Xã Lệ Chi (Gia Lâm): Chưa tốt nghiệp THPT vẫn làm Trưởng Công an xã

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù chưa tốt nghiệp THPT, nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh vẫn được chính quyền địa phương bổ nhiệm làm cán bộ chủ chốt của xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nay là Trưởng Công xã hơn 20 năm qua.
Xã Lệ Chi (Gia Lâm): Chưa tốt nghiệp THPT vẫn làm Trưởng Công an xã
Ông Nguyễn Văn Mạnh chỉ được cấp giấy xác nhận đã học tập tại trường nhưng chưa thi đỗ tốt nghiệp THPT

Theo đơn thư phản ánh của người dân đến báo Công lý. Tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Mạnh đã làm cán bộ chủ chốt của xã hơn 20 năm qua, trong đó vị trí Trưởng công an xã được ông này đảm nhiệm đến nay là 17 năm liền, dù không có bằng tốt nghiệp THPT.

Để xác minh thông tin trên, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Lưu - Chủ tịch UBND xã Lệ Chi để tìm hiểu xung quanh việc ông Nguyễn Văn Mạnh chưa tốt nghiệp cấp 3 vẫn được bổ nhiệm làm trưởng công an xã. Sau nhiều lần liên hệ ông Lưu luôn trốn tránh không cung cấp thông tin, thay vào đó, ông này lại đùn trách nhiệm trả lời sang cho chính Trưởng công an xã Nguyễn Văn Mạnh – người đang bị tố cáo.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng công an xã Lệ Chi Nguyễn Văn Mạnh thừa nhận trong thời gian làm Trưởng Công an xã từ năm 2000 đến nay, ông vẫn chưa tốt nghiệp THPT.

Ông Mạnh phân trần việc mình không có bằng THPT:“ Tôi đã đi học hệ bổ túc Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Hà Nội năm 2013 nhưng do năm đấy thi khó quá nên không đậu”.

Ông Nguyễn Văn Mạnh Trưởng Công an xã Lệ Chi. Ảnh: TN

Khi được hỏi việc ông không có bằng tốt nghiệp THPT thì Ủy ban xã có biết và có ý kiến gì không? Ông Mạnh cho biết: “ Xã có biết, trong hồ sơ lý lịch của tôi đã có hết rồi và năm 2015 thì tôi cũng không được đưa vào Đảng ủy viên. Về việc tôi không có bằng tốt nghiệp THPT vẫn được giữ chức Trưởng công an thì UBND xã cho đến nay chưa có ý kiến gì cả ”.

Theo tìm hiểu của PV ông Nguyễn Văn Mạnh từng giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã 1 khóa (1996-2000), đến đầu năm 2001 thì ông Mạnh được bầu làm phó chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng công an xã. Đến năm 2006 thì tách riêng phó chủ tịch UBND với Trưởng công an thì ông Mạnh chuyển sang làm Trưởng công an xã Lệ Chi cho đến nay.

Như vậy, từ năm 2001 đến nay, mặc dù là cán bộ chủ chốt của địa phương, giữ nhiều chức vụ quan trọng, ông Nguyễn Văn Mạnh lại không có trình độ học vấn theo quy định. Điều này trái với quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn. Cụ thể, tại Điều 2 của Thông tư quy định: tiêu chuẩn của công chức cấp xã đó là phải tốt nghiệp trung học phổ thông; tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm; có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên… Do đó, dư luận xã hội đều hoài nghi việc chính quyền xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) bổ nhiệm cán bộ chủ chốt có đúng quy trình hay không? Có tuân thủ đúng quy định của nhà nước hay có sự bao che của cấp trên?

Trưởng Công xã được bổ nhiệm dù không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định

Liệu có “sự khuất tất” trong việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Mạnh, từ khi giữ các chức vụ Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Chủ tịch UBND xã cho đến nay là Trưởng Công an xã Lệ Chi khi ông này chưa có bằng cấp 3? Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm vào cuộc làm rõ xử lý nghiêm những cán bộ cố ý làm sai trái để lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh vụ việc

Thông tư số 06/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn, tại Điều 2. Tiêu chuẩn cụ thể:

1. Công chức cấp xã phải có đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Nghị định số 112/2011/NĐ-CP) và các tiêu chuẩn cụ thể sau:

a) Độ tuổi: Đủ 1‌8 tuổ‌i trở lên;

b) Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

c) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm;

d) Trình độ tin học: Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên;

đ) Tiếng dân tộc thiểu số: Ở địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ thì phải biết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó; nếu khi tuyển dụng mà chưa biết tiếng dân tộc thiểu số thì sau khi tuyển dụng phải hoàn thành lớp học tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác được phân công;

e) Sau khi được tuyển dụng phải hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình đối với chức danh công chức cấp xã hiện đảm nhiệm.

2. Tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã thực hiện theo quy định của Pháp Luật chuyên ngành đối với các chức danh này; trường hợp Pháp Luật chuyên ngành không quy định thì thực hiện theo khoản 1 Điều này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật