NSƯT Anh Tú: Chúng tôi biết chịu khó

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh đi nhiều, đọc nhiều, xem nhiều, ngẫm nghĩ về thế cuộc nhiều... Chính vì thế, anh càng sống tĩnh và lặng, gửi gắm những suy tư, trăn trở vào những vở kịch dưới tư cách là đạo diễn.
NSƯT Anh Tú: Chúng tôi biết chịu khó
Nghệ sĩ ưu tú: Anh Tú

Thật khó để có thể vẽ được chân dung NSƯT Anh Tú một cách đúng và gần gũi với con người anh nhất. Nụ cười hiền lành, phong thái thân thiện, lịch thiệp, dường như ở anh không có biểu hiện nào của những tính cách «người của công chúng». Anh đi nhiều, đọc nhiều, xem nhiều, ngẫm nghĩ về thế cuộc nhiều...  Chính vì thế, anh càng sống tĩnh và lặng, gửi gắm những suy tư, trăn trở vào những vở kịch dưới tư cách là đạo diễn.

Điều gì khiến anh quyết định chọn kịch bản Cô gái đội mũ nồi xám để dựng lại, chắc chắn không chỉ có duy nhất ý nghĩa trong việc dựng vở để tưởng niệm 22 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ?

Tôi đã đọc kịch bản kỹ càng và tôi rất thích chất liệu, những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Tôi cảm giác vở kịch chính là sự gửi gắm những ước mơ, khát vọng, những hoài bão của chính Lưu Quang Vũ, được vượt lên cuộc sống tầm thường và tẻ nhạt. Tôi đồng cảm với những gì anh trăn trở, câu chuyện đó không bao giờ xưa cũ trong thế giới con người. Lý do thứ hai, tôi kiên quyết đề nghị với Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) phải làm, bởi vì ngoài hài kịch và những vở kịch kinh điển, NHTT cũng cần có những vở chính kịch để phục vụ công chúng.

Cách đây 20 năm, NSND Nguyễn Đình Nghi đã từng dựng vở kịch này, anh có chịu áp lực gì khi bắt tay vào thực hiện?

Áp lực của tôi không phải là vì cái bóng của ai cả, mà áp lực duy nhất khiến tôi trăn trở đó là phải làm sao cho hay, cho hấp dẫn, nói được những vấn đề gì của ngày hôm nay, hơi thở cuộc sống hôm nay, hơi thở thời đại của chúng ta bây giờ. Tôi đã trực tiếp xem vở Cô gái đội mũ nồi xám do NSND Nguyễn Đình Nghi dựng, bản thân tôi không thích cách dựng của ông trong vở này, ông là người giỏi nhưng không phải dựng vở nào cũng hay, vở đó cũ kỹ về cách dựng, và hơi khô khan trong khi đó chất lãng mạn của vở kịch rất nhiều. Khi dựng lại, tôi cắt hai cảnh, vở kịch hay nhưng khá rườm rà và trùng điệp ý, bởi vậy có những cảnh phải cắt để không bị lê thê.

Có ý kiến cho rằng, xuất hiện những câu thoại gây cười nếu không khéo sẽ làm mờ đi yếu tố chính kịch, trong Đám cưới không chú rể, Cô gái đội mũ nồi xám… đều có những cảnh khiến khán giả cười ồ…
Phải như vậy mới là cuộc sống, có vui có buồn, cũng chỉ là cách « tả mây nẩy trăng » thôi, tôi nghĩ điều gì biết dung hòa, điều tiết hợp lý là được, cái gì cũng đừng quá đi.

Những vở kịch do anh dựng, chủ yếu được thể hiện bởi dàn diễn viên trẻ, anh dường như rất ưu ái các bạn trẻ?

Một trong những công việc của người đạo diễn là gây dựng nên những tên tuổi, tạo cho các em kinh nghiệm, chỗ đứng càng ngày càng vững chãi. Đó là điều tôi nên làm chứ không phải ưu ái gì. Giống như ngày xưa tôi cũng đã từng được nhiều thế hệ đạo diễn gạo cội tạo cho tôi những cơ hội để được diễn.

Thế hệ anh, NSND Lê Khanh đang lùi dần qua bên kia «chiến tuyến» nhưng dường như đi tiếp sau thì chưa có gương mặt sáng nào để khán giả, báo chí có thể… yên tâm?

Đúng là sân khấu chúng ta đang bị hiếm dần đi những tài năng trẻ. Nhưng xin đừng trách lỗi ở các em, chúng ta hiện nay có quá nhiều cám dỗ: Cám dỗ với khán giả là những kênh truyền hình phong phú, những bộ phim bom tấn và muôn vàn hình thức giải trí khác. Còn các em diễn viên trẻ, các em có nhiều sự lựa chọn như phim truyền hình, quảng cáo… Những hình thức đó vừa mang lại danh tiếng vừa mang đến cho các em nguồn thu nhập lớn rất nhiều so với công việc sân khấu vừa cực vừa… vét đĩa – nghèo và bấp bênh. Thế nhưng cũng đừng bi kịch trầm trọng hóa vấn đề, tôi luôn tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp, có quy luật chung rồi: Sau khi người ta no đủ với kinh tế chắc chắn sẽ quay trở lại với nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thẳng nói thật rằng không chỉ ở khách quan, mà từ phía chủ quan, rất nhiều người làm sân khấu hiện nay quá dễ dãi, ăn sẵn, theo lối đường mòn – điều này chính là tự anh đẩy khán giả ra xa, tự anh làm khán giả xa lánh anh, khán giả không thích đến rạp so với những năm tháng huy hoàng ngày xưa. Về mặt kiểm duyệt, chúng ta cũng còn tồn tại nhiều bất cập, bảo thủ, không chịu nhìn nhận cái mới.

Anh có cơ hội lưu diễn, tham quan, giao lưu với nhiều đoàn kịch, với những nền sân khấu lớn trên thế giới, anh có học hỏi và áp dụng được điều gì cho sân khấu nước nhà?

Tôi ngưỡng mộ và ao ước, tôi trầm trồ và tôi thán phục! Còn chuyện áp dụng thì bất khả thi. Công nghệ sân khấu của chúng ta quá kém, muốn học cũng không học được. Ở sân khấu nước bạn, từ ánh sáng, âm thanh, hình ảnh, đến chỗ ngồi đều quá hiện đại, đâu có chuyện diễn viên vẫn phải cắm micro sột soạt như nước mình. (Cười)

Anh tham khảo kịch bản từ những nguồn nào?

Ngoài những tác phẩm kinh điển thế giới, những tác phẩm của các kịch gia trong nước, những vở kịch đã được dựng nhưng tôi làm lại phiên bản mới, tôi còn có thêm nguồn kịch bản từ các bạn gửi về. Thi thoảng tôi «hóng hớt» nghe bạn bè mách ở đâu có gì hay thì tìm đọc cho bằng được. Tôi đang mơ ước dựng lại Vũ Như Tô, Nữ hoàng Cleopatra, Bến bờ xa lắc…  Nói chung mong muốn thì vô cùng, nhưng để hiện thực hóa thì sẽ còn nhiều điều để nói.

Là diễn viên, anh đã có những vai diễn ấn tượng trong những tác phẩm kinh điển như Vũ Như Tô, Mácbét. Là đạo diễn, anh đang nhận được những khen ngợi. Có vẻ như sự nghiệp của anh… tròn trịa, viên mãn quá ?

Tôi nhớ có lần đi diễn ở tỉnh, các anh ở đó rất ngạc nhiên khi thấy tôi đi nhờ ô tô của người khác, họ cứ thắc mắc: Sao anh chưa có ô tô? Tôi trả lời rằng làm sân khấu sao mà giàu được? Nhưng với tôi, tôi quan điểm đơn giản thế này: Vật chất, tiền bạc chỉ là phương tiện, tôi sử dụng chứ tôi không bị lệ thuộc. Hiện tại, tôi tạm bằng lòng với cuộc sống, với những gì tôi đang có bởi vì chẳng biết thế nào cho đủ. Tôi mong ước sức khỏe cho gia đình, cho bản thân, mong ước cho gia đình yên ổn hạnh phúc để tôi có thể nhàn tâm mà làm việc. Với sân khấu, được làm những điều mình thích, được đắm mình với không gian, ánh sáng, âm thanh sân khấu đã là niềm hạnh phúc lớn lao.

Anh cũng thoải mái hơn khi NHTT có tiếng là nhà hát sáng đèn thường xuyên nhất trên sân khấu Thủ đô hiện nay?

Hiện đang là thời kỳ khó khăn của sân khấu nói chung, đời sống anh chị em nghệ sĩ còn nhiều vất vả, chúng tôi cũng vậy, nhưng nhìn lên thì phải nhìn xuống. Chúng tôi biết chịu khó và linh hoạt, đó là điều tôi thực lòng ghi nhận. Chứ còn giữa thời buổi «gạo châu củi quế» này nếu lười nhác và ỷ lại nữa thì chỉ có nước chết đói mà thôi.

Anh làm nghề phục vụ nhu cầu nghệ thuật – giải trí của khán giả, vậy còn anh, anh tự thưởng cho mình những hình thức giải trí nào?

Khi mọi người được nghỉ ngơi lại chính là lúc chúng tôi làm việc, công việc bộn bề, căng thẳng nên nếu như không biết tự điều chỉnh thời gian và cách làm việc hợp lý sẽ rất dễ căng thẳng. Chính vì vậy, tôi phải tìm cách tự giải trí cho mình, thói quen đọc sách chẳng hạn. Ngày nào dù mệt đến mấy tôi cũng phải đọc ít nhất vài trang sách trước khi ngủ. Rảnh hơn thì cùng gia đình đi xem phim, đi ăn, hoặc cùng anh chị em trong đoàn đi ăn uống trò chuyện rôm rả… Cũng chỉ đơn giản thế thôi. (Cười)

Xin cảm ơn anh !

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật