một khối lượng vốn ngoại rất lớn như diễn biến gần đây. Và thực trạng này đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính Việt Nam phát triển, nhưng cũng để lại nhiều tiềm ẩn rủi ro như đã từng diễn ra trong quá khứ.

Thị trường tài chính đang được hưởng lợi nhiều nhất

Thị trường tài chính được hình thành bởi hai cấu phần là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Việc NHNN đã mua được khoảng 13 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017 và 3 tỉ đô la Mỹ trong tháng 1-2018 đồng nghĩa với việc sẽ có một khối lượng rất lớn tiền đồng được bơm ra hệ thống ngân hàng. Mặc dù hiện nay NHNN đã và đang nỗ lực để trung hòa số tiền này thông qua việc phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, toàn hệ thống ngân hàng vẫn đang dư thừa thanh khoản ở mức rất cao. Bối cảnh như vậy buộc các ngân hàng “thừa tiền” phải đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). Do khối lượng TPCP mới có hạn và nhu cầu đầu tư từ cả phía các ngân hàng cũng như các công ty bảo hiểm nhân thọ rất lớn nên lợi suất TPCP (Bond yield) đã bị đẩy xuống các mức thấp kỷ lục, thấp hơn cả lợi suất tại các thị trường có nhiều nét tương đồng với Việt Nam là Indonesia và Philippines.

Bản chất thực của dòng vốn ngoại vào Việt Nam hiện nay là gì? Điều này cần được phân tích một cách khách quan và cẩn trọng bởi lẽ TTCK toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều trong tuần qua.

Bên cạnh đó, việc vốn ngoại đổ vào Việt Nam ở mức cao đã giữ tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng ổn định trong một thời gian dài quanh mức 22,710 đồng/đô la.

Tỷ giá ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức cao như vậy, nếu chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức thấp thì đây sẽ là cơ sở để NHNN có thể hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong năm 2018.

Trên đây là diễn biến của thị trường tiền tệ, còn trên thị trường vốn mà đại diện là TTCK cũng đang chứng kiến nhiều con số rất ấn tượng. Chỉ số VN-Index đã tăng tới hơn 46,5% trong năm 2017 và 11,5% chỉ trong tháng 1-2018. Theo đó, TTCK Việt Nam được xếp vào một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Giá trị giao dịch bình quân của thị trường hiện đang ở mức 6.000 tỉ đồng/ngày... TTCK Việt Nam đang tăng trưởng nhanh là tiền đề để các dòng vốn nước ngoài, cả FDI và đầu tư gián tiếp (FII) tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại, đặc biệt là dòng vốn FII, nếu vào quá nhanh sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường tài chính vốn còn khá non trẻ của Việt Nam.

Nếu dòng vốn ngoại đảo chiều...

Câu hỏi này đặt ra vào thời điểm hiện tại có lẽ là hơi sớm nhưng khó có thể dự đoán được diễn biến dòng vốn ngoại liệu có tiếp tục kéo dài trong 6-12 tháng tới hay không. Bài học của thị trường tài chính Việt Nam vào những năm 2006-2011 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Khoảng 20 tỉ đô la Mỹ đã được các NĐTNN đổ vào Việt Nam trong các năm 2006-2017 khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Do chưa có kinh nghiệm về mặt quản lý nên khối lượng tiền đồng được bơm ra nền kinh tế rất lớn, điều này đã khiến cho lạm phát tăng vọt lên tới hai con số. Và khi thị trường Việt Nam mất dần sự hấp dẫn thì dòng vốn ngoại này lại liên tục được rút ra trong các năm 2009-2011. Diễn biến này đã lập tức khiến cho tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ liên tục được đẩy lên mức cao. Trước thực trạng đó, NHNN đã buộc phải phá giá đồng tiền đồng lên tới trên 9,3% vào tháng 2-2011.

Thực trạng đó cũng hoàn toàn có thể lặp lại nếu chúng ta không làm tốt công tác kiểm soát và dự báo. Đây có lẽ đang là thời điểm thích hợp nhất để các cơ quan quản lý nhà nước ngồi lại xem xét và đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện về dòng vốn này. Các vấn đề cần phải được làm rõ và phân tích chi tiết có thể là: Bản chất thực của dòng vốn ngoại vào Việt Nam hiện nay là gì? Là dòng vốn FII hay là FDI? Các dòng vốn này đến từ đâu và tập trung vào những ngành, lĩnh vực chủ yếu nào của nền kinh tế Việt Nam?

Mặc dù hiện nay Tổng cục Thống kê đều công bố những con số này định kỳ hàng tháng, tuy nhiên số liệu được công bố là hết sức ngắn gọn và mang tính chất rất tổng quát. Với việc khoản mục lỗi và sai sót trong bảng cán cân tổng thể (Balance of Payments) của Việt Nam hiện tới trên 10 tỉ đô la Mỹ thì có thể thấy rằng những con số trên mặc dù đã được công bố nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải được làm rõ.

Cũng có thể các cơ quan quản lý hiện nay có các số liệu chi tiết nhưng không công bố chính thức. Tuy nhiên, dù ở thái cực nào thì chúng ta cũng phải rất cẩn trọng với trạng thái rất “hưng phấn” hiện nay của thị trường. Chỉ khi nào nắm rõ được đầy đủ các yếu tố trên thì chúng ta mới có thể dự báo được sự bền vững hay không của dòng vốn ngoại hiện nay. Thậm chí, với việc TTCK tăng nhanh liên tục trong thời gian qua thì các cơ quan quản lý cũng có thể đưa ra những cảnh báo ở mức độ phù hợp. Bởi chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước mới là những người có thông tin một cách đầy đủ nhất hiện nay.

Tất cả các vấn đề trên có lẽ rất cần được tính toán và phân tích một cách khách quan và cẩn trọng bởi lẽ TTCK toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều trong tuần qua. Chỉ số Down Jones đã giảm tới 2,5% trong phiên giao dịch ngày 2-2-2018 và giảm 4,1% nếu so với một tuần trước đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật