Âm thầm cải tổ, quyền lực quân sự Nga chờ bùng nổ

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiến những bước dài trong cuộc cách mạng cải tổ quân đội, những vũ khí nào của Nga hiện được đánh giá là đáng sợ nhất?
Âm thầm cải tổ, quyền lực quân sự Nga chờ bùng nổ
Ảnh minh họa

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể từng nghĩ tới một kỷ nguyên mới cho quan hệ giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, theo Newsweek, hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới hiện đã “lún quá sâu” vào một cuộc chiến tranh lạnh của thế kỷ 21, trong đó bao gồm cả một cuộc chạy đua vũ trang.

Liên Xô không còn tồn tại, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hồi sinh, cách mạng hóa và khiến nền quân sự khổng lồ của nước Nga trở thành một ưu tiên lớn dưới sự lãnh đạo của mình. Sự trỗi dậy của Nga trên chính trường quốc tế đã đem đến vô số lo ngại cho phương Tây; và trong khi một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nga là điều khó có thể xảy ra, những chiến thắng gần đây của ông Putin tại Syria cho thấy, các lực lượng quân đội của Nga sở hữu tiềm năng quyền lực không kém, thậm chí là mạnh hơn so với Mỹ và các đồng minh.  

“Các bạn biết và thấy rõ hơn bất kỳ ai rằng, các lực lượng vũ trang của chúng ta đã thay đổi hoàn toàn trong hai năm qua, bởi vì nhân lực của chúng ta đã chứng tỏ đáp ứng được với nhiệm vụ…; cũng như họ đã nhìn thấy các thiết bị quân sự, hệ thống chỉ huy, hậu cần của chúng ta đã làm việc như thế nào, Lực lượng vũ trang của chúng ta đã trở nên hiện đại như thế nào,” Tổng thống Putin tuyên bố vào cuối tháng trước.

Ông cũng cho biết: “Toàn thế giới đã chứng kiến điều này, nhưng điều quan trọng nhất đó là người dân Nga đã cũng đã nhìn thấy. Điều này rất quan trọng, bởi vì người dân phải cảm thấy được bảo vệ, họ phải cảm thấy rằng an ninh của họ đang được đảm bảo”.

Giống như Mỹ, Nga sở hữu “bộ ba hạt nhân” bao gồm các tên lửa được đặt trên đất liền, trên không và trên biển. Ông Putin đã đặt mục tiêu hiện đại hóa cả ba phương diện này. Những nâng cấp đáng chú ý bao gồm tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm RSM-56 Bulava, các phiên bản trên không của tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr phóng từ máy bay ném bom mới ra mắt gần đây Tupolev Tu-160M2.

Tuần trước, lực lượng tên lửa chiến lược của Nga đã thử nghiệm RS-12M Topol - mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng thủ tương tự như những gì Châu Âu đang vận hành. RS-12M Topol và R2-28 Sarmat (hay còn gọi là Satan 2) đã khiến một số thành viên của NATO phải “nhíu mày”, đặc biệt là các nước có cùng biên giới với Nga và từng không ít lần phàn nàn về những vụ vi phạm không phận của máy bay quân sự Nga. Nước Mỹ cũng đã “đầu tư” mạnh để đối phó với vấn đề này, bằng cách gửi thiết bị, bao gồm công nghệ chống tên lửa và triển khai quân tới Châu Âu.

Mặc dù có thể đang sở hữu dữ trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất trên thế giới, nhưng Moscow cũng không ngừng phát triển sức mạnh vũ khí phi hạt nhân của mình. Trong đó bao gồm mẫu máy bay ném bom đường dài siêu thanh Tupolev Tu-22M3M, mới được nâng cấp gần đây; và kế hoạch cho ra mắt mẫu máy bay tàng hình thế hệ 6, thay thế cho Sukhoi Su-57 – theo tờ  National Interest.

Nga cũng từng tuyên bố mình có lực lượng xe tăng quy mô nhất thế giới, trong khi liên tục mở rộng sức mạnh với các mẫu tăng mới như T-14 Armata và BMPT Terminator.

Song song với đó, lực lượng hải quân Nga cũng chứng kiến nhiều sự thay đổi đáng kể. Hãng thông tấn TASS dẫn lời Đô đốc Vladimir Korolyov, Tư lệnh Hải quân Nga cho biết: “Bộ tư lệnh Hải quân sẽ đặc biệt tập trung vào việc hình thành các nhóm đánh chặn chiến lược phi hạt nhân, bao gồm các tàu được trang bị vũ khí chính xác tầm xa, cũng như cải thiện hệ thống căn cứ hải quân và đảm bảo cung cấp cân bằng vũ khí và đạn dược”.

 Các quan chức quân sự Nga bên cạnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol trong khu trưng bày tại công viên Kubinka Patriot, nằm ở ngoại ô Moscow. Sở hữu khả năng hạt nhân, mẫu tên lửa này đã được nâng cấp để có thể đánh bại những hệ thống phòng thủ tên lửa đang được các đối thủ của Nga tại NATO sử dụng.

Sức mạnh quân sự Mỹ: vượt xa nhưng vẫn phải dè chừng

Hầu hết các nhà phân tích vẫn đánh giá các chỉ số sức mạnh quân sự của Mỹ vượt xa so với hai đối thủ lớn nhất là Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây của hai nước này và sự sẵn sàng hợp tác giữa họ trên các lĩnh vực ngoại giao, thương mại và quốc phòng – đã tạo ra những ảnh hưởng lâu dài đến hạ tầng an ninh toàn cầu.

Cả ông Putin và người đồng cấp Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đều phản đối sự lãnh đạo bá quyền trên chính trường thế giới. Nga và Trung Quốc đều tìm nhiều cách can thiệp vào sự tiếp cận của Mỹ trong các cuộc xung đột tại Châu Á – Thái Bình Dương và Syria…

Moscow và Bắc Kinh đang ngày càng xích lại gần nhau trước việc Tổng thống Donald Trump chọn tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương để đáp trả lại những đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Cả hai ông Putin và Tập Cận Bình đều đã kêu gọi ông Trump giảm tông căng thẳng khi nhắc tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un; hai nước thậm chí còn tiến hành tập trận chung. Một số chuyên gia đánh giá đó là sự luyện tập hướng tới việc đối phó với một cuộc tấn công của Mỹ tại khu vực.

Còn tại Châu Âu, những báo cáo gần đây cho thấy, bất chấp nguồn ngân sách và quy mô lớn, hạ tầng vũ khí của NATO nhiều khả năng vẫn sẽ nhanh chóng bị “đánh bại” trước một cuộc tấn công tổng lực từ Nga. Và trong trường hợp này, liên minh do Mỹ dẫn đầu thậm chí sẽ không thể tái tập hợp, trừ khi họ nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật