Cần làm gì khi xuất khẩu Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào FDI?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một thành phần của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào gia tăng xuất khẩu. Vì vậy, vấn đề cần giải quyết ở đây không phải là hạn chế, giảm bớt hoạt động doanh nghiệp FDI mà phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh chóng.
Cần làm gì khi xuất khẩu Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào FDI?
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một thành phần của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào gia tăng xuất khẩu. Ảnh minh họa

Cần phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh chóng

Nhìn lại năm 2017, xuất nhập khẩu được coi là thành tích đáng ghi nhận của Bộ Công Thương khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu của nước ta còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững do phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, FDI là thành tựu của quá trình hội nhập, đồng thời là một thành phần của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào gia tăng xuất khẩu. Bằng chứng, năm 2017, xuất khẩu của doanh nghiệp khối này tăng trưởng 22%, góp phần quan trọng vào việc tạo thặng dư thương mại 2,67 tỷ USD.

Trước những thành quả trên, ông Hải cho rằng, vấn đề cần giải quyết ở đây không phải là hạn chế, giảm bớt hoạt động doanh nghiệp FDI mà phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh chóng, đạt tỷ lệ kim ngạch cao trong cơ cấu xuất khẩu.

Theo ông Hải, để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp như Ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nhóm giải pháp như hỗ trợ tín dụng, đầu tư, đào tạo nhân lực...

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cũng thừa nhận, thời gian qua chưa làm tốt việc kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, chưa thực hiện triệt để việc yêu cầu doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam phải chuyển giao công nghệ. Đây là những hoạt động sẽ được tập trung giải quyết trong thời gian tới để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

Bộ Công Thương đạt được nhiều kết quả tích cực

Đưa ra những kết quả đã đạt được trong năm qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn của Bộ Công Thương cho biết, năm 2017, Bộ Công Thương được đánh giá đạt được nhiều kết quả trên nhiều mặt công tác.

Dẫn chứng về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Công Thương cho hay, trong lĩnh vực hội nhập, năm 2017, Việt Nam là nước đăng cai tổ chức APEC 2017 với hàng trăm hội nghị, các cuộc họp nhóm công tác chuyên môn kỹ thuật.

Cùng với đó, Bộ Công Thương với tư cách là Trưởng SOM APEC, phụ trách các vấn đề liên quan đến kinh tế thương mại, đã thể hiện vai trò tích cực và chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất cũng như đạt được kết quả cuối cùng được các nền kinh tế APEC đánh giá cao trong bối cảnh diễn biến trong khu vực và trên thế giới phức tạp.

Đặc biệt, đã góp phần tái khởi động việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tên mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP) và giúp hiệp định đàm phán thành công, đi đến ký kết vào tháng 3/2018.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cũng lần đầu tiên vượt 425 tỷ USD, tăng 18,32% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%).

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2018, Bộ Công Thương được giao nhiều chỉ tiêu quan trọng, từ xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thương mại đến tái cơ cấu, cải cách hành chính. Đáng chú ý, phải hoàn thiện nhiều nhóm hoạt động trong công tác hội nhập, vì mặc dù Hiệp định CTTPP sẽ được ký kết nhưng quan trọng là việc thực thi ra sao, bao giờ được phê chuẩn và đặc biệt là liệu các doanh nghiệp có theo kịp với các cam kết đó hay không.

"Ngành Công Thương đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở những mảng rộng lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song song với việc làm tốt các nhiệm vụ này, Bộ cũng đang cố gắng cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí một cách kịp thời, khắc phục những thông tin cập nhật còn thiếu, chưa đầy đủ với kỳ vọng báo chí đã đang và sẽ tiếp tục trở thành cầu nối đắc lực của Bộ Công Thương với người dân và doanh nghiệp", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật