316.000 tỷ đổ vào nền kinh tế: Tín hiệu tốt nhưng...

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Doanh nghiệp làm ăn được mới mở mang thêm nhưng chuyên gia cảnh báo từ năm 2018, doanh nghiệp phải cạnh tranh quyết liệt hơn với hàng ngoại nhập.
316.000 tỷ đổ vào nền kinh tế: Tín hiệu tốt nhưng...
Phải đẩy vốn vào sản xuất kinh doanh thay vì bất động sản

Bàn tiếp về con số hơn 326.000 tỷ đồng đổ vào nền kinh tế trong tháng 1/2018 (trong đó chủ yếu là số vốn doanh nghiệp đăng ký tăng thêm, còn lại là số vốn của hơn 10.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới), chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng. Về nguyên lý, doanh nghiệp làm ăn được mới mở mang thêm.

"Nó cho thấy các doanh nghiệp trong năm 2016-2017 làm ăn được và họ có niềm tin rằng năm 2018 thị trường sẽ tiếp tục phát triển nên họ mới mở mang đầu tư thêm. Còn kết quả doanh nghiệp tăng vốn xong có thành công hay không là câu chuyện của năm 2018" - ông Hiển nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cũng cho rằng đây là tín hiệu tích cực khi doanh nghiệp thấy tiềm năng trong sản xuất kinh doanh năm 2018 nên mới mở rộng vốn hoặc đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, đây mới chỉ là vốn doanh nghiệp đăng ký, chưa thực sự đi vào sản xuất kinh doanh. Vốn đó giải ngân được hay không, có huy động được để đi vào sản xuất kinh doanh và có hiệu quả hay không thì phải chờ đợi trong năm 2018.

Cả hai vị chuyên gia đều khẳng định, nếu cho rằng con số hơn 316.000 tỷ đồng đổ vào nền kinh tế trong tháng đầu năm 2018 là dấu hiệu của chính sách tiền tệ mở rộng thì dấu hiệu chưa rõ.

"Không phải chính sách tiền tệ vừa thực hiện là xảy ra liền. Chính sách tiền tệ mở rộng thì cung tiền sẽ tăng lên và khi đó lãi suất giảm, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, kíc‌h thí‌ch họ vay nhiều hơn.

Nhưng thực tế lãi suất không giảm, thậm chí đầu năm nay lãi suất có dấu hiệu tăng. Ở đây doanh nghiệp nhìn thấy những tín hiệu lạc quan trong năm 2018 và một vài năm sau nên họ mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc thành lập mới", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi giải thích.

Về số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong tháng 1, theo hai vị chuyên gia, đây là hệ quả của việc những năm trước số doanh nghiệp tăng quá mạnh, đặc biệt là theo phong trào khởi nghiệp, trong đó các doanh nghiệp bất động sản tăng rất nhiều. Khi làn sóng đó qua đi thì doanh nghiệp bị đào thải là điều hợp lý.

"Kinh tế thị trường phải tạo ra nhiều doanh nghiệp làm ăn, đi kèm với đó phải có sự đào thải. Một số doanh nghiệp không làm ăn được, phải đóng cửa là chuyện bình thường, còn năm 2018 số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phụ thuộc vào nhận định về nền kinh tế, họ sẽ có cái nhìn thận trọng hơn", TS Đinh Thế Hiển nói.

Bổ sung thêm, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh dù con số chênh lệch giữa doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và doanh nghiệp đăng ký thành lập mới không đáng kể nhưng nó chưa hẳn là sự tích cực trong nền kinh tế. Doanh nghiệp luôn phải đối đầu với khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập này, đầu tư của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp nước ngoài.

"Năm nay doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt vì Việt Nam xóa bỏ rào cản thương mại, đặc biệt là rào cản đối với các hàng hóa nhập khẩu. Chuyện tái cấu trúc là chuyện bình thường, doanh nghiệp nào mạnh thì sống, yếu thì phải rời bỏ thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, do đó sẽ chỉ tồn tại được khi kinh doanh những mặt hàng đặc biệt ở Việt Nam, né tránh được sự cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hàng của các doanh nghiệp lớn của nước ngoài", vị chuyên gia chỉ rõ.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cũng bày tỏ trăn trở về chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực được doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh nhiều nhất, kế đến là xây dựng, chế biến và chế tạo.

Ông nhìn nhận đây không phải là dấu hiệu tích cực. Theo đó, đối với lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng doanh nghiệp tập trung quá nhiều vào khâu phân phối. Trong khi đó, lẽ ra phải tập trung vào khâu sản xuất tạo ra hàng hóa nhiều hơn khâu phân phối đơn giản lại thì kinh tế mới phát triển bền vững.

Đối với lĩnh vực xây dựng, thời gian qua ở nhiều tỉnh, thành lớn của Việt Nam xảy ra cơn sốt về bất động sản, đất đai được mua bán xong rồi xây dựng, nhưng đến lúc nào đó việc này cũng phải dừng bởi một nền kinh tế không thể suốt ngày lo đi xây dựng.

Trong khi đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam làm sẽ không lại với thế giới bởi các nước xuất khẩu hàng hó‌a chấ‌t lượng cao, giá thành thấp vào Việt Nam thì khi ấy doanh nghiệp Việt sẽ đuối.

Từ những phân tích trên, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhìn lại năm 2017 và khẳng định, con số tăng trưởng GDP 6,81% là con số ấn tượng nhưng cần phải thấy rõ tăng trưởng từ đâu mà ra? Đó là từ việc kích cầu, mà kích cầu này là do người dân có nhiều tiền. Tiền ấy phần lớn từ bất động sản, do người dân bán đất. Điều đó chưa bền vững cho nền kinh tế.

"Năm nay Việt Nam phải rút kinh nghiệm, điều tiết nền kinh tế theo hướng sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng phục vụ xã hội. Không thể cứ dựa vào nguồn tiền của người dân bán đất - đồng vốn chảy vào bất động sản, từ đồng vốn đó chuyển sang tiêu dùng, tạo ra những thu nhập mà thu nhập đó chuyển từ tay người này qua tay người khác chứ không phải là giá trị gia tăng. Trong khi đó, người thực sự sản xuất kinh doanh dẫu có khá lên nhưng không tăng nhanh như vậy.

Đó là điều đáng lo. Vì thế, các tổ chức tín dụng cũng cần hạn chế tối đa việc cho vay đổ vào lĩnh vực bất động sản", vị chuyên gia lưu ý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật