Sacombank đạt 1.488 tỷ đồng lợi nhuận, xử lý 19.660 tỷ đồng nợ xấu trong 2017

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 20/01/2018, tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018, Sacombank đã công bố lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.488 tỷ đồng, gấp 8,5 lần so với năm 2016 và Ngân hàng này đặt mục tiêu 1.640 tỷ đồng cho năm 2018.
Sacombank đạt 1.488 tỷ đồng lợi nhuận, xử lý 19.660 tỷ đồng nợ xấu trong 2017
Tổng tài sản của Sacombank đạt gần 369.000 tỷ đồng trong 2017, tăng 11% so với đầu năm

Theo báo cáo hợp nhất năm 2017, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 369.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, cấu trúc danh mục tài sản có sự chuyển biến tích cực; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 325.000 tỷ đồng, tăng 11,5%; cho vay khách hàng gần 223.000 tỷ đồng, tăng 12,1%, cơ cấu tín dụng cải thiện theo hướng giảm tỷ trọng cho vay trung dài hạn; tổng thu nhập đạt gần 8.650 tỷ đồng, tăng 32,4% so với năm trước, trong đó nguồn thu của khối cá nhân chiếm gần 2/3, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng.

Bên cạnh công tác xử lý nợ xấu, Sacombank vẫn tiếp tục tập trung mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ. Công tác chăm sóc, tiếp thị khách hàng được chú trọng thông qua cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ đó số lượng khách hàng giao dịch đã tăng 20,6% so với năm trước, hiện đạt 4,3 triệu khách hàng trên toàn hệ thống. Thu dịch vụ năm 2017 của Sacombank tăng trưởng rất tốt, đạt 2.625 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng gần 28% so với năm trước.

Sacombank là một trong những ngân hàng cổ phần có thế mạnh về mạng lưới với 566 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn hệ thống tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngoài việc nâng cấp 11 Quỹ tiết kiệm lên Phòng giao dịch, tái bố trí sắp xếp 86 điểm giao dịch trong nước để khai thác tiềm năng tại các địa bàn, mở thêm 2 Chi nhánh tại Lào và Campuchia; Sacombank đã xây dựng Đề án tổng thể Tái cơ cấu mạng lưới hoạt động đến năm 2022.

Năm 2018, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo Đề án, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản. Mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, tăng doanh thu từ mảng dịch vụ để đóng góp tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó là tăng cường sức cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt hóa, kết hợp với chiến lược tối ưu hóa chi phí và mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật