Sẽ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ chỗ chỉ hơn 330 doanh nghiệp (DN) sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đến nay đã có hơn 3.000 DN sử dụng hình thức này. Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo hướng tiến tới bắt buộc sử dụng HĐĐT...
Sẽ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử
Ảnh minh họa

Nhiều lợi ích

Tại Hội thảo Hướng dẫn thực hiện HĐĐT năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty giải pháp phần mềm CMC SOFT tổ chức hôm 24/1 vừa qua, bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động hóa đơn chứng từ nói riêng là xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới.

Xu hướng phát triển công nghệ thông tin và hệ thống hạ tầng thông tin ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phát triển HĐĐT. Đối với DN, việc sử dụng HĐĐT có nhiều lợi ích như giảm chi phí và thời gian trong việc in ấn, phát hành, gửi và lưu trữ hóa đơn giấy; hạn chế việc làm giả hóa đơn…

“Các DN Việt Nam muốn hội nhập thì cũng cần tiếp cận và áp dụng những giải pháp công nghệ mới để nâng tầm quản lý của DN mình. Nhờ vậy năng suất của mỗi DN sẽ được đảm bảo hơn và sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn…” - Phó Tổng thư ký VCCI phát biểu.

Dưới góc độ kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế DN lớn, ông Nguyễn Văn Phụng, phân tích việc sử dụng HĐĐT vừa góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho DN, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn, vừa giảm thời gian làm thủ tục hành chính (TTHC) về hóa đơn…

Đặc biệt, việc sử dụng HĐĐT rất thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, kê khai, nộp thuế vì thông tin trên hóa đơn điện tử được chuyển thẳng vào hệ thống kế toán và hệ thống thanh toán của DN mua bán hàng hóa, dịch vụ , qua đó, hiện đại hóa công tác kế toán, tăng năng lực quản trị của DN.

Mặt khác việc lập, gửi/nhận, lưu trữ hóa đơn được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử nên quá trình thanh toán nhanh hơn, việc bảo quản hóa đơn dễ dàng hơn, tránh xảy ra mất, thất lạc hóa đơn. Điều này thuận lợi cho cả người mua và người bán.

Ông Phụng cũng cho biết, hiện Tổng cục Thuế đã hỗ trợ các DN lớn thuộc các lĩnh vực viễn thông, hàng không, điện lực, ngân hàng cấp nước triển khai thành công HĐĐT và tạo sức lan tỏa cho các DN khác. Từ chỗ chỉ có hơn 330 DN sử dụng hóa đơn điện tử đến nay đã có hơn 3.000 DN sử dụng hình thức này.

Sẽ bắt buộc từ 1/7/2018

Thay vì khuyến khích như hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo hướng tiến tới bắt buộc sử dụng HĐĐT. Dự kiến Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2018.

Dự thảo có nhiều nội dung mới tạo thuận lợi cho DN làm ăn chân chính, góp phần tạo môi trường minh bạch, lành mạnh, hạn chế tối đa việc lợi dụng kẽ hở của chính sách.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị định quy định HĐĐT sẽ được áp dụng bắt buộc đối với DN, tổ chức, cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan có chức năng kiểm tra , quản lý thị trường; DN chỉ được sử dụng HĐĐT mà không được chọn sử dụng 2 loại hóa đơn giấy như trước đây; DN đã thực hiện HĐĐT theo Thông tư 32 thì chuyển sang áp dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế; DN đủ điều kiện nhưng lần đầu áp dụng thì sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế; Một số trường hợp đặc thù không thể sử dụng HĐĐT thì cơ quan thuế đặt in hóa đơn để cấp hoặc bán cho DN sử dụng…

Tại Hội thảo, đại diện Công ty giải pháp phần mềm CMC SOFT cũng giới thiệu với DN một loại phần mềm HĐĐT mà công ty đang triển khai, đó là phần mềm C-Invoice. Đây được coi là công cụ xử lý HĐĐT hiện đại nhất hiện nay được các cơ quan thuế khuyên dùng, nhằm xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác. Điểm khác biệt của phần mềm này là: Tính năng đa dụng; Công nghệ online; An toàn bảo mật; Hỗ trợ tận tình; tiết kiệm thời gian và giảm chi phí tối đa cho DN…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật