Cần “cú hích” đột phá từ Hiệu trưởng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực tiễn cho thấy, việc đổi mới giáo dục, đào tạo có rất nhiều đối tượng tham gia vào quá trình hoạt động này, từ người lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên đến người học… mỗi đối tượng thể hiện một vai trò riêng, chức năng riêng trong quá trình đổi mới. Vai trò quan trọng quyết định là hiệu trưởng.
Cần “cú hích” đột phá từ Hiệu trưởng
Ảnh minh họa

1. Xin nói rõ ở đây không có ý quá đề cao vai trò này, xem nhẹ yếu tố kia, mà nói như vậy để thấy đặc điểm về lao động sư phạm là loại hình lao động đặc thù, phương tiện lao động sư phạm cũng rất đặc thù, thời gian lao động sư phạm không chỉ đảm bảo đúng quy định trong chương trình mà cần mang tính năng động, sáng tạo cộng với niềm say mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm trước thế hệ trẻ và toàn xã hội...

Do đó trong công tác quản lý giáo dục càng trở nên đặc thù hơn so với bất cứ ngành nghề nào khác. Điều đó cũng đồng nghĩa yếu tố quyết định là sự vào cuộc lúc này chính là tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm cao của những người làm công tác quản lý giáo dục.

Nhất là đối với người hiệu trưởng là phải nhận ra rằng, trong bối cảnh chung của thế giới đã đặt ra cho giáo dục đào tạo nước ta những thách thức lớn lao. Vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục là đổi mới chương trình, nội dung và phương thức giáo dục đào tạo để nhằm tạo ra những lớp người lao động mới có năng lực, tri thức.

Đó là những con người đòi hỏi một mặt phải được trang bị vốn tri thức cơ bản, hiện đại, mặt khác phải biết chủ động tiếp thu tri thức mới, biến tri thức mới tiếp thu thành tri thức của mình, có khả năng vận dụng tư duy sáng tạo, năng động.

Những thay đổi trong tư duy, trong yêu cầu đổi mới giáo dục và mong đợi của người học ngày nay đã khác trước rất nhiều, nó không chỉ càng cao hơn, mà sự học ngày nay được thực hiện theo triết lý giáo dục của thế kỷ XXI về 4 trụ cột là: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống với người khác; Học để tự khẳng định mình.

2. Nhà trường ngày nay không còn là các trường của quá khứ nữa. Tất cả các trường học hiện nay đều hoạt động trên sân chơi quốc tế, ở đó hoạt động dạy học, lao động sư phạm của người giáo viên vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật và tính nhân đạo cao cả, nó mang tính đặc thù của nghề sư phạm đồng thời có sự liên kết, cộng tác, phối hợp với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Thế nên càng đòi hỏi ở công tác quản lý giáo dục, ở người hiệu trưởng đồng thời cần có sự đổi mới tư duy trong hoạt động của mình không thể giữ mãi “công thức” quản lý hành chính (cách mà lâu nay vẫn đang làm), mà thay vào đó là quản lý phương thức hoạt động chuyên môn; thay đổi quan niệm về đánh giá chất lượng giờ dạy; tập trung xây dựng môi trường giáo dục thân thiện để có sự hợp tác trong tổ chức, quản lý toàn diện chất lượng trường học; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tập thể; thực hiện phân cấp đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng giáo viên trong nhà trường...

Chúng ta đều biết hoạt động giảng dạy là một lao động đòi hỏi người tham gia phải có vốn kiến thức chuyên môn sâu rộng, có niềm say mê và ý chí nghị lực, vì vậy để phát huy động lực lòng say mê cho người dạy, người hiệu trưởng với vai trò là người tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần quan tâm tới điều kiện cho hoạt động đổi mới giáo dục, đào tạo.

Chúng ta không thể đòi hỏi hơn ở giáo viên khi không tạo cho họ có những điều kiện tối thiểu để thực hiện phương pháp dạy học mới, vì thế điều trước tiên cần quan tâm là đầu tư trang thiết bị đảm bảo tính chất đồng bộ cho quá trình giảng dạy theo kịp trình độ khu vực và trên thế giới như: phòng thí nghiệm, thiết bị máy móc...

Đi cùng với đó là tạo điều kiện cho mọi giáo viên có cơ hội để tự học, bồi dưỡng và thường xuyên tiếp cận thông tin khoa học công nghệ.

Ngày nay, khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, chỉ cần tách khỏi hệ thống thông tin khoa học trong khoảng một thời gian nhất định, thì dù trước đấy người dạy, kể cả những nhà giáo có bằng cấp, có trình độ cao đến đâu chăng nữa cũng trở nên lạc hậu.

Nên cần tạo điều kiện cho mỗi giáo viên được tiếp cận các thông tin khoa học mới nhất thông qua Internet, báo, tạp chí, các hội thảo khoa học trong và ngoài nước...

3. Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã xác định giáo dục là nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, nên việc đầu tư kinh phí cho đổi mới trong dạy học là cần thiết, khi có sự đầu tư thích đáng, thì hiệu quả chắc chắn sẽ làm cho người dạy và người học toàn tâm, toàn ý không bị chi phối bởi những yếu tố ngoại cảnh khác.

Cuối cùng và cũng là điều hết sức quan trọng cần thường xuyên quan tâm là: khích lệ về tinh thần để giáo viên tham gia đổi mới phương pháp dạy học.

Có thể mỗi trường có những đặc thù khác nhau, nhưng có một cách khích lệ tốt nhất, hiệu quả nhất là thường xuyên duy trì và phát động các phong trào thi đua đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường; trân trọng, tôn vinh con người và sản phẩm của tư duy sáng tạo... hoạt động đổi mới phương pháp dạy học.

Có thể nói, trong hành trình dẫn dắt các hoạt động đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay, không ai khác chính người hiệu trưởng và những người làm công tác quản lý giáo dục phải là những người tạo ra “cú hích” đột phá vào sự vận hành đổi mới giáo dục, đào tạo.

“Cú hích” đó là sự quan tâm nhiều chiều nhằm trúng mục đích, là sự đổi mới trong tư duy quản lý, điều hành, trong kiểm tra đánh giá cả về nội dung, hình thức, phương pháp để đo đạc sản phẩm đầu ra, nhằm tạo động lực định hướng cho hoạt động dạy và học, đồng thời tạo thành một khối đoàn kết vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, tạo kỷ cương, nề nếp, thống nhất, hình thành bầu không khí tốt nhất cho mọi người phát huy tính sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, góp phần vào thành công chung của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Thực tế người làm công tác giáo dục không đặt mục tiêu lợi ích về kinh tế của cá nhân, cũng như không đòi hỏi sự đãi ngộ,.. nhưng rõ ràng khi có sự động viên khích lệ bằng vật chất sẽ là động lực để giáo viên toàn tâm, toàn ý vào hoạt động dạy học của mình hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật