Nhọc nhằn mưu sinh cuối năm

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày cuối năm, áp lực kiếm tiền để trang trải Tết làm người lao động nghèo thêm oằn lưng. Những cơn mưa cuối năm cứ kéo dài dầm dề khiến công việc của những người lao động tay chân thêm nhọc nhằn; chưa kể nguồn việc cũng bị hạn chế bớt, thắt thêm nỗi lo của những con người vất vả này, khi mơ ước của họ chỉ giản dị là “từ giờ đến 30 Tết lúc nào cũng có việc, kiếm thêm tiền mua cái áo mới cho con!”…
Nhọc nhằn mưu sinh cuối năm
Ảnh minh họa

Chắt chiu cho Tết

Cả tuần nay đất trời Đà Nẵng mưa dầm dề. Nhiều người lao động đang đứng ngồi không yên khi đã năm hết Tết đến mà thu nhập họ chẳng đáng là bao. Họ vẫn nỗ lực làm việc bởi những đứa trẻ ở nhà đang mong bố mẹ đem Tết về đơn giản chỉ là vài gói kẹo, một manh áo mới và mấy nghìn tiền lì xì đầu năm nhàu nát.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết, nhưng lao động từ các vùng quê vẫn đổ ra thành phố tìm việc thời vụ. Chẳng có bao nhiêu người liên hệ đến các trung tâm giới thiệu việc làm. Họ sợ phải trả tiền hoa hồng, sợ không có cơ hội tìm việc nhanh, nên với họ cách tốt nhất vẫn là qua những người quen giới thiệu. Họ vẫn thường đứng nơi các ngã tư, với dụng cụ lao động chỉ đơn thuần là đôi bàn tay của mình.

Thời điểm cuối năm, những công việc như dọn nhà theo giờ, sơn tường, quét véc ni, dọn vườn, trồng và cắt cây cảnh… tất tần tật mọi người đều có thể làm thành thạo. Nhưng cũng có nhiều công việc với thu nhập khá hơn là bốc vác ở các chợ đầu mối được cánh đàn ông lựa chọn.

Qua cái kiệt ngoằn ngoèo ở đường Lê Đình Lý (TP Đà Nẵng), chúng tôi đến phòng trọ của chị Huỳnh Thị Ba khi đúng lúc “cả nhà” đang trải chiếu để ngả lưng dù mới 7 giờ tối. Trong căn phòng trọ rộng độ chừng 12m2 là nơi cư ngụ của 5 người phụ nữ. Chị Ba đang bắc cơm để sáng mai mọi người ăn cho chắc bụng trước khi bắt đầu ngày làm lụng vất vả.

Chị Ba được xem là “trưởng phòng” của các chị em nơi này. Ngoài trời mưa cứ nặng hạt dần. Và câu chuyện giữa chúng tôi cứ ngắt quãng khi mưa đổ xuống mái tôn rầm rầm. Chị Ba giọng buồn thiu ca cẩm rằng gần đến Tết rồi mà mưa gió kiểu ni làm ăn chi được. Những người ở cùng phòng với chị đều là người cùng quê ở Tiên Phước (Quảng Nam), gần Tết muốn ra Đà Nẵng làm để kiếm thêm chút đỉnh sắm Tết cho con.

Mỗi ngày các chị làm khoảng 12 tiếng đồng hồ, công việc tất nhiên vất vả hơn ở quê với những công việc khá đơn giản, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, nhưng thường thì thù lao không nhiều.

Dẫu vậy các chị vẫn luôn động viên nhau chịu khó, “năng nhặt thì mới mong chặt bị”. Chị Ba nói nếu muốn chọn một lao động “việc gì cũng đảm” thì mức lương 120.000 đồng/người/ ngày, còn lao động “việc gì cũng phải bày” thì giá chỉ có 80.000 đồng.

Riêng chị Ba may mắn nhận được công việc chăm sóc một bà cụ đang nằm điều trị ở bệnh viện Đà Nẵng. “Cuối năm, con cái bà lu bu công việc, mình chăm sóc cụ cẩn thận, họ thương nên ngoài tiền công 120.000 đồng/ngày, các con cụ thường xuyên dúi cho mình tiền ăn sáng. Vậy cũng đỡ chú ạ!” - chị Ba cho biết.

Nỗi niềm Tết muộn

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều người không ngớt nói về sự vất vả, cực nhọc. Dường như, ánh mắt và nụ cười gượng gạo của họ luôn chất chứa nỗi lo về bữa cơm, manh áo của chồng con và chính mình. Xoè bàn tay gầy guộc, chai sạn, chị Hải, một phụ nữ ở Quảng Hải (Quảng Bình) vừa vào Đà Nẵng kiếm việc bộc bạch: “Tui đã tính toán rất chi li.

Vẫn biết kinh tế ngày càng khó khăn, không ít người chi tiêu dè xẻn nên những lao động tự do như tui chẳng có nhiều cơ hội làm việc. Hơn nữa, vào tháng cuối năm mà mưa gió thế này tính ra thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu.

Hơn nửa tháng làm việc, tui cứ bàn lui tính tới với chồng sẽ chắt chiu để sắm cho đứa con gái một chiếc xe đạp cũ để không phải đi bộ đến trường. Mấy ngày ni trời lạnh, cầm lòng không đậu đành bấm ruột mua cho hai đứa con chiếc áo ấm, ngót nghét cũng mất 5 ngày lao động cật lực của vợ chồng tui đó chú!”.

Một chị cười chua chát, nước mắt ầng ậng: “Mang tiếng là lau dọn nhà cửa sạch sẽ, nhưng dễ đến chục năm nay, chưa năm nào tôi lau dọn được cho nhà mình, dù chỉ là căn nhà 2 gian nhỏ bé chẳng có nhiều đồ đạc gì ở quê. Gần chục năm nay đến tối 30 Tết mới về quê. Lũ trẻ cứ đứng trước ngõ ngóng cha ngóng mẹ về.

Đến khi thấy bóng mình từ đằng xa, chúng chạy ào ra rồi khóc mếu vì nhớ mẹ, vì tủi thân khi bạn bè nó có quần áo, có đồ chơi, có tiền tiêu Tết còn nó thì không. Rồi nó hỏi mẹ có mang gì về cho chúng nó không? Nghe mà tội lắm! Tối ba mươi Tết, trong khi mọi nhà đã có bánh chưng thơm lừng, còn nhà mình thì mới tất bật ngâm, xóc gạo nếp làm bánh, đun lửa suốt đêm, cũng phải đến chiều mùng Một mới có bánh ăn. Lúc ấy mới gọi là Tết chú ạ!”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật