Không nên cho CSGT mặc thường phục quyền chặn xe

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người dân rất khó phân biệt người bình thường với người đang thi hành công vụ để sẵn sàng chấp hành, hợp tác.
Không nên cho CSGT mặc thường phục quyền chặn xe
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Ngay sau khi Bộ Công an ban hành Thông tư 27 vào tháng 5-2009, dư luận đã lo ngại có nhiều bất ổn phát sinh từ quy định CSGT mặc thường phục cũng “có thể trực tiếp ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm”. Nay sự cố ở Thái Nguyên cho thấy băn khoăn của số đông hoàn toàn chính xác. Khi không thể nhận biết ai là CSGT đang thi hành công vụ, người ta rất khó chấp hành và từ đó dễ dẫn đến những xung đột không đáng có.

Quy định nước đôi

Theo Thông tư 27 thì CSGT mặc thường phục có hai quyền sau:

- Khi phát hiện có vi phạm thì “thông báo ngay cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai để ngăn chặn, đình chỉ và xử lý vi phạm”;

- Tham gia vào việc xử lý thông qua việc “trực tiếp ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm” nhưng phải xuất trình giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân để cho người vi phạm biết về việc đang thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, theo thông tư này thì CSGT mặc thường phục cũng có quyền giống như CSGT mặc sắc phục ở chỗ được quyền dừng xe vi phạm. Chỉ có một điểm khác biệt là CSGT mặc thường phục không được quyền xử lý vi phạm ở ngoài đường (lập biên bản vi phạm; xử phạt tại chỗ; tạm giữ giấy tờ; tạm giữ xe…). Họ có thể yêu cầu người vi phạm về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc phải thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai đến để tiếp nhận và xử lý theo các hình thức trên.

Không có lý do gì để nghi ngờ việc thi hành công vụ của những CSGT mặc trang phục đúng quy định. Ảnh minh họa: M.HIẾU

Nên nhớ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có đưa ra nguyên tắc: Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, chỉ có chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ mới được quyền xử lý người vi phạm trong phạm vi quy định.

Như vậy, việc cho CSGT mặc thường phục được quyền tham gia vào khâu đầu tiên của quá trình xử lý (cụ thể là dừng xe) có mâu thuẫn với nguyên tắc trên của pháp lệnh? Dựa vào đặc điểm nhận dạng nào để người dân có thể dễ dàng phân biệt người đang thực hiện nhiệm vụ với người bình thường để có nghĩa vụ chấp hành, hợp tác?

Điều kiện kèm theo - chìa ra thẻ ngành - liệu có khả thi vì hành động này chỉ phù hợp với trạng thái tĩnh (sau khi cả CSGT lẫn chủ phương tiện đều đã dừng lại)? Khi có việc bất ngờ chặn xe và cần truy đuổi thì chẳng CSGT nào vừa có thể làm những việc cấp thiết vừa xuất trình thẻ ngành. Giữa dòng xe cộ đông đúc và ở khoảng cách xa, chủ phương tiện cũng rất khó nhận dạng thẻ. Chưa kể đến tình huống thẻ đó có thể bị làm giả.

Phát sinh nhiều bất ổn

Xem ra việc để CSGT mặc thường phục tham gia xử lý người vi phạm giao thông bằng việc “trực tiếp ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm...” dễ làm phát sinh nhiều bất ổn.

- Nếu vì ngại kẻ gian lợi dụng quy định trên để cướp tài sản, người dân không dừng xe và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì điều gì xảy ra? Trong trường hợp này có thể cho rằng đương sự đã không chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền để phạt nặng hơn hay không và nếu có thì đâu là căn cứ?

(Như trong vụ ở Thái Nguyên, người lái xe đã bỏ chạy và không công nhận lỗi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT vì hai người ép xe và buộc anh dừng lại mặc thường phục, không có dấu hiệu gì để anh nhận biết đó là CSGT…)

- Trường hợp người ra lệnh dừng xe không phải là cảnh sát thật mà là kẻ gian nhưng vì không biết mà người dân răm rắp thực hiện và vì thế gặp phải các sự cố về tài sản, sức khỏe, tính mạng thì sao? Trường hợp này người bị thiệt hại có thể yêu cầu lực lượng CSGT phải liên đới chịu trách nhiệm không?

Trên thực tế, đúng là có nhiều người chỉ nghiêm túc chấp hành luật giao thông khi thấy bóng CSGT. Do vậy, việc sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để gắn thêm tai, mắt cho lực lượng CSGT, giúp lực lượng này kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vi phạm là rất cần thiết. Nhưng bất kể thế nào thì việc xử lý người vi phạm đều phải chính danh, phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch.

Từ các phân tích trên cộng với thực tế không hay đã xảy ra trong vụ việc ở Thái Nguyên, tôi cho rằng Thông tư 27 cần sớm được xem xét, chỉnh sửa cho hợp lý hơn. Nếu cần bổ sung CSGT mặc thường phục vào một số điểm nóng, Bộ Công an không nên cho lực lượng này được chặn xe. Cụ thể, họ chỉ nên làm mỗi việc là “điểm chỉ” cho CSGT xử lý đúng pháp luật các trường hợp vi phạm giao thông.

Thái Nguyên: Giả danh CSGT hóa trang để cưỡng đoạt tài sản

Ngày 13-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Nguyên đã tạm giữ hình sự đối với Bùi Huy Tâm (27 tuổi) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo cơ quan công an, chiều 12-8, tại ngã tư đường Bến Tượng - Phùng Chí Kiên (TP Thái Nguyên), thấy chị Hoàng Thị Tố Nga (người thân của một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên) đang trên đường đi chợ về, Tâm đã cho xe máy áp sát, xưng là CSGT và yêu cầu chị Nga dừng xe, đề nghị kiểm tra giấy tờ. Khi chị Nga yêu cầu xuất trình thẻ ngành, Tâm đã không xuất trình được và còn xô đẩy chị Nga, đòi bắt lỗi vi phạm giao thông. Nghi ngờ, chị Nga cùng một số sinh viên ở gần khu vực này đã tìm cách giữ chân Tâm và điện thoại cho công an đến giải quyết. Tại cơ quan công an, Tâm khai nhận khoảng 15 phút trước đã cưỡng đoạt của một người khác 50.000 đồng bằng thủ đoạn tương tự.

Theo Thượng tá Đỗ Văn Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên, vụ việc này đang được Công an TP Thái Nguyên giải quyết theo thẩm quyền.

TÚ - LƯU

Một văn bản, hai cách hiểu trái ngược

1. Không được chặn xe:

Năm 2009, khi Thông tư 27 được ban hành, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh nêu ý kiến với báo chí (đại ý): “Chỉ lực lượng công khai mới được dừng xe để xử lý vi phạm”. Mới đây, Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ-đường sắt (C26) phát biểu với báo chí: “Theo Thông tư 27, khi phát hiện có trường hợp vi phạm luật, công an mặc thường phục có nhiệm vụ thông báo cho cảnh sát mặc sắc phục thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện vi phạm để kiểm tra, xử lý. Nếu dừng xe và xử phạt, tức là cán bộ, chiến sĩ đó đã làm sai...”.

2. Được chặn xe:

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, việc hai CSGT mặc thường phục yêu cầu người vi phạm dừng xe để kiểm tra giấy tờ và sau đó truy đuổi khi họ bỏ chạy là đúng với Thông tư 27.

(Theo Thanh Niên, Người Lao Động)

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật