Đào phai khoác áo mới trên đất Quảng Bình

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ mỗi độ cuối đông, người dân huyện vùng cao Minh Hóa lại tất bật chăm sóc cho vườn đào phai của mình. Rồi Tết đến, Xuân sang, họ cắt đào đem ra chợ bán, hoặc chọn những cành vừa ý nhất để trang trí cho gia đình mình. Bởi theo quan niệm của người dân nơi đây, cây đào phai không những giúp tô đẹp thêm cho ngôi nhà ngày Tết cổ truyền mà còn có rất nhiều ý nghĩa tâm linh.
Đào phai khoác áo mới trên đất Quảng Bình
Ảnh minh họa

Là một người con Minh Hóa sống xa quê nên cứ mỗi dịp cuối năm, tôi lại trở về thăm gia đình, hương khói cho ông bà tổ tiên, rồi kiếm một cành đào vừa ý nhất đưa về thành phố đón Tết. Những ngày lập xuân, tiết trời vùng cao vẫn còn se lạnh, nắng vàng đã rải khắp cả núi rừng. Hai bên đường lên huyện Minh Hóa, tôi dễ dàng bắt gặp những vườn đào phai của người dân đang đua nhau khoe sắc, báo hiệu một mùa xuân mới đã về.

Cây đào phai ở Minh Hóa rất đẹp, phù hợp với thời tiết lạnh giá của núi rừng. Hoa đào đều là hoa đơn, mỗi bông có 5 đến 7 cánh, màu trắng hồng chứa đựng một vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng mà khó có loại hoa nào sánh được. Chính vẻ đẹp đó như đang khoác lên huyện vùng cao này một tấm áo hoa mới sặc sỡ, làm cho lòng người rạo rực hơn trước mùa xuân.

 

 Người dân huyện Minh Hóa đang chăm sóc lại vườn đào phai chuẩn bị cho dịp Tết.

Theo các cụ cao niên kể lại, đào phai ở Minh Hóa có xuất xứ từ rừng hàng nghìn năm về trước. Khi người dân lên rừng vào mùa xuân, thấy hoa đào đẹp nên mang giống về nhà trồng. Khi hạ sang, đào cho quả chín mộng, ăn có vị ngọt ngọt, chua chua nên ngày càng có nhiều người đem về trồng.

Cũng có ý kiến cho rằng, xưa kia, ở một khu rừng nọ có một cây hoa đào mọc đã lâu năm. Cành lá đào to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng lớn. Trên cây đào phai có 2 vị thần thường diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy. Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, 2 vị thần này phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu ma được dịp hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi chặt một cành hoa đào về cắm vào lọ rồi đặt trong nhà. Nếu ai không hái được cành đào thì lấy giấy hồng nhạt vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, người dân ở huyện Minh Hóa đều hái một cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Và tục lệ cắm hoa đào trong ngày Tết của người dân nơi đây vẫn được giữ mãi cho đến tận bây giờ.

Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản Minh Hóa cho biết: “Đào phai ở Minh Hóa đã được người dân đem về trồng và cắm trong nhà ngày Tết có từ thời xa xưa. Vì vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi người dân đều kiếm cho mình cành đào đẹp nhất cắm trong nhà để trang trí, xua đuổi tà ma, thắp lên những hy vọng tốt đẹp nhất trong năm mới”.

Ở huyện vùng cao này, người dân thường trồng đào phai dọc đường vào nhà hoặc phía sau hồi. Bởi hoa đào trồng theo hướng này, đến dịp Tết, đào sẽ nở hoa, tô điểm thêm vẻ đẹp, sự sang trọng của ngôi nhà. Rồi sau Tết, những cánh đào phai rụng xuống biến những khoảng sân, con đường vào nhà thành những bãi đất màu hồng trắng đẹp đến kỳ lạ. Xuân sang, đào sẽ đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái, tỏa bóng xuống sân làm ngôi nhà thêm mái mẻ.

Muốn đào phai phát triển tốt, cho hoa nhiều, người trồng đào đã chọn những chỗ đất đỏ, cằn cỗi. Bởi cây đào cũng như chính người dân nơi đây, cả hai cùng sinh ra từ những gian khổ nhưng vẫn nỗ lực vươn lên, mang lại mùa xuân cho trời đất, cho con người niềm tin mới vào tương lại.

Anh Đinh Xuân Tăng, một người dân ở xã Xuân Hóa cho biết: “Nhà tôi trồng hơn chục cây đào phai trước sân và dọc lối vào nhà. Rồi Tết đến, tôi chọn những cành đẹp nhất tỉa bán cũng được vài triệu đồng. Những cành nhỏ, xấu hơn để lại trên cây cho đào nở hoa, tô đẹp thêm mảnh vườn ngày Tết. Thấy hoa đào trong vườn nhà tôi đẹp nên ngày Tết có rất nhiều người đến chơi, ngắm hoa đào rồi trần trồ khen ngơi nên mình cũng thấy vui lòng, yêu quý và trân trọng vườn đào hơn”.

Những người dân Minh Hóa sành chơi đào ngày Tết, họ thường chọn cây hoặc cành đào có 5 hoặc 6 nhánh. Ông Đinh Minh Thử, một người dân huyện Minh Hóa đang sinh sống và làm việc tại thành phố Đồng Hới tâm sự: “Cứ mỗi dịp Tết là tôi lên quê để hương khói cho tổ tiên rồi kiếm một cành đào 6 nhánh đẹp nhất về cắm trong nhà. Bởi cành đào 6 nhánh tượng trưng cho lộc. Từ cây đào này, tôi mong gia đình, con cháu quanh năm may mắn, phát lộc, phát tài, thành đạt. Vẻ đẹp của hoa đào còn mang lại sự ấm cúng cho gia đình, gieo vào lòng người sự bình yên cũng như niềm vui, niềm hy vọng vào năm mới tốt đẹp”. Theo ông Thử, cành đào phai 6 nhánh luôn mang lại cho ông bà sức khỏe, con cháu học hành tiến bộ, làm việc thuận lợi, thăng quan tiến chức.

Còn đối với những người trẻ tuổi như anh Đinh Tiến Hùng, ở xã Thượng Hóa thì chọn cho mình cành đào 5 nhánh. Anh Hùng : “Theo tôi, đào phai có 5 nhánh tượng trưng cho trực sinh (1 sinh, 2 lão, 3 bệnh, 4 tử và 5 sẽ quay lại sinh). Tôi muốn gia đình mình chăn nuôi, trồng trọt luôn được sinh sôi nảy nở, phát triển bền lâu trường tồn, gia đình có một năm an khang thịnh vượng, làm ăn thuận lợi, cuộc sống gia đình hạnh phúc, vui vẻ, con cái hay ăn chóng lớn”.

Nhiều người còn cho rằng, màu hồng nhạt của đào phai Minh Hóa còn tượng trưng cho người con gái thôn quê dịu dàng, e lệ, kiều diễm mà thủy chung son sắt. Từ vẻ đẹp giản dị cũng như giá trị tâm linh đó, đào phai Minh Hóa đã khiến người dân khắp nơi phải say đắm. Vì thế, nhiều người ở thành phố Đồng Hới hay các địa phương khác trong, ngoài tỉnh đã chọn giống đào phai ở Minh Hóa về trồng trong vườn, hoặc tự kiếm cho mình một cành đào để chơi ngày Tết.

Anh Lê Văn Long, một người dân ở thành phố Đồng Hới đang công tác lâu năm ở huyện Minh Hóa nói: “Sống ở Minh Hóa lâu năm nên tôi hiểu được vẻ đẹp cũng như giá trị tâm linh của cây đào phai. Vì vậy, cứ mỗi dịp Tết đến, tôi thường mang về vài nhánh đào để cắm trong nhà hoặc làm quà biếu”.

Có nhiều người dân miền xuôi mê đào phai nên đã lên tận Minh Hóa lấy giống về trồng. Cũng vì thế mà đào phai đã có mặt khắp nơi trong tỉnh. Rồi cứ đến dịp Tết, trời đất, vạn vật đang hát khúc ca giao mùa cũng là lúc nhiều người dân thành phố chọn cho mình một cành đào phai đẹp nhất cắm trong nhà. Và Tết này, một người con Minh Hóa xa quê như tôi lại hồi hương để hương khói cho tổ tiên, chọn một cành đào đẹp nhất về cắm trong nhà để nhớ về cội nguồn, để thắp lên những hy vọng tốt đẹp nhất trong năm mới.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật