Trung Quốc: Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1 vừa qua, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc: Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 1/2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 19,0 tỷ USD, giảm 3,3%, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 19,3 tỷ USD, giảm 3% so với tháng 12/2017.

So với cùng kỳ năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2018 tăng mạnh với mức 33,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 33,7%.

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2017: Điện thoại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 80,7%, hàng dệt may đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6%, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 37,9%, giày dép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%... Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2017: Cao su đạt 169 triệu USD, giảm 5,7% (lượng tăng 60,9%), hạt tiêu đạt 51 triệu USD, giảm 17,9% (lượng tăng 43,5%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2018 với kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017, tiếp đến là Hoa Kỳ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17%, EU đạt 3 tỷ USD, tăng 6,6%, ASEAN đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15,7%, Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, tăng 18,6%, Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, tăng 28%.

Trong tháng 1/2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 7,8 tỷ USD, giảm 4,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,5 tỷ USD, giảm 1,7%. Kim ngạch một số mặt hàng giảm mạnh so với tháng 12/2017: Ô tô đạt 304 triệu USD, giảm 52,1%, xăng dầu đạt 552 triệu USD, giảm 27,2%.

So với cùng kỳ năm 2017, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2018 ước tính tăng mạnh 47,4%, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 43,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 50,4%.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng: Điện thoại và linh kiện tăng 115,8%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 72,3%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 25,4%, xăng dầu tăng 10,8% (lượng tăng 3,5%). Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm: Ô tô giảm 17,9%, trong đó ô tô nguyên chiếc giảm 38%, sữa và sản phẩm sữa giảm 6,2%.

Về thị trường nhập khẩu trong tháng 1/2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 5,7 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2017, Hàn Quốc đạt 4,2 tỷ USD, tăng 54,2%, ASEAN đạt 2,6 tỷ USD, tăng 46,3%, Nhật Bản đạt 1,7 tỷ USD, tăng 93,1%, EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 34,1%, Hoa Kỳ đạt 780 triệu USD, tăng 15,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2017 xuất siêu 2,9 tỷ USD, tương đương 1,4% kim ngạch xuất khẩu. Tháng 1/2018 ước tính nhập siêu 300 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,4 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,1 tỷ USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật