Kinh tế Mỹ một năm dưới thời ông Donald Trump: Khi niềm tin trở lại

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vào ngày 8 và 9-11-2016, khi có dấu hiệu ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, các thị trường tài chính châu Á đã đồng loạt chuyển sang sắc đỏ. Người ta lo ngại tân Tổng thống Mỹ sẽ theo đuổi các chính sách bảo hộ “nước Mỹ trên hết”, tác động xấu tới đà tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ và của thế giới.
Kinh tế Mỹ một năm dưới thời ông Donald Trump: Khi niềm tin trở lại
Trong năm đầu cầm quyền của ông Donald Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trưởng rất mạnh, phản ánh đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nhưng chỉ trong vài hôm, tâm lý của nhà đầu tư đã thay đổi, nhiều người hy vọng, ông Trump sẽ thực hiện những cam kết giảm thuế doanh nghiệp, giảm sự can thiệp của nhà nước và đầu tư mạnh vào xây dựng hạ tầng - nghĩa là tăng trưởng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Một thuật ngữ mới ra đời, Trumponomics, để chỉ một xu hướng điều hành kinh tế sẽ diễn ra trên đất Mỹ cùng với nhiệm kỳ tổng thống của một doanh nhân biến thành chính trị gia. Một năm đã trôi qua, niềm hy vọng này tỏ ra có cơ sở.

Tăng trưởng nhiều mặt

Thị trường chứng khoán New York có lẽ là nơi thể hiện rõ nhất đà tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm qua. Mặc dù ông Trump nhiều lần phản đối chính quyền Obama đề cao các chỉ số chứng khoán - mà ông Trump gọi là bong bóng, nhưng dưới thời ông, con bò mộng của thị trường New York đã lớn lên rất ấn tượng: trong năm 2017, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 25%, từ 19.000 điểm lên 25.000 điểm; chỉ số S&P500 có tầm bao quát rộng hơn tăng 19%, từ 2.140 điểm lên 2.575 điểm; và ấn tượng nhất là chỉ số Nasdaq, phản ánh đà tăng trưởng các công ty công nghệ cao, tăng tới 28%.

Chứng khoán tăng mạnh tuy không làm gia tăng tài sản của toàn bộ dân chúng Mỹ nhưng các nhà đầu tư, kể cả những người trung lưu đầu tư gián tiếp qua các quỹ an sinh xã hội, quỹ hưu trí 401K, cũng có được những khoản lợi nhuận đáng kể.

Khi ông D. Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1 năm ngoái, kinh tế Mỹ đã ra khỏi cuộc đại suy thoái 2008 nhưng phát triển chưa vững chắc, tốc độ tăng tổng sản lượng quốc dân (GDP) của quí 1-2017 chỉ tương đương 1,8%/năm. Rồi như một phép lạ, GDP trong quí 2 và quí 3 lần lượt là 3,2% và 3,1%/năm, đưa mức tăng bình quân ba quí đầu năm lên 2,3%. Tuy tốc độ tăng trưởng GDP này chưa phải là cao nhất (trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, có lúc kinh tế Mỹ tăng tới 5,2%) nhưng rất đáng ghi nhận ở một nền kinh tế trưởng thành với quy mô khổng lồ như Mỹ. Thừa thắng xông lên, ông D. Trump cam kết đưa tốc độ tăng GDP lên 4% trong năm 2018 nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, sẽ khó đạt được một tốc độ cao như vậy trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều trở ngại.

Có tác động mạnh nhất tới mỗi gia đình Mỹ là tình trạng ấm lên của thị trường lao động, bắt đầu từ thời ông Obama và kéo dài đến hôm nay. Khi ông Trump nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức ấn tượng là 4,8% lực lượng lao động. Trong diễn văn nhậm chức, ông Trump cam kết tạo ra 1 triệu việc làm mới trong sáu tháng cầm quyền đầu tiên và thực tế ông đã có những nỗ lực ngăn cản các công ty Mỹ muốn dời nhà máy ra nước ngoài. Kết thúc năm 2017, kinh tế Mỹ tạo ra thêm được 2 triệu việc làm mới, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 4,1%, thấp nhất trong vòng 17 năm qua. Hiện Mỹ đã chuyển từ thừa sang thiếu lao động và đó là điều kiện thuận lợi để người lao động có thể mặc cả, đòi mức lương cao hơn.

Tăng trưởng kinh tế có một hiệu ứng phụ là thúc đẩy tiêu dùng và lạm phát. Số liệu của các nhà bán lẻ cho thấy người dân Mỹ đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là chi vào các mặt hàng nhiều tiền như xe cộ, nhà cửa: giá nhà ở bình quân đã tăng 2,96% trong năm qua, đưa mức giá nhà bình quân trên toàn nước Mỹ lên 375.700 đô la Mỹ/căn.

Công của ai?

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ là nền kinh tế thị trường trưởng thành, vận động theo nguyên tắc thị trường và ít phụ thuộc vào chính sách của nhà nước, cho nên sẽ là khiên cưỡng nếu cho rằng chính quyền Trump đã có công lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Một số người khác lại lập luận, mọi chính sách kinh tế đều cần có thời gian dài để phát huy tác dụng và thành tích của kinh tế Mỹ năm 2017 là kết quả những chính sách thời Obama, tiếp tục những xu thế lớn dưới thời chính phủ tiền nhiệm.

Báo The Economist cho rằng ông Trump gặp may, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2017 là hậu quả tự nhiên (natural result) của đà tăng trưởng toàn cầu đã thúc đẩy niềm tin tiêu dùng ở hầu hết các nước phát triển. The Economist ghi nhận “công” của ông Trump ở chỗ ông đã không phá hủy đà phục hồi kinh tế, đã gác lại những cam kết tranh cử của ông về thương mại quốc tế. Ngoại trừ việc ông đơn phương và hấp tấp rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày thứ ba làm tổng thống, ông đã không quyết định áp thuế trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico như đã hứa. Hồi tháng 4-2017, có vẻ như ông ta sắp rút ra khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (Nafta), gây biến động lớn cho nhiều doanh nghiệp, nhưng ông ta đã kịp dừng lại. Tương tự, ông Trump dọa hủy bỏ Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (Korus) nhưng lời đe dọa đó đã không được thực hiện, hai bên đã mở lại cuộc đàm phán về mặt hàng xe hơi nhập khẩu hôm 5-1 vừa qua.

Bài học giảm thuế và giảm quy định hành chính

Trên bình diện chính sách, trong năm cầm quyền đầu tiên ông Trump đã không tạo được nhiều dấu ấn sâu sắc: các đề xuất chính sách về nhập cư, chăm sóc y tế (Obamacare) đều không qua được các cửa ải ở quốc hội và tòa án. Nhưng việc thông qua bộ luật thuế sửa đổi do đảng Cộng hòa soạn thảo hồi cuối năm ngoái là điểm sáng có tác động mạnh nhất tới nền kinh tế. Vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng chung quanh bộ luật dài cả ngàn trang này - và không có một lá phiếu nào của đảng Dân chủ ủng hộ nó - nhưng rõ ràng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21% (ông Trump đề nghị mức 15%) đã thổi một luồng sinh khí mới, khuyến khích giới doanh nghiệp mở két sắt đưa thêm tiền của vào hoạt động kinh doanh sinh lợi, từ đó thúc đẩy việc làm và tăng trưởng. Cần lưu ý rằng sau khi Mỹ ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế, dưới thời ông Obama nhiều doanh nhân Mỹ có tâm lý tích cóp của cải hoặc để lợi nhuận ở nước ngoài để tránh thuế cao thay vì đầu tư vào sản xuất; xu thế này được kỳ vọng sẽ thay đổi khi thuế lợi tức được giảm và thuế chuyển lợi nhuận về nước cũng giảm mạnh theo luật thuế mới, nền kinh tế sẽ có thêm nhiều vốn liếng để phát triển, bù vào phần ngân sách bị hụt thu do giảm thuế vào khoảng 1.500 tỉ đô la trong vòng 10 năm tới.

Một thay đổi lớn thời ông Trump là bãi bỏ nhiều quy định hành chính, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp. Chính quyền Obama - cũng như các chính phủ thuộc đảng Dân chủ cánh tả - muốn nhà nước phải lớn và mạnh để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái... nên ban hành rất nhiều quy định mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Đảng Cộng hòa cầm quyền, ngược lại, muốn giảm thiểu vai trò của nhà nước và doanh nghiệp được tự chủ nhiều hơn. Ông D. Trump - thông qua hàng loạt sắc lệnh của tổng thống - đã bãi bỏ rất nhiều quy định thời Obama, cấm các cơ quan chính phủ ban hành quy định mới và đưa ra công thức: chỉ ban hành một quy định mới nếu quy định đó thay thế ít nhất hai quy định cũ. Thực tế trong năm qua, chính quyền Trump chỉ ban hành ba quy định mới sau khi bãi bỏ 67 quy định cũ trong các lĩnh vực môi trường, tài chính ngân hàng, viễn thông và khai khoáng; khoảng 1.600 quy định đã bị chính quyền liên bang đình hoãn, rút lại hoặc không thực thi. Đã có nhiều ý kiến phản đối việc bãi bỏ các quy định về bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng, nhưng đối với giới doanh nghiệp, sự thay đổi này kíc‌h thí‌ch tinh thần kinh doanh của họ, củng cố niềm tin rằng, chính quyền sẽ không ban hành quy định trói buộc hoạt động kinh doanh. “Một niềm lạc quan mới đang trỗi dậy trong giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và bắt đầu chuyển hóa thành dự án đầu tư vào các nhà máy mới, thiết bị mới, nâng cấp nhà xưởng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cuối cùng là tăng lương cho người lao động”, báo The New York Times nhận định. Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s Investor Services ghi nhận, tuân thủ quy định của nhà nước không còn là mối lo hàng đầu của doanh nghiệp mà thay vào đó là tình trạng thiếu lao động có tay nghề!

Giảm thuế và giảm gánh nặng về quy định pháp lý bước đầu đã gia tăng niềm tin của giới đầu tư nhưng chính quyền Trump vẫn có thể sẽ “thừa thắng xông lên” để thực hiện những cam kết còn lại trong cuộc tranh cử của ông Trump. Thâm hụt thương mại của Mỹ trong giao thương với thế giới - đặc biệt là với Trung Quốc và châu Á - vẫn rất lớn, vẫn là mối lo hàng đầu của chính quyền Trump. Nhiều biện pháp chấn chỉnh, cân bằng cán cân thương mại, đang được tính toán và khả năng trong thời gian tới Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa và dịch vụ nước ngoài. Đây sẽ là mối lo của các đối tác bên ngoài nước Mỹ.

Nếu tránh được chiến tranh thương mại thì triển vọng kinh tế Mỹ năm nay sẽ khá tươi sáng và sẽ có nhiều cơ hội cho các đối tác nước ngoài biết khai thác, tận dụng xu thế phát triển của kinh tế Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật