Tiền ảo Bitcoin: Cấm hay không cấm?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tới cuối năm 2017, hơn 7.000 máy đào Bitcoin đã được nhập về Việt Nam, cho dù Bitcoin không được công nhận là một phương thức thanh toán và ẩn chứa nhiều rủi ro. Chính vì vậy rất cần phải có định hướng thống nhất, rõ ràng nhằm tránh những đổ vỡ có thể sẽ xảy ra.
Tiền ảo Bitcoin: Cấm hay không cấm?
Tiền ảo Bitcoin tuy được cảnh báo nguy hiểm nhưng vẫn không ít người đầu tư.

Tới thời điểm này, chân rết của đồng tiền ảo Bitcoin đã lan rộng và bước đầu gây ra những hệ lụy trong đời sống. Mặc dù vậy, không ít người vẫn lao vào  đồng tiền này, trong khi cơ quan chức năng vẫn đang tìm phương thức quản lý. 

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, hơn 7.000 máy đào Bitcoin đã được nhập về Việt Nam. Nghịch lý ở chỗ, Bitcoin không được công nhận là một phương thức thanh toán, hoàn toàn bị Pháp Luật Việt Nam cấm thế nhưng, mỗi ngày, người ta lại thấy hàng loạt các cỗ máy đào tiền ảo được “trôi” vào trong nước. Điều này cho thấy, nhà quản lý hiện còn đang rất loay hoay đối với loại sản phẩm này. Coi Bitcoin là tiền hay là hàng hóa? Câu hỏi này vẫn đang được mổ xẻ và hoàn toàn chưa có câu trả lời xác đáng. 

Đánh giá về tác động hai mặt của đồng Bitcoin đối với thị trường Việt Nam, các chuyên gia tài chính đều có chung quan điểm rằng, giá trị của Bitcoin càng ngày càng lớn, hút nhiều người đầu tư, đã đến lúc, các nhà quản lý cần phải đưa ra phương thức quản lý đồng tiền này sao cho hợp lý nhất, nhằm tránh những đổ vỡ có thể sẽ xảy ra.

Từ chỗ Bitcoin có giá trị ban đầu chỉ ở mức dưới 1 USD trong khoảng 1 thập kỷ trước, đến nay, giá trị một đồng Bitcoin hiện tại lên tới con số vài ngàn  USD và theo phán đoán của giới chuyên gia kinh tế, trong tương lai có thể giá trị này sẽ còn tăng lên cao hơn nữa. 

Những hệ lụy của đồng tiền ảo Bitcoin đã hiện rõ, không còn nghi ngờ về những bất cập khi loại tiền này bước chân vào thị trường Việt Nam. Song, câu hỏi đặt ra là, nên cấm hay không cấm loại hình này thì vẫn bỏ ngỏ. Và trong khi nhà quản lý vẫn đang loay hoay với cách quản lý loại tiền này thì sẽ còn nhiều số phận bi đát khi chót “trao niềm tin” không đúng chỗ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ mới đây đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thành đề xuất khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo ngay trong tháng này. Việc Chính phủ phải đích thân vào cuộc để “dẹp loạn” tiền ảo cho thấy, những tác động của loại tiền này đối với đời sống mạnh mẽ đến mức nào. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, không nên cấm loại tiền này, vì càng cấm càng có nhiều rủi ro. Thay vào đó, cần tìm ra phương thức quản lý tiền ảo vì thế giới cũng đang đi theo hướng này, họ hoàn toàn không cấm tiền ảo và thực tế, đồng tiền này ở thế giới không gây ra những hệ lụy xấu.

Theo chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nếu coi Bitcoin là một loại hàng hóa thay vì một phương tiện thanh toán thì phương thức quản lý nó sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chính vì vậy, ông Hiếu cho rằng, nhà quản lý cần tập trung xây dựng quy chế, chế tài quản lý cho một loại đồng tiền đang có sức ảnh hưởng cũng như phổ biến nhất hiện nay như  đồng Bitcoin. Sau đó, mới tiếp tục theo dõi, đánh giá sự phát triển của nó như thế nào để có thể  từ đó, xem xét những đồng tiền khác.

Nêu quan điểm về cách quản lý đồng tiền ảo hiện nay, TS Cấn Văn Lực cho rằng, không nên cấm hoàn toàn loại tiền này mà cần tìm ra phương thức quản lý nó thế nào sao cho hiệu quả. Theo vị chuyên gia này, trên thế giới nhiều nước chấp nhận loại tiền này và có những cách quản lý rất bài bản và Việt Nam cần học hỏi cách quản lý của nhiều nước đi trước đối với loại tiền này.

Cũng ủng hộ quan điểm không nên cấm hoàn toàn loại tiền này, Luật sư Trương Thanh Đức- chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO  cho rằng, cần coi đồng Bitcoin là một loại hàng hóa, vì như vậy sẽ được hợp thức hóa và kinh doanh theo Luật Thương mại còn nếu đồng tiền ảo này được xem là tài sản thì sẽ mặc nhiên được điều chỉnh theo Luật Dân sự. Nếu cấm hoàn toàn mọi hình thức kinh doanh, đầu tư, giao dịch… đối với loại tiền này thì sẽ nảy sinh nhiều rủi ro khác mà chúng ta không lường trước được. Trong khi nếu coi nó là một loại hàng hóa thì chúng ta đã có các khung khổ pháp lý để nắm bắt và kiểm soát nó. 

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cũng của giới chuyên gia kinh tế đều cùng quan điểm rằng, Bitcoin là không phải là tiền mà chỉ là một loại tài sản đầu cơ. Cũng giống như nhiều loại tài sản “nóng” khác, khi số lượng người quan tâm đến Bitcoin cũng như nhiều loại tiền điện tử khác nhiều lên thì sẽ kéo theo sự tăng giá của loại hàng hóa này. Và nó sẽ tạo những cơn sốt ảo ẩn chứa nhiều rủi ro, vì nó sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng  vận dụng để lừa đảo những người dân nhẹ dạ, cả tin muốn làm giàu nhanh.

Chính bởi vậy, lời khuyên của giới chuyên gia là: Nhà nước cần sớm đưa ra khung pháp lý để kiểm soát các hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hết sức tỉnh táo khi có ý định đầu tư vào Bitcoin để tránh những thiệt hại về tài sản, thậm chí cả tính mạng.    

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật