Thu hồi dự án kém hiệu quả trong KCN

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu DN thực sự không tâm huyết với đầu tư, gây lãng phí quỹ đất trong các KCN buộc chính quyền thành phố sẽ có những biện pháp “mạnh tay” hơn như thu hồi, chuyển giao cho những nhà đầu tư thực sự có tâm huyết, cũng như có tiềm lực hơn.
Thu hồi dự án kém hiệu quả trong KCN
Những dự án kém hiệu quả sẽ bị thu hồi hoặc chuyển đổi

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) bao gồm: KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và KCN dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng. Các KCN có tổng diện tích khoảng 1.066 ha với tổng số dự án 465, trong đó có 118 dự án FDI.

Đến nay, tổng vốn đăng ký vào các KCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng khoảng 1.815 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy hơn 84%... Riêng trong năm 2017, tổng vốn đầu tư vào các KCN trên địa bàn đạt gần 1.596 tỷ đồng, trong đó DN FDI đầu tư 28 triệu USD. Đặc biệt, một số dự án FDI có vốn đầu tư lớn, hoạt động hiệu quả, đang tiếp tục tăng vốn đầu tư.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chủ trương cho phép chuyển đổi KCN Đà Nẵng (An Đồn) nằm trên địa bàn quận Sơn Trà thành khu đô thị. Đồng thời, cho phép thành lập 3 KCN mới gồm: KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 (với quy mô diện tích 125,14 ha), KCN Hòa Nhơn (405,49 ha), KCN Hòa Ninh (400,02 ha).

Trên thực tế, từ nhiều năm nay trên địa bàn TP. Đà Nẵng các KCN không được mở rộng. Trong khi, nhu cầu thuê đất trong các KCN của các DN ngày càng tăng cao. Bởi vậy, việc thành lập các KCN mới sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.

Theo đại diện BQL các Khu công nghiệp & Chế xuất TP. Đà Nẵng, hiện đa số các dự án đầu tư tại các KCN trên địa bàn đều có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động hiệu quả và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, nhằm hỗ trợ cho các DN trong các KCN hoạt động có hiệu quả, BQL các Khu công nghiệp & Chế xuất đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa.

Trong đó, có việc xây dựng các trường mẫu giáo để phục vụ nhu cầu của con em công nhân trong các KCN trên địa bàn. Bên cạnh đó, hướng đến việc xây dựng các KCN xanh, thân thiện với môi trường, tại các KCN đều đã xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, những mặt đã đạt được mới đây tại hội nghị tổng kết hoạt động và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của các Khu công nghiệp & Chế xuất trên địa bàn, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, mặc dù việc thu hút đầu tư vào các KCN đạt được một số kết quả khả quan.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, nổi lên vấn đề là thực trạng quỹ đất KCN ở Đà Nẵng còn ít, nhỏ lẻ và manh mún. Nhưng, trong các KCN vẫn còn tồn tại những DN làm ăn kém hiệu quả, có hiện tượng “xí phần” trong các KCN...

Bởi vậy, trong thời gian tới cần rà soát các dự án đã đăng ký nhưng hoạt động không hiệu quả, lãng phí từ đó có biện pháp xử lý rốt ráo hơn. Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, chính quyền sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để DN chuyển đổi công nghệ theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu DN thực sự không tâm huyết với đầu tư, gây lãng phí quỹ đất trong các KCN buộc chính quyền thành phố sẽ có những biện pháp “mạnh tay” hơn như thu hồi, chuyển giao cho những nhà đầu tư thực sự có tâm huyết, cũng như có tiềm lực hơn.

Được biết, với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN BQL các Khu công nghiệp & Chế xuất TP. Đà Nẵng cũng đang tập trung công tác xúc tiến, bảo đảm chất lượng dự án đầu tư, khuyến khích DN chuyển đổi công nghệ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, TP. Đà Nẵng cũng đang lên kế hoạch chuyển đổi KCN Hòa Khánh thành KCN sinh thái. Theo nhiều người, với việc nằm giữa một vùng đô thị lớn trên địa bàn quận Liên Chiểu, thì việc chuyển đổi KCN Hòa Khánh thành KCN sinh thái là điều rất đáng làm, cũng như phù hợp với xu hướng công nghiệp xanh như hiện nay.

Tuy nhiên, thành phố nên có một lộ trình, bảo đảm đủ thời gian để các DN có sự chuyển đổi. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để các DN như cán, luyện thép chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh, thân thiện với môi trường hơn...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật