Hồi hộp đợi chương trình môn học

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trong tháng 1 này, Dự thảo chương trình môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được công bố để xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Những ngày gần đây, một số nội dung đã được hé lộ liên quan đến các môn học cụ thể.
Hồi hộp đợi chương trình môn học
Trong tháng 1-2018, sẽ có Dự thảo chương trình các môn học phổ thông cụ thể. ẢNH: P.T

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu hoàn thiện Dự thảo các chương trình môn học, tiếp tục tổ chức góp ý thực nghiệm, thẩm định chương trình mới bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tinh giản và khả thi. Các công việc này phải hoàn thành trước ngày 30-4-2018.

Vụ Giáo dục trung học và Vụ Giáo dục tiểu học chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tuần tự trong từng cấp học: Từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp của tiểu học, từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của THCS và từ năm học 2021-2022 với lớp đầu cấp THPT.

Ban Quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học (do Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức) đáp ứng lộ trình triển khai thực hiện chương trình, SGK mới, ban hành kế hoạch trước ngày 31-1-2018.

Trả lời PV về một số những nội dung liên quan đến chương trình môn Ngữ văn, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - cho biết: Sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học.

Môn Ngữ văn trong chương trình mới sẽ chỉ gồm 6 tác phẩm văn học bắt buộc. Cụ thể là: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Từ đó, các nhóm tác giả viết SGK có thể chủ động lựa chọn các tác phẩm khác nhau đưa vào sách, nhưng đều hướng đến việc thông qua các ngữ liệu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Còn nội dung chủ yếu của môn Giáo dục công dân là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, Pháp Luật và kinh tế. Trong mỗi năm học, những học sinh có định hướng theo học các ngành nghề giáo dục chính trị, giáo dục công dân, kinh tế, hành chính và Pháp Luật; hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học, được chọn học một số chuyên đề nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, Pháp Luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của mình.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, : Chương trình môn Toán mới được ban soạn thảo xây dựng trên phương châm 10 chữ: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Nội dung phải tinh giản, phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học. Đây là nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, phản ánh nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học.

Chương trình môn Toán chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế và các môn học khác, gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính...

Cũng theo của GS Nguyễn Minh Thuyết, hoạt động trải nghiệm thực tế được điều chỉnh linh hoạt hơn với 4 nội dung: Hoạt động phát triển cá nhân; hoạt động lao động; hoạt động xã hội, thiện nguyện; hoạt động hướng nghiệp. Thời gian dành cho hoạt động trải nghiệm ngoài các tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sẽ có các tiết học theo chuyên đề, hoạt động ngoài giờ lên lớp (8 tiết/tháng). Các môn Lịch sử, Địa lý hứa hẹn sẽ không còn kiểu tư duy học thuộc, thay vào đó là sự thay đổi mạnh mẽ vào việc chú trọng các bài học, ý nghĩa lịch sử.

Trước thời điểm Ban soạn thảo công bố Dự thảo chương trình môn học, rất nhiều ý kiến chờ đợi và bày tỏ sự quan tâm đối với chương trình môn học mới, nhất là ở những nội dung tích hợp và hoạt động trải nghiệm. Để hoàn toàn thay đổi về phương pháp tiếp cận trong chương trình giáo dục, giúp học sinh Việt Nam bớt nặng nề lý thuyết, thiếu kỹ năng, thay đổi từ chương trình môn học là rất quan trọng. Cũng có không ít ý kiến băn khoăn về việc hiệu quả của chương trình có như mong muốn. Việc công bố Dự thảo chương trình cũng là tiền đề cho quá trình tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật