Bình Định: Người dân nơm nớp lo sợ vì có thể bị hà bá ‘nuốt chửng’ bất cứ lúc nào

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng chục ha đất vườn và đất nông nghiệp cùng hàng trăm nhà dân bên bờ sông Côn chạy qua địa phận xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đang đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất vì sạt lở nghiêm trọng.
Bình Định: Người dân nơm nớp lo sợ vì có thể bị hà bá ‘nuốt chửng’ bất cứ lúc nào
Nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ sông. Tại thôn Phụ Ngọc, gần 1km bờ sông qua khu vực này đang bị gặm dần.

Người dân sống trong lo sợ

Bờ Nam sông Côn, đoạn chảy qua các thôn An Thái, Mỹ Thạnh, Phụ Ngọc (thuộc xã Nhơn Phúc) dài gần 2km bị xâm thực, sạt lở khoảng 5 năm nay.

Đặc biệt, sau những đợt lũ liên tiếp vào năm 2016 - 2017, tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn. Nhiều diện tích đất dọc mép sông bị nước cuốn trôi, ăn sâu vào bên trong. Tại một số đoạn, nước sông chỉ còn cách nhà dân chưa đầy 1m.

Bà Hường mất ăn mất ngủ vì “hà bà” có thể “nuốt chửng” nhà bà bất cứ lúc nào.

Nhiều diện tích đất vườn của người dân bị nước khoét sâu tạo thành những hàm ếch to, kéo thành những đoạn dài; có chỗ tạo thành những bờ vực dựng đứng hết sức nguy hiểm. Trên mặt đất, nhiều vị trí đã xuất hiện những vết rạn nứt chằng chịt, đất có thể bị sụp xuống bất cứ lúc nào.

Bà Nguyễn Thị Hường (56 tuổi, ngụ thôn Phụ Ngọc) cho biết: “Mỗi khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, bờ sông phía sau nhà tôi lại bị xói lở, từng mảng đất cứ thế nhủi xuống sông.

Nhiều đêm, đang ngủ say mà vẫn phải bật dậy vì tiếng đất lở đổ ụp xuống sông ầm ầm. Những lúc như vậy không chỉ một nhà mà cả xóm mất ngủ, thấp thỏm đến sáng”.

“Sạt lở đã kéo nhiều đất đá, cây cối của tôi ra sông. Con cái đều làm ăn ở xa, nhà chỉ còn hai vợ chồng già gần 80 tuổi. Cứ mưa xuống là vợ chồng tôi lo không thể nào ăn ngủ được, không biết lúc nào nhà mình bị tuột xuống sông”, ông Nguyễn Văn Hồng (75 tuổi, ngụ thôn Phụ Ngọc) lo lắng nói.

Theo bà Trịnh Thị Lựu (57 tuổi, ngụ thôn Phụ Ngọc), những năm gần đây lũ về ngày càng nhanh. Riêng những đợt lũ liên tiếp năm 2016 - 2017, gia đình bà không kịp trở tay. Nhiều gia súc, gia cầm đã bị lũ cuốn trôi.

“Chúng tôi cũng đã dùng đất và tre để chống chọi với tình trạng sạt lở nhưng chỉ là biện pháp tạm thời. Còn về lâu dài, người dân rất mong Nhà nước đầu tư xây bờ kè chống xói lở, hoặc di dời người dân đến nơi khác an toàn hơn”, bà Lựu cho biết.

Theo cụ Nguyễn Thị Hữu (88 tuổi, ngụ thôn Phụ Ngọc), tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra nghiêm trọng nhất là trong 2 năm gần đây. Nguyên nhân có thể là do tình trạng khai thác cát quá mức ở gần khu vực cầu Phụ Ngọc.

Người dân địa phương nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành có biện pháp chấm dứt tình trạng khai thác cát nơi đây, nhưng nguyện vọng của bà con chưa được đáp ứng.

“Đến mùa mưa lũ, nhiều hộ phải di tản đi nơi khác để đảm bảo an toàn, nhưng ai cũng lo lắng bởi nhà cửa, heo, bò, gà, vịt có thể bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ bất kể lúc nào.

Cứ đà này, bờ sông tiếp tục sạt lở có thể sẽ lấn sâu vào và ngôi nhà xây kiên cố của gia đình tôi có nguy cơ bị sập đổ xuống sông”, cụ Hữu lo lắng.

Sẽ bố trí đất cho dân để di dời

Theo ông Trương Công Định - Trưởng thôn Phụ Ngọc, trong gần 2 năm trở lại đây, hơn 5.000m2 đất vườn, đất màu và hàng trăm bụi tre đã bị cuốn trôi.

Tình trạng này đe dọa đời sống của hơn 50 hộ gia đình có nhà nằm dọc bờ sông, nhiều hộ đang sống trong lo sợ vì có thể bị nước sông cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đảm bảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đầu tháng 11/2017, Chủ tịch UBND TX An Nhơn đã yêu cầu các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND xã Nhơn Phúc xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở bờ sông, nhà có nguy cơ sập, cuốn trôi.

Trong thời gian chờ quy hoạch bố trí đất, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác, nhanh chóng di dời, tránh trú tại những vị trí an toàn mỗi khi có mưa lũ.

Theo ông Võ Minh Hoàng - Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn xã là vấn đề nan giải của địa phương từ nhiều năm qua. Trước mỗi mùa mưa bão, xã đều thành lập đội thanh niên xung kích, nhằm giúp người dân di dời ra khỏi những vùng sạt lở.

Địa phương cũng cố gắng gia cố tạm thời những đoạn bờ sông xung yếu bằng cách đóng cọc tre, nhưng do kinh phí có hạn nên chỉ dừng ở mức tạm bợ.

“Chúng tôi đang phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Nhơn để quy hoạch, bố trí đất cho các hộ dân nằm trong diện phải di dời do tình trạng sạt lở bờ sông.

Địa phương sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Về lâu dài, chúng tôi mong ngành chức năng các cấp xem xét, bố trí đầu tư kinh phí xây dựng kè kiên cố 2 bên bờ sông để ngăn chặn nạn xâm thực, giúp người dân có nhà nằm ven bờ sông ổn định đời sống”, ông Hoàng cho biết.

Trong khi chờ đợi ngành chức năng quy hoạch, bố trí đất cho người dân chuyển đến nơi mới, cũng như xây bờ kè kiên cố, hàng trăm hộ dân sống ven bờ Nam sông Côn qua xã Nhơn Phúc tiếp tục phải sống trong nỗi lo bị “hà bá nuốt chửng” nhà do sạt lở bờ sông.

Trong khi đó, tình trạng khai thác cát quá mức vẫn đang diễn ra là điều đáng báo động, đòi hỏi các nhà quản lý cần nhanh chóng vào cuộc để người dân nơi đây yên tâm sinh sống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật