Logistics Việt yếu trong khâu liên kết

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chi phí cao, khả năng cạnh tranh kém do chuỗi liên kết trong ngành logictics lỏng lẻ
Logistics Việt yếu trong khâu liên kết
Ảnh minh họa

Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics tại Việt Nam” diễn ra ngày 01/02/2018 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Phạm Thị Thúy Vân – Phó Giám đốc Tiếp thị Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập liên quan đến các doanh nghiệp (DN) và dịch vụ logistics của Việt Nam.

Hiện nay, các cơ sở hậu cần logistics trong nước vẫn tập trung chủ yếu ở một vài khu vực như tại TP. Hồ Chí Minh là quanh Cảng Cát Lái, IDC Thủ Đức, Depot khu Sóng Thần, Linh Trung và khu vực lân cận cầu Đồng Nai. Việc tập trung quá nhiều tại một vài điểm gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, tắc đường xảy ra thường xuyên, xe quay vòng chậm, các chi phí phát sinh vì thế tăng lên, thời gian lưu bãi cũng tăng do giải phóng hàng chậm.

“Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với các mục tiêu cụ thể. Nhưng sau quyết định này, mỗi tỉnh, thành lại xây dựng chiến lược phát triển logistics riêng tại địa phương song thiếu tính liên kết, đồng bộ. Trong khi bản chất logistics là hoạt động chuỗi liên kết giữa cơ sở này với DN kia, địa phương này với tỉnh thành nọ, thậm chí là giữa các quốc gia với nhau” – bà Vân nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý và khai thác Cảng quốc tế Long An (LAIP) khắc họa rất rõ những bất cập, khó khăn mà các DN phải gánh chịu từ sự thiếu liên kết của các cơ sở và dịch vụ logistics.

Hiện tại, ngoài các cảng thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, riêng tại Long An đang có một số dự án cảng lớn như LAIP đang phát triển 41ha và 420 cầu bến giai đoạn 1, còn một số tỉnh khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 8 cảng sông với tổng diện tích 70ha và 900m cầu tàu.

Tuy nhiên, do hạn chế của luồng vào các cảng khu vực ĐBSCL nên hiện tại việc triển khai tàu 20.000 DWT gặp khó khăn nên DN tại khu vực vẫn phải lên TP.HCM lấy hàng và trả rỗng, lấy rỗng về kho đóng hàng và hạ tại TP.HCM. Điều này không chỉ gây áp lực lên hệ thống giao thông tại thành phố mà còn làm phát sinh chi phí cho các DN từ 2,5 triệu đồng/container khô và 8 – 9 triệu đồng/container lạnh.

Bàn về vấn đề chi phí và cắt giảm chi phí dịch vụ logictics, Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, trong tất cả các loại chi phí cấu thành nên mức giá dịch vụ logistics thì chi phí vận tải và chi phí lưu kho, xếp dỡ là 2 loại chi phí chính, chiếm hơn 50% tổng chi phí giá thành. Vì vậy, muốn cắt giảm chi phí logistics, trước tiên phải tiết giảm được 2 loại chi phí kể trên, đưa chúng xuống mức hợp lý nhất.

Tuy nhiên theo khảo sát của VLA, chi phí vận tải không chỉ bao gồm chi phí nhiên liệu xấp xỉ 30 - 35%, phí BOT cũng lên đến 30-35%, mà còn khoảng 5% phí tiêu cực khiến cho “gánh nặng” vận tải hàng hóa bằng đường bộ hiện nay tại Việt Nam quá cao không chỉ so với các nước trong khu vực mà cả trên thế giới.

Cụ thể, chi phí logistics ở Việt Nam tương đương 20% GDP nhưng chỉ đóng góp khoảng 3% vào GDP, trong khi ở các nước phát triển là 9 – 14%, còn Trung Quốc là 17,8%, Singapore là 9%...

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA đưa ra khuyến nghị, nhằm giảm bớt áp lực chi phí logistics, trước tiên các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, có biện pháp cụ thể để tiết giảm chi phí trong hoạt động vận hành, áp dụng cơ cấu vận tải, phát triển vận tải đa phương thức. Song quan trọng hơn, Nhà nước cần sớm giảm chi phí chính thức và minh bạch hóa BOT, xóa bỏ chi phí ngầm trong vận tải đường bộ.

Đồng thời, nên xem xét khả năng thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về logistics, mở rộng sự tham gia của DN vào quá trình quản lý hoạt động logistics nhằm tăng cường quản lý ngành dịch vụ logistics có hiệu quả...

Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, để lĩnh vực logistics Việt trở nên có sức cạnh tranh hơn cũng như tạo thành động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước cần phải hoàn thiện quy hoạch phát triển hạ tầng logistics bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch về sản xuất công, nông nghiệp, xuất khẩu, chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, huy động nguồn lực đầu tư vào hạ tầnglogictics.

Quan trọng hơn là nâng cao năng lực DN, chất lượng dịch vụ thông qua thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics, tích hợp sâu các dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật