Nhặt ve chai...chạy thận - Cám cảnh phận đời

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khuôn viên bệnh viện Trung ương Huế, khi người qua lại thưa dần thì lúc đó le lói những con người ốm yếu, khoác trên mình bộ áo quần bệnh nhân đi tới các thùng rác, nhặt chai lọ nằm lăn lóc xung quanh bệnh viện…
Nhặt ve chai...chạy thận - Cám cảnh phận đời
Gia đình khánh kiệt, người đàn ông phải nhặt rác lo tiền chạy thận

Họ là những người mang trong mình căn bệnh quái ác suy thận (giai đoạn 4), phải gắn bó phần đời còn lại tại Khoa Thận nhân tạo. Trong khi bệnh của họ ngày một nặng thêm thì gia đình cũng lâm vào cảnh “tán gia bại sản”. Để chống chọi với cái chết, họ phải đi nhặt ve chai lấy tiền chạy thận.

Người mẹ già nuôi 6 con chạy thận

Tại Khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Trung ương Huế có rất nhiều bệnh nhân điều trị. Trong số nhiều bệnh nhân như thế, có 3 hoàn cảnh rất éo le, hơn 8 năm nay, họ điều trị tại đây và để có tiền chạy thận, họ phải đi nhặt ve chai.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là bà Trần Thị Nương (52 tuổi, ở thôn Quyết Thắng, Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Vừa xếp chai, lon chuẩn bị đem đi bán, bà vừa kể về phận đời lo tiền chạy thận.

Đã gần 10 năm nay, bà túc trực ở Khoa Thận nhân tạo, đến nỗi người thân mất hay tết đến, bà cũng không về nhà được. Khoa Thận nhân tạo được xem là ngôi nhà thứ  hai của bà, vì có 6 người con bị suy thận điều trị tại đây. Trong 6 người con, căn bệnh quái ác này đã cướp đi 3 người. Bà phải cắn răng sống trong nỗi đau mất con để tìm cách duy trì sự sống cho 3 đứa còn lại.

Bà Trần Thị Nương cùng con trai Lưu Văn Kiệt bị suy thận đang gom ve chai ở bãi tập kết ngoài bệnh viện đem bán

Sau những năm tháng vật lộn với bệnh tật của con, bao nhiêu tài sản dành dụm được của hai vợ chồng bà Nương chỉ còn lại một ngôi nhà cấp bốn xập xệ ở quê. Chồng bà  là ông Lưu Đức Thuận (52 tuổi) ở nhà chèo chống để lo hương khói cho những đứa con đã qua đời.

Ngoài 4 sào ruộng khoán, ông Thuận còn phải làm thuê kiếm tiền gửi vào cho bà Nương để có thêm chi phí chạy thận cho con. Về phần bà Nương, gần 10 năm nay, không ngày nào bà ngừng công việc đi nhặt ve chai mang bán lấy tiền chạy thận kéo dài sự sống cho 3 đứa còn lại.

Cám cảnh hai phận đời

Cùng cảnh chạy thận nhân tạo ở  bệnh viện có anh Trịnh Thanh (tuổi 42 tuổi, ở thôn Cổ Bi 3, Phong Sơn, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Năm 32 tuổi, căn bệnh suy thận phát nhưng do không có tiền chữa trị nên chỉ mua thuốc về uống. Sau hai năm, người anh phù ra, toàn thân đau dữ dội, đi khám thì được các bác sĩ cho biết bị suy thận giai đoạn 4.

Gần 8 năm nay, anh Trịnh Thanh phải đi nhặt ve chai để bán  kiếm tiền chạy thận.

Để kéo dài sự sống, anh phải vào Khoa Thận nhân tạo để chạy thận. Trong khoảng thời gian 8 năm điều trị, trong lúc gia cảnh nghèo đói, nheo nhóc vợ và 4 người con nhỏ, một mình vợ anh ở nhà xoay xở trăm bề nuôi 4 đứa con còn không đủ, huống chi có tiền cho anh chữa trị. Mặc dù bệnh tật giằng xé c‌ơ th‌ể nhiều lúc ngất lên xỉu xuống nhưng để có tiền, anh phải đi nhặt ve chai bán để chạy thận.

Là người nhập viện muộn hơn bà Nương, anh Thanh, nhưng anh Nguyễn Văn Phước (42 tuổi, quê ở thôn Chính Trực, Quảng Long, Quảng Trạch, Quảng Bình) cũng có “thâm niên” điều trị tại đây 5 năm và kéo dài sự sống của mình bằng nghề ve chai.

Đêm xuống khi mọi người qua lại thưa dần, anh Nguyễn Văn Phước đi quanh bệnh viện thu gom nhặt ve chai.

tai họa ập đến trong lúc hoàn cảnh gia đình nghèo đói với 4 người con ăn học. Cả 4 đứa con lần lượt  phải nghỉ học giữa chừng, đi làm để có tiền cho cha chữa bệnh. Tưởng như vậy là đủ nhưng chỉ sau được một năm điều trị tại đây, tiền đã sạch túi. Trong cảnh trắng tay, anh bước vào nghề nhặt ve chai.

Hai phận người bị bệnh tật hành hạ nhưng hàng ngày, các anh vẫn lui tới mọi ngóc ngách của bệnh viện tìm kiếm ve chai. Có những hôm mới chạy thận xong, c‌ơ th‌ể ốm yếu đi lại khó khăn nhưng các anh cố gượng dậy đi nhặt ve chai. Biết được chuyện của các anh, nhiều người thỉnh thoảng giúp ít tiền chia sẻ, nhưng cũng chỉ như “gió lùa nhà trống”.

Sự sống nhờ ve chai

Trong cuộc nói chuyện với những con người mà sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, chúng tôi được họ chia sẻ. “Để sống tới ngày hôm nay, chúng tôi cảm ơn các bác sĩ, nhân viên bảo vệ ở đây, bởi chính họ đã tạo mọi điều kiện cho chúng tôi kéo dài sự sống. Ngoài việc được phép nhặt ve chai trong khuôn viên bệnh viện, họ còn tạo mọi điều kiện giúp đỡ chúng tôi trong sinh hoạt hàng ngày…”.

Với mẹ con bà Nương, Khoa Thận nhân tạo được xem là ngôi nhà thứ 2.

Anh Trịnh Thanh nói trong dòng nước mắt: “Nếu không được nhặt ve chai trong bệnh viện, tôi đã chết từ lâu rồi, bởi việc nhặt ve chai ở đây bị cấm nhưng thấy hoàn cảnh bệnh tật nên ai cũng thương. Những ngày mới nhặt, họ không cho nhưng mình phải liều. Sau đó, biết  hoàn cảnh của chúng tôi, các anh bảo vệ thấy chai, lon còn gom lại hộ nữa. Ngoài ra, các cô ý tá mỗi khi có hộp giấy, chai nhựa cũng dành lại cho”.

Bà Nương tâm sự: “Ba đứa con chúng tôi điều trị thuộc đối tượng ngoại trú nhưng lấy mô ra tiền thuê nhà ở, thấy hoàn cảnh nghèo khổ nên được bệnh viện cho ở trong này. Mỗi khi bệnh nhân ít, phòng trống thì ngủ trong phòng, còn bệnh nhân nhiều thì nằm ngoài hành lang, nên không mất khoản tiền thuê nhà trọ”.

Không kể nắng mưa, giá rét, ngày nào họ cũng phải đi nhặt ve chai. Ở bệnh viện thì chỉ nhặt vào khoảng thời gian người qua lại ít như buổi trưa, chiều tối. Quan trọng nhất là khi đêm xuống mới lui tới các thùng rác bới tìm. “Để có được nhiều ve chai - là sau khi nhân viên bệnh viện ban đêm dọn ra thùng rác để sáng sớm xe rác đến lấy - chúng tôi phải thức dậy từ 3 giờ sáng” - anh Phước kể.

Mỗi ngày họ kiếm được 20.000 đến 30.000 đồng để chạy thận.

Ông Cảnh, một người sửa xe cạnh bệnh viện, nơi những người chạy thận mang chai, bao ra đây gửi nói: “Tui sửa xe ở đây gần 10 năm nay rồi, thấy họ bệnh tật không có tiền chữa trị phải đi nhặt ve chai. Mỗi khi nhặt được nhiều nhưng không để trong bệnh viện được, khi họ mang ra, tui cùng những người xung quanh trông và bán dùm, thấy họ như rứa, thương lắm. Xung quanh đây ai cũng nghèo nên lâu lâu mọi người mới góp được tiền cho họ bữa cơm thôi”.

Với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như 3 con bà Nương, anh Thanh, anh Phước thì may mắn được hưởng bảo hiểm hộ nghèo, do đó giảm được nhiều chi phí. Nhưng mỗi tháng, những bệnh nhân này phải chạy thận nhân tạo 12 lần. Ngoài việc bảo hiểm, họ phải đóng 1.440.000 đồng/tháng, bên cạnh đó, tiền ăn và tiền thuốc cũng mất chừng trên 3 triệu đồng/tháng.

Mỗi ngày, những người chạy thận nhặt ve chai kiếm được 20.000 đến 30.000 đồng, Anh Phước cho hay: “Nếu không nhặt ve chai, tui "xanh cỏ" lâu rồi. Bởi tài sản thì đem bán hết cả, còn tiền thì không ai cho mình vay, vì mình biết sống được bao nhiêu nữa, sau này biết đòi tiền ở đâu”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật