Việt Nam hấp dẫn hơn Trung Quốc trong mắt doanh nghiệp Nhật

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuy còn nhiều bất cập trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đánh giá Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn, và 70% số doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây.
Việt Nam hấp dẫn hơn Trung Quốc trong mắt doanh nghiệp Nhật
Có gần 70% số doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Theo khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017 của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) mới công bố, có 69,5% số doanh nghiệp từ xứ sở Mặt trời mọc tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động tại đây, cao hơn tỷ lệ 66,6% năm 2016.

Trong ngành công nghiệp phi chế tạo, khoảng 58% só doanh nghiệp cho rằng lý do chính là “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.

Tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật Bản “mở rộng hoạt động” tại Việt Nam cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực như Philippines (63,4%), Indonesia (51,4%), Malaysia (51,3%), Trung Quốc (48,3%) và Thái Lan (47,2%).

Nguồn: JETRO

Lý do chính cho tâm lý tích cực này là “Doanh thu tăng” với khoảng 88% số doanh nghiệp lựa chọn, và “Tính tăng trưởng, tiềm năng cao”, báo cáo của JETRO cho biết.

Cũng theo báo cáo này, có đến 65,1% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có lãi trong năm 2017, tăng 2,3 điểm phần trăm so với khảo sát năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp trả lời “lỗ” là 19,4%, giảm 5,7 điểm phần trăm so với năm trước.

Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì trong ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu (EPE) trả lời “có lãi” là 67,5%, vượt trên mức bình quân so với tổng thể.

Nguồn: JETRO

Điều gì thu hút doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam?

Báo cáo cho thấy hơn 50% doanh nghiệp đánh giá rằng Việt Nam có “Quy mô thị trường/Khả năng tăng trưởng”, “Tình hình chính trị, xã hội ổn định”, “Chi phí nhân công rẻ”. Trong đó, tiêu chí “Quy mô thị trường/Khả năng tăng trưởng” nhận được phản hồi tích cực hơn so với khảo sát năm trước.

Ngược lại, tiêu chí “Tình hình chính trị, xã hội ổn định” ghi nhận sự phản hồi kém tích cực hơn khi có 61,8% số doanh nghiệp chọn, so với 64,3% năm 2016, và thua kém các quốc gia khác như Singapore, New Zealand và Úc.

Đáng lưu ý, Việt Nam vẫn xếp chót bảng xếp hạng 15 quốc gia được khảo sát về tiêu chí “Rào cản ngôn ngữ là không đáng kể” khi chỉ 9,6% số doanh nghiệp hài lòng.

rủi ro cũng không ít

Về rủi ro trong môi trường đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, khảo sát của JETRO chỉ ra rằng, trong số 5 hạng mục đứng đầu có 3 hạng mục đã được cải thiện.

Tuy vậy, vẫn như các kết quả điều tra trước, “Chi phí nhân công tăng cao”, “Hệ thống Pháp Luật chưa hoàn thiện, vận dụng luật pháp không rõ ràng”, “Cơ sở hạ tầng (Điện, logistics, thông tin liên lạc, v…v) chưa hoàn thiện”, “Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp” vẫn là các rủi ro chính.

Ngoài ra, “Ngành công nghiệp phụ trợ còn non kém, chưa phát triển” cũng khiến các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại. Việt Nam vẫn xếp 4/15 quốc gia về tiêu chí này, không đổi so với khảo sát trước.

Nguồn: JETRO

Báo cáo cũng ghi nhận rằng, trong 5 hạng mục rủi ro hàng đầu trong đầu tư, các nội dung đều cải thiện so với năm trước, ngoại trừ rủi ro “chi phí nhân công tăng cao”.

Về các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, giống như các khảo sát năm trước, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản vẫn phàn nàn về “Tăng lương cho nhân viên sở tại”, và “Khó tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại”.

Các doanh nghiệp phản hồi rằng hệ thống Pháp Luật chưa hoàn thiện và vận dụng Pháp Luật không rõ ràng nên dẫn tới vận dụng không thống nhất.

Đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn phàn nàn nhiều về việc các cơ quan tại Việt Nam vận dụng hồi tố các quy định xử phạt, ví dụ như phòng cháy chữa cháy, môi trường, thanh tra thuế.

Tuy vậy, ông Hironobu KITAGAWA, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội, cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn không nản lòng. “Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản”.

Ông Hironobu KITAGAWA (phải), Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội, trình bày kết quả khảo sát ngày 6/2. Ảnh: Minh Tuấn

Trả lời phóng viên BizLIVE về sự cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Hironobu KITAGAWA cho rằng xây dựng mối quan hệ tin cậy là quan trọng nhất. “Khi nào Việt Nam ban hành luật thì thực thi cần rõ ràng, thống nhất, không nên đi giải quyết từng sự vụ nhỏ lẻ”.

Chương trình khảo sát nhằm nắm bắt thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á – châu Đại Dương, từ đó giúp cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động thuận lợi tại khu vực này. Chương trình khảo sát thực hiện từ năm 1987.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật