Chàng cử nhân 9X lãi nửa tỷ đồng mỗi năm từ trồng dâu tây

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ trồng thử nghiệm 1.000 m2 ban đầu, đến nay chàng trai quê Sơn La đã sở hữu 4 ha dây tây và thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm.
Chàng cử nhân 9X lãi nửa tỷ đồng mỗi năm từ trồng dâu tây
Theo Vũ Văn Lực, làm giàn trồng dâu tây ở độ cao thích hợp sẽ hạn chế được sâu bệnh tấn công vườn dâu.

Sinh ra và lớn lên tại bản Áng, xã Đông Sang (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), ngay từ nhỏ, Vũ Văn Lực đã ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành kỹ sư nông nghiệp. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2009, theo lời khuyên của bố mẹ, Lực lại đăng kí thi và đỗ trường Đại học kinh tế Quốc dân.

Trong thời gian học đại học, một lần tình cờ, Lực đọc được trên mạng nói về mô hình trồng dâu tây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Niềm đam mê với nông nghiệp trong Lực bỗng chốc trỗi dậy. Cậu vừa học, vừa mày mò trồng thử rồi thực sự thích thú lúc nào chẳng hay với giống cây trồng mới này.

"Khi đó, tôi mua giống dâu tây về trồng thử trên 10m2. Mỗi ngày, ngoài giờ lên lớp, ôn bài ở nhà, tôi lại dành thời gian chăm chút vườn dâu tây nhỏ bé của mình. Nhìn vườn dâu tây phát triển tốt, tôi rất phấn khởi và dự tính sau này về quê sẽ nhân rộng ra", Lực nhớ lại.

Năm 2013, tốt nghiệp Đại học kinh tế Quốc dân với tấm bằng loại khá, thay vì nộp đơn xin việc vào cơ quan Nhà nước hay các công ty, doanh nghiệp ở thành phố như các bạn, chàng cử nhân 9X Vũ Văn Lực lại quyết đeo đuổi ước mơ làm giàu từ trồng dâu tây.

Với suy nghĩ đã làm là phải chắc ăn, Lực lặn lội vào tận Đà Lạt học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật từ các nhà vườn trồng dâu tây với quy mô lớn ở thành phố này. Cậu không ngần ngại xin làm thuê cho một nhà vườn trồng dâu tây lớn ở Đà Lạt. Sau 2 năm làm thuê, Lực đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và quyết định quay về quê hương là cao nguyên Mộc Châu để lập nghiệp.

Lực cho biết, khi quyết định trồng dâu tây ở quê nhà, bố mẹ tuy không kịch liệt phản đối nhưng cũng tỏ thái độ không vui vẻ mấy. Bà con lối xóm cũng bàn ra, tán vào không ít, bởi từ xưa tới nay, chưa có ai đưa cái "cây lạ" về trồng ở Mộc Châu. Nhưng Lực bỏ ngoài tai, quyết tâm thực hiện ước mơ của mình.

Nói là làm, với số tiền tích cóp được trong thời gian làm thuê, Lực vay mượn thêm anh em, bạn bè thân thiết rồi đầu tư thuê đất, mua giống về trồng thử 1.000 m2 dâu tây.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, trồng và chăm sóc, vườn dâu tây của Lực phát triển xanh tốt. Sau 3 tháng đã cho thu những trái ngọt. Từ 1.000 m2 dâu tây, vụ đầu tiên Lực đã thu lãi gần 30 triệu đồng. Thắng lợi này đã giúp cậu tự tin hơn và mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng. Đến nay, Lực đã có cả vườn dâu tây rộng 4ha trên cao nguyên Mộc Châu.

Theo Lực, dâu tây thuộc loài cây ôn đới, rất phù hợp với vùng cao nguyên Mộc Châu quanh năm mát mẻ. “Dâu tây dễ trồng, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, trồng sắn. Trồng dâu tây không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật nhưng phải là người chịu khó, chuyên cần thì mới có thu nhập cao", Lực tiết lộ.

Cũng theo cử nhân 9x này, khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển của dâu tây, đó là chọn giống. Cây giống phải khỏe mạnh mới có khả năng kháng bệnh cao. Khi làm đất phải đảm bảo độ tơi xốp, đất đã làm sạch, bón phân đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển của cây...

Để giảm sức lao động, Lực đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Tùy theo thời tiết mà Lực điều chỉnh lượng nước cũng như lần tưới phù hợp. Nếu trời nắng, tưới từ 2 - 3 lần mỗi ngày.

Trồng dâu tây theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên vườn dâu của Lực thu đến đâu bán hết đến đó. Với đặc điểm quả đỏ, mọng, thơm ngon, giống dâu tây Fragaria và Chipi do Lực trồng, được nhiều khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao.

Năm 2017, Lực thu hơn một tỷ đồng từ 4ha dâu tây. Trừ chi phí các khoản như giống, phân bón và công chăm sóc, thu hái.., anh lãi nửa tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Lực còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng mỗi người một tháng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật