Thị trường bất động sản: vẫn lạc quan vào tương lai gần

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dự báo ngắn nhất là trong năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động khi tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định và GDP tăng trưởng, giúp mở ra cơ hội đầu tư đối với nhiều phân khúc khác nhau của thị trường.
Thị trường bất động sản: vẫn lạc quan vào tương lai gần
Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được tới hơn 52,3 tỉ đô la Mỹ vào bất động sản.

Sẽ tiếp tục đến

Theo giới phân tích, kết quả thu hút được hơn 2 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản trong 10 tháng đầu năm nay, lớn hơn kết quả của cả năm 2016, với 1,7 tỉ đô la Mỹ, là một thành công đáng kể của Việt Nam. Tại Hội nghị bàn về bất động sản 2017 diễn ra tại TP.HCM vào ngày 21-11 rồi, Tiến sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam, cho rằng số vốn đầu tư nước ngoài cam kết như trên có thể so sánh với gói 30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội đã được giải ngân hết. Do đó, chỉ trong một năm có hơn 2 tỉ đô la Mỹ vốn cam kết vào lĩnh vực bất động sản này là rất lớn và sẽ là cú hích cho nền kinh tế nói chung.

Nối tiếp thành công trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực bất động sản năm 2017, các chuyên gia, giới phân tích, và các công ty tư vấn dự báo rằng trong năm 2018 tới lĩnh vực này của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.

Trao đổi với báo chí trong chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây, ông Anshuman Magazine, Chủ tịch Công ty CBRE Đông Nam Á, cho biết ngày càng có nhiều nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là nguồn đầu tư đến từ những nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Anshuman Magazine dự báo, thị trường Việt Nam nhìn chung, thị trường bất động sản nói riêng, sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư ra nước ngoài từ các quốc gia thuộc khối APEC trong những năm tới đây. Ông cho rằng, đối với những quốc gia phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, khả năng sinh lợi từ phát triển dự án sẽ không được hấp dẫn như tại các thị trường mới nổi. Nhà đầu tư từ những thị trường này sẽ muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, vì nhờ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thuộc hàng cao nhất khu vực trong nhiều năm gần đây, với những yếu tố kinh tế vĩ mô đã được cải thiện. Ngoài ra, thị trường nội địa Việt Nam với quy mô dân số hơn 93 triệu người, dân số trẻ và năng động, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh, sẽ là động lực lớn cho nhu cầu không chỉ đối với thị trường nhà ở, mà cả thị trường bán lẻ, văn phòng,…

Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cũng cho rằng ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tỏ ra hứng thú với thị trường Việt Nam, mà bắt đầu có những động thái để nhập cuộc. Đáng chú ý, với chính sách mở cửa kêu gọi nhà đầu tư ngoại của Chính phủ đã tạo ra sức hút dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản.

Trong khi đó, theo Công ty JLL Việt Nam, Việt Nam là một thị trường đang phát triển và thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo công ty tư vấn bất động sản này, những năm gần đây Việt Nam được xem là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở Châu Á. Và thị trường bất động sản Việt Nam đang đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp này kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian sắp tới bởi thị trường đang chứng kiến nhiều sự hợp tác và liên doanh giữa công ty địa phương và các nhà đầu tư nước ngoài, và hy vọng sẽ đón nhận nhiều tin vui sắp tới.

Đánh giá tổng thể thị trường, các công ty tư vấn bất động sản cho rằng, các phân khúc bất động sản vẫn đang trên đà phát triển như mong đợi. Phân khúc khách sạn luôn thu hút được sự quan tâm trong thời gian qua với nhiều nguồn vốn từ nước ngoài được đổ vào Việt Nam. JLL Việt Nam dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng đang không ngừng tăng trưởng.

Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập và thành lập văn phòng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Thay vì phải di chuyển liên tục, các nhà đầu tư hiện nay đã phát triển đội ngũ nhân viên của công ty ngay tại Việt Nam với sự kết hợp giữa các chuyên gia, quản lý trong và ngoài nước cho từng dự án. Nhìn chung, JLL đánh giá vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực.Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã thu hút được tới hơn 52,3 tỉ đô la Mỹ vào bất động sản, nhiều thứ 2, chỉ sau lĩnh vực chế biến, chế tạo, chiếm 16,7% tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam.

Tình hình cho thấy thị trường đã thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc hạ tầng ở nhiều đô thị lớn với nhiều tòa nhà cao tầng, khang trang, hiện đại….

Các chuyên gia kinh tế cũng có nhận định thị trường bất động sản của Việt Nam năm 2018 còn nhiều cơ hội phát triển nhờ nhiều “lực đẩy”. Đó là tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 vượt mong đợi đang củng cố niềm tin của người dân vào khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho năm 2018. Điều đáng chú ý, theo các chuyên gia, tăng trưởng này của Việt Nam trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Điều này chắc chắn Việt Nam sẽ tăng sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành nông nghiệp và du lịch có sức bật tốt,… đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan. Và tăng trưởng này gắn với tốc độ đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều dẫn đến những sản phẩm tiêu dùng phù hợp với đối tượng này như nhà đất, căn hộ sẽ còn nhiều cơ hội phát triển.

Năm 2018, Chính phủ đã trình Quốc hội kế hoạch tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-6,7% và theo các chuyên gia kinh tế, kế hoạch này là khả thi nếu không có những diễn biến bất thường.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đáng chú ý nhất là cộng đồng thế giới đánh giá khá cao về việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với hơn 4.000 lượt doanh nghiệp tham gia các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 thể hiện tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, sáng tạo của APEC, giới phân tích cho rằng sự kiện này mở ra triển vọng mới về sự tăng trưởng đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

Bởi lẽ APEC 2006 cũng từng được đánh giá đã mang lại “cơ hội vàng” cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Hơn nữa, câu chuyện không chỉ dừng ở những con số tỉ đô la Mỹ của riêng năm 2006 - năm Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2006, mà còn là những năm sau đó. Hơn 10 năm qua, đã có bước “nhảy vọt” cả về lượng và chất của dòng vốn FDI từ APEC. Cơ hội này được giới phân tích nhận định sẽ diễn ra trong những năm tới cho Việt Nam.

Cũng tại hội nghị APEC 2017, giới phân tích cho rằng với việc bộ trưởng các nước thành viên đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho TPP, Việt Nam đã hoàn thành được nhiệm vụ đầy khó khăn này.

Liên quan đến TPP “mới”, theo nhận định của chuyên gia đến từ tập đoàn tư vấn bất động sản Savills, thì tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam với nhiều tín hiệu tích cực khi TPP “mới” đạt được thỏa thuận. Theo nhận định của Savills, thị trường bất động sản trong nước vẫn phát triển tốt dù và càng tốt hơn khi CPTPP đạt được thỏa thuận, khi không có Mỹ. Savills cho rằng mối quan tâm tới từ các quốc gia là thành viên TPP “mới”, và cả không phải là thành viên TPP còn rất mạnh, cộng thêm sự chú ý tăng dần từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, những thảo luận liên quan đến Hiệp định đối tác toàn diện khu vực - RCEP, bao gồm Trung Quốc, cũng như cương vị thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) theo Savills cũng kíc‌h thí‌ch sự đầu tư liên tục.

Việt Nam cũng chứng kiến hoạt động thương mại với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc thường đồng hành cùng FDI, chú trọng rót đầu tư vào những lát cắt quan trọng của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng và bất động sản.

Đáng chú ý, theo Savills, những nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có sự quan tâm lớn đối với thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại, hỗ trợ bởi tăng trưởng GDP cao, hệ thống tài chinh tiền tệ tương đối ổn định, dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng như sự phát triển mau chóng của thị trường tiêu dùng nội địa, nhờ vào sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu đang nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia nào. Vốn đầu tư rót vào Việt Nam cũng đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực bất động sản từ công nghiệp, văn phòng, nhà ở thương mại đến bán lẻ. Thêm vào đó, sự tăng trưởng nhanh ở lượng khách du lịch, cả nước ngoài lẫn nội địa, cũng tạo ra “cú hích” lớn trong phân khúc khách sạn.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), với dân số hơn 93 triệu người đang trong giai đoạn dân số vàng, trong đó có gần 60% có độ tuổi dưới 35, có đến khoảng 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 53% dân số, con số này cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới là 46,64%, mở ra khả năng kinh doanh bất động sản qua mạng, tận dụng lợi thế công nghệ thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số. “Đặc biệt, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh. Riêng TP.HCM, dự kiến thu nhập GDP bình quân đầu người sẽ đạt 5.000 đô la Mỹ vào năm 2020 sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu tạo lập nhà ở, và phát triển thị trường bất động sản”, ông Châu nhận định.

Theo Chủ tịch HoREA, từ nay đến 2020, Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy phạm Pháp Luật mới và có thể sẽ sử dụng các công cụ về thuế, công cụ về tín dụng (như lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước), công cụ về quy hoạch sử dụng đất..., để điều chỉnh thị trường bất động sản nhằm mục tiêu phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững. Dự báo bộ máy hành chính sẽ được tinh gọn và hiệu quả hơn; thủ tục hành chính sẽ thông thoáng, đơn giản hơn, giảm thiểu dần tình trạng nhũng nhiễu hiện nay.

Về câu hỏi có hay không hiện tượng “bong bóng” bất động sản của năm 2018, ông Châu cho rằng khó có thể xảy ra, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước.

Tuy nhiên, Savills nhận thấy vẫn còn không ít thách thức phía trước cho nhà đầu tư ngoại, để xác định chất lượng đầu tư bất động sản với quyền sở hữu rõ ràng. Những giao dịch liên quan đến tài sản doanh nghiệp vẫn sẽ khan hiếm, và phần lớn lượng giao dịch chủ yếu xoay quanh những dự án phát triển ổn định. Bởi điều mà nhiều nhà phát triển nước ngoài hướng tới chính là sự đảm bảo hợp tác dài hạn cùng các đối tác trong nước.

Do đó, theo giới phân tích và các công ty tư vấn, đầu tư vào bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chú ý đến hoạt động giao dịch M&A nhiều hơn là đầu tư trực tiếp, tìm kiếm mặt bằng từ giai đoạn ban đầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật