Tình yêu làm hé lộ bản nguyên thần thánh trong mỗi chúng ta

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tình yêu thường đi đôi với sự lý tưởng hóa đối tượng, với sự hâm mộ, sùng bái người yêu. Người được yêu hiện ra trước người yêu trong một ánh sáng đẹp đẽ lạ thường mà những người ngoài không nhìn thấy’’.
Tình yêu làm hé lộ bản nguyên thần thánh trong mỗi chúng ta
Thần tình ái .

Vladimir Solovyev là một trong ba Người thầy vĩnh cửu của Tình yêu, Trí tuệ và Niềm tin trong truyền thống tinh thần Nga (Cùng với Fyodor Dostoievsky, Fyodor Tyutchev). Ông là người đặt nền móng cho Triết học Tình yêu ở Châu Âu.

 


Ba Người thầy vĩnh cửu của Tình yêu (từ trái sang phải Vladimir Solovyev, Fyodor Dostoievsky,
Fyodor Tyutchev )

Khảo luận Siêu lý tình yêu (1892-1893) cho đến nay vẫn là tác phẩm trứ danh nhất, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của Solovyev.

 

Siêu lý tình yêu tiếp nối một cách trực tiếp và có ý thức một truyền thống triết luận có lịch sử 25 thế kỷ ở châu Âu. Tình yêu - hiện tượng vô cùng to lớn và phức tạp của cuộc sống con người, đề tài nổi trội, thường trực và không thể vắt kiệt của văn học thế giới - ở châu Âu, từ thời Hy-La qua trung đại sang thời mới, liên tục thu hút sự bận tâm quan sát, phân tích, đánh giá, giải thích của nhiều nhà tư tưởng. Solovyev am tường về sáng tác của tất cả các tác giả này.

 

Hai tác phẩm trứ danh của Platon đặt nền móng cho triết học tình yêu ở châu Âu: Phèdre và Tiệc rượu được Solovyev không chỉ nhắc đến, mà còn phân tích tận tường trong một chuyên khảo cuối đời về Platon. Ở đây ông sẽ phát triển đến hoàn chỉnh một số ý tưởng hiền minh và tiên tri còn chấm phá hay bị bỏ dở của nhà triết học Hy Lạp vĩ đại và bác bỏ không thương tiếc những lý thuyết tăm tối phản nhân đạo cũng của vị đại triết gia này.

 

Trong Siêu lý tình yêu, trình bày học thuyết của mình, Solovyev còn đối thoại, tranh luận với nhiều đại triết gia khác, có khi không gọi tên họ. Một đối thủ không được gọi tên như thế chính là Lev Tolstoy - một người Nga lừng danh nhất, có uy tín xã hội lớn nhất trong thời đại của ông. Như ta biết, Tolstoy trong những năm 80 thế kỷ XIX đã thực hiện một cuộc cách mạng triệt để trong nhân sinh quan và thế giới quan của mình, cuộc cách mạng ấy đã làm thay đổi hẳn cả những quan niệm của ông về tình yêu nam nữ.

 

Một phần quan trọng dưới ảnh hưởng của Schopenhauer - mà siêu hình học tình yêu của Schopenhauer là một trong những đối tượng phê phán chính trong chuyên luận của Solovyev - tác giả chiến tranh và hòa bình, với những nhân vật chính đã khắc sâu vào tâm khảm loài người như là những hiện thân của tình yêu nam nữ cao đẹp, càng về già càng rao giảng cuồng nhiệt chỉ một chủ nghĩa duy đạo đức thuần túy, phủ định tình yêu hữu tính, nhìn thấy ở đấy một sức mạnh ác quỷ nô dịch loài người (Quỷ dữ là tên mà Tolstoy đặt cho một trong những truyện diễm tình cuối đời của mình), kêu gọi mọi người tự giải thoát khỏi ách nô dịch ấy bằng cách thấm nhuần những chân lý tôn giáo vĩnh hằng, bằng cuộc sống khổ hạnh và vị tha, lấy tình thương yêu nhân loại đại đồng thay thế cho tình yêu nam nữ cá thể.

 

Quan điểm này được Tolstoy diễn đạt sắc nét hơn cả trong lời bạt cho truyện Bản sonate Kreutzer (1889), lời bạt này đích thị là một triết luận bài bác tình yêu nam nữ, khá hòa điệu với triết học Schopenhauer. Lập luận chính của Schopenhauer được Tolstoy phụ họa: tình yêu như là cảm xúc và cảm hứng cá nhân không có giá trị tự thân, nó chỉ là một ảo giác che đậy ham thích nhục dục, một trò đánh lừa của thiên nhiên (hay là ý chí hoàn vũ, theo thuật ngữ của Schopenhauer) nhằm thực hiện sự tái sản xuất bất tận của loài người, sự bất tận ấy của nòi giống chỉ có thể đạt được bằng sự tồn tại nhất thời, trong khổ đau và trong sự chết, của từng thế hệ và cá nhân. Sự tồn tại như thế là vô nghĩa, cho nên tình yêu cũng vô nghĩa.

 

Vladimir Solovyev


Schopenhauer, như ta biết, rất tự hào về "chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt" của triết học tình yêu và triết học nhân sinh của ông, nó đã một thời, chính trong thời đại của Solovyev, mê hoặc cả châu Âu bằng sự phơi trần cái bi kịch không thể khắc phục của sinh tồn, bằng tính gần gũi với tư tưởng và cảm hứng của nhiều nền tôn giáo lớn của nhân loại, trước hết là đạo Phật.

 

Solovyev, như ta đã biết, là tín đồ nhiệt thành không phải của đạo Phật, mà đạo Kitô. Nhưng triết học bênh vực và tôn vinh tình yêu của ông có nhiều nét khác biệt học thuyết Kitô giáo chính thống, khiến không ít nhà thần học Kitô giáo phải lên tiếng phản đối. Tư tưởng Kitô giáo truyền thống, chẳng khác Phật giáo hay Khổng giáo, né tránh tình yêu nam nữ tự do như né tránh lửa.

 

Cái mà nó ban phước lành là tình yêu vợ chồng, tình yêu trong hôn nhân hợp pháp, trong sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái. Nhưng Solovyev lại không mấy tôn quý cái tình yêu hợp pháp ấy, cái liên minh gia đình trong thực tế thường hóa ra xoàng xĩnh ấy. Cả sự sinh dưỡng con cái, cả tình phụ tử, mẫu tử dưới con mắt của Solovyev cũng không có gì thiêng liêng lắm.

 

Những ai hy sinh tất cả vì con cái, tìm thấy ở chúng niềm vui và niềm an ủi lớn nhất của đời mình thật khó đồng tình với nhà hiền triết Nga, khi ông so sánh tình thương yêu con của người mẹ với tình thương con của loài gà. Dĩ nhiên Solovyev không sa vào chủ nghĩa phản nhân đạo, mọi thứ cực đoan phiến diện nói chung xa lạ với ông. Trong cuốn sách Biện chính cái thiện, như ta đã thấy, ông đề cao đúng mực vai trò của gia đình, với những chuẩn mực quan hệ, những kỷ cương nền nếp của nó, trong việc bảo đảm sự tồn tại của xã hội loài người.

 

Nhưng đáng để ý là Solovyev cho rằng (và ở điểm này ông không xa rời hiện thực) gia đình như một thiết chế xã hội có thể vận hành tốt mà không cần đến tình yêu say đắm giữa vợ chồng. Nhiệm vụ, sứ mệnh đích thực của tình yêu nam nữ, theo Solovyev, mang tính siêu xã hội và siêu lịch sử. Nó dẫn dắt con người từ thế giới phi lý tưởng sang thế giới lý tưởng hoặc nói đúng hơn, nó cải hóa thế giới này thành thế giới kia.

 

Gắn chặt với quan niệm siêu tại ấy của Solovyev về sứ mệnh tình yêu là một nhận định về thực tại có thể gây sốc cho nhiều độc giả đinh ninh rằng về cái gì khác, chứ về tình yêu thì họ biết quá nó là cái gì, xuất phát từ những trải nghiệm của chính họ: "Tình yêu trong loài người hiện vẫn còn là cái y như trí tuệ trong thế giới động vật - nó mới chỉ tồn tại trong những phôi mầm và tiềm năng của nó, chứ chưa phải trong thực tế". Câu văn vừa dẫn sẽ mất đi tính gây sốc và sẽ hóa ra có lý, nếu ta chấp nhận hay chia sẻ một phần cái ý tưởng tình yêu mà Solovyev phác họa tập trung trong phần III bài ba của chuyên luận của ông.

 

Nhiệm vụ và mục đích cuối cùng của tình yêu không phải là sự sinh con đẻ cái, bảo đảm sự tồn tại vật chất muôn đời của loài người, cái đó có thể thực hiện ở bên ngoài tình yêu - Solovyev nói đi nói lại, trái ngược với Schopenhauer và những người suy nghĩ cũng như Schopenhauer. Tình yêu chân chính cứu vớt cá thể con người bằng sự chiến thắng đến cùng chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, làm gia tăng bất tận giá trị của cá nhân, khôi phục trong nó hình ảnh của Chúa Trời, phục hồi thể vẹn toàn lý tưởng của con người, trong thực tại nghiệm chứng bị phân chia thành đàn ông và đàn bà, để cuối cùng "từ hai sinh linh hữu hạn và hữu tử tạo ra một cá thể tuyệt đối và bất tử".

 

Trong triết học tình yêu của mình, Solovyev cũng nhất quán gắn chặt đạo đức học và nhân cách học với siêu hình học và thần học. Về bản chất, đây là siêu hình học và thần học Kitô giáo, nhưng được bổ sung một số tư tưởng mới, hệ trọng, có cái là sáng tạo riêng của Solovyev - thí dụ tư tưởng Thần-Nhân loại, nòng cốt của toàn bộ triết học của ông - có cái được ông tiếp thụ và phát triển từ những học thuyết tôn giáo và triết học khác, phi Kitô giáo - thí dụ, huyền thuyết về con người lưỡng tính (androgyne), như là một nguyên mẫu của loài người; huyền thuyết này có trong nhiều nền văn hóa cổ xưa và được nói đến trong tác phẩm Tiệc rượu của Platon. Đối với chúng ta, điều quan trọng là những thuật ngữ và phạm trù siêu hình học và thần học ấy đều được rót đầy một nội dung và cảm hứng nhân văn chủ nghĩa không xa lạ với tâm thức con người trong thế giới ngày nay.

 

Trong tình yêu nam nữ, ở mọi xã hội và mọi thời đại, có hai hiện tượng đặc trưng mang tính thuần túy con người - Solovyev lấy chúng làm căn cứ chính để kiến tạo triết học tình yêu của mình:

 


"Dục tính đơn thuần" thì chỉ là đời sống hoang dã của thiên nhiên


1. Tình yêu thường đi đôi với sự lý tưởng hóa đối tượng, với sự hâm mộ, sùng bái người yêu. Người được yêu hiện ra trước người yêu trong một ánh sáng đẹp đẽ lạ thường mà những người ngoài không nhìn thấy. Cái "phép lạ" của tình yêu ấy trong cuộc sống thường biến mất nhanh chóng, nhưng từ đó có được kết luận rằng nó chỉ là một ảo giác, một huyễn tưởng chủ quan, như người đời và ngay nhiều nhà hiền triết vẫn nói?

 

Solovyev khẳng định một điều ngược lại: chính cái ánh lóe diệu kỳ ấy trong tình yêu vén mở cho ta nhìn thấy chân lý về con người như là hình ảnh của Thượng Đế, như là một sinh linh "dự phần vào bản nguyên thánh thần tối cao và làm môi giới giữa bản nguyên ấy và thế giới". Từ đấy được xác lập một quan niệm cao cả hiếm có về sứ mệnh, cơ đồ của tình yêu: "Trong tình yêu hữu tính được hiểu chân chính và được thực hiện chân chính, bản thể thánh thần nhận được một phương tiện cho sự nhập thân đến cùng, đến đích vào trong đời sống cá thể của con người... Từ đó mà có ánh lóe của hạnh phúc siêu phàm, có hơi thở phảng phất của niềm vui sướng không ở nơi đây, chúng đi với tình yêu, ngay tình yêu không hoàn hảo, và chúng biến nó, mặc dù không hoàn hảo, thành một lạc thú lớn nhất của loài người và của cả thần linh".

 

Tình yêu là bước khởi đầu của công việc "hóa thần", tức là hoàn thiện triệt để con người và loài người. Nhiệm vụ khó khăn không thể tưởng tượng được nhưng cũng không thể chối bỏ ấy, theo Solovyev truyền ý nghĩa cho toàn bộ tiến trình hoàn vũ và tiến trình lịch sử.

 

2. Trong tình yêu, chúng ta khẳng định giá tuyệt đối của con người ta yêu và qua đó của cả bản thân ta. Nhưng đã thế thì lại càng không thể dàn hòa với sự biết chắc chắn là người yêu của ta và cả ta sẽ già đi và sẽ chết. Tình yêu bức thiết đòi sự bất tử của con người, không chỉ sự bất tử của linh hồn, mà của cả thể xác. "Một sinh linh không có thân xác không phải là người, mà là thiên thần, nhưng chúng ta yêu con người, yêu cái cá thể toàn vẹn của nó, và nếu tình yêu là bước đầu của quá trình làm sáng và đưa tinh thần vào cái cá thể ấy, thì nó tất yếu đòi bảo toàn cá thể, đòi tuổi xuân vĩnh viễn và sự sống bất tử cho con người ấy, cho cái thần sống đã nhập vào c‌ơ th‌ể thân xác ấy".

 

Không ở đâu trong sáng tác của Solovyev khát vọng bất tử được thể hiện mãnh liệt như trong tác phẩm này. Nhưng Siêu lý tình yêu cũng chứa đựng những giải thích rất thấu đáo về thân phận hữu tử hiện nay của con người. Sự chết là phản chuẩn đối với con người như một sinh linh tương đồng với Thượng Đế, nhưng nó lại là hệ quả tất yếu, thậm chí đáng mong muốn của cuộc sống bất toàn và trống rỗng của loài người trong thực tại. Hai bài cuối của chuyên luận Siêu lý tình yêu mở rộng phạm vi và nhiệm vụ của tình yêu, đưa nó từ khu vực quan hệ cá nhân sang lĩnh vực quan hệ xã hội và quan hệ giữa loài người với thiên nhiên, với vũ trụ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật