Ngành Tài chính: Phát hiện nhiều vi phạm qua thanh tra, kiểm tra

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2017, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác. Một trong những kết quả quan trọng là tổng thu NSNN đạt 105,9% so với dự toán. Đóng góp không nhỏ vào thành tích đó phải kể đến nỗ lực của hệ thống thanh tra, kiểm tra.
Ngành Tài chính: Phát hiện nhiều vi phạm qua thanh tra, kiểm tra
Cán bộ Chi cục Thuế quận Đống Đa - Cục Thuế Hà Nội kiểm tra việc chấp hành Pháp Luật về hóa đơn tại DN. Ảnh: H.Vân.

Thu nộp ngân sách 14,64 nghìn tỷ đồng

Thống kê cả năm 2017 cho thấy, ngành Tài chính đã thực hiện 99.204 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá đối với 120 doanh nghiệp; tiến hành kiểm tra 899.794 hồ sơ khai thuế tại cơ quan Thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 13.813 vụ. Từ đó kiến nghị xử lý tài chính và xử phạt vi phạm hành chính hơn 55,47 nghìn tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN 14,64 nghìn tỷ đồng.

Nhiều vi phạm trong quản lý, thực hiện chính sách chế độ về tài chính, ngân sách cũng đã được phát hiện kịp thời. Điển hình như: Tại các địa phương còn tình trạng bố trí vốn ngân sách cho dự án vượt quá thời gian quy định; chưa bố trí phần vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh cho một số dự án được Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản chưa đúng quy định dẫn đến mất cân đối không đảm bảo nguồn chi. Trong công tác quản lý tài chính, ngân sách bộ, ngành, công tác lập dự toán còn chậm so với thời gian quy định, giao dự toán thu phí, lệ phí cho các đơn vị trực thuộc chưa phù hợp; điều chỉnh kinh phí một số nhiệm vụ chi không thường xuyên khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; thu một số khoản phí và lệ phí cao hơn mức quy định,…

Việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm như: Lập và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác; lập, phê duyệt dự toán chưa chính xác dẫn tới giá trúng thầu phải giảm trừ khối lượng; phê duyệt quyết toán, thanh toán không đúng; nghiệm thu thanh toán tăng không đúng,... Công tác quản lý tài chính tại các DN còn tình trạng xây dựng phương án tăng vốn điều lệ không đúng với nhu cầu vốn thực tế; hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập khác, hạch toán không đúng lợi nhuận,...

Cũng trong năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra, ngành Tài chính đã kiến nghị, yêu cầu rà soát đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; đưa ra các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và có các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường phối hợp với Kho bạc Nhà nước để hướng dẫn, phối hợp trong việc xác nhận số liệu giải ngân, vốn dư cuối kỳ của các dự án sử dụng vốn đầu tư của ngành làm căn cứ quyết toán vốn đầu tư xây dựng hàng năm, quyết toán dự án hoàn thành theo quy định,... Đặc biệt, các đơn vị thanh tra của ngành Tài chính đã kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương có liên quan bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm Pháp Luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đặc thù của các ngành, địa phương đảm bảo đúng Pháp Luật và phù hợp với thực tế của địa phương.

Tăng cường quản lý rủi ro

Để hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành Tài chính tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2018, Chánh thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng cho rằng còn nhiều việc phải làm. Trước mắt là tiếp tục tổ chức triển khai hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 đã được phê duyệt, đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất để triển khai các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật thanh tra.

Tiếp đó, thanh tra ngành Tài chính chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra; tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc; theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để để có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Theo ông Vượng, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan Cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước,... là một nhiệm vụ quan trọng cần tăng cường hơn nữa nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm Pháp Luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, m‌a tú‌y và các chất gây nghiện.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra Thuế, Hải quan và trong toàn Ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận.

Cuối cùng, hệ thống thanh tra ngành Tài chính sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn:

thanh tra Tài chính cần lưu ý công tác nắm tình hình đối tượng thanh tra, nghiên cứu, phân tích rủi ro để phục vụ tốt hơn cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra. Công tác thanh tra kiểm tra tài chính, giữ vững kỷ cương tài chính là hết sức quan trọng, do vậy, cần chủ động hơn nữa, chú trọng thanh tra đến các lĩnh vực quản lý vốn và tài sản công trong đầu tư các dự án trọng điểm, lĩnh vực Thuế, Hải quan,...

Ngoài ra, phải đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh sang quản lý rủi ro được hình thành trên cơ sở dữ liệu dùng chung. Muốn vậy, cần phải tiến hành ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ tiêu chí,… Từ đó, xây dựng quy định về ghi nhật ký điện tử theo hướng chuẩn hóa, Pháp Luật hóa tại thanh tra Bộ Tài chính cũng như các Tổng cục theo tinh thần Chính phủ điện tử.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật