Tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi có dịp về vùng trồng cam ngon nổi tiếng trên đất Xuân Trường (Thọ Xuân) đúng vào mùa thu hoạch. Con đường bê tông phẳng lỳ đưa chúng tôi vào khu vườn đầy cây trái.
Tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn
Mô hình trồng bí siêu ngọn của gia đình ông Nguyễn Xuân Tự, thôn Nghĩa Dũng, xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Xuân Sơn – một chủ trang trại trẻ tuổi, năng động nhất nhì vùng này dẫn chúng tôi tham quan một lượt, mời chúng tôi thưởng thức vị cam tươi lịm ngọt vừa mới hái trong vườn. Anh Sơn tâm sự, khoảng 5 năm trước, nơi đây vốn là ruộng lúa nhưng thuộc khu đất cao nên cằn cỗi, khó tưới và cho năng suất thấp. Anh đã mạnh dạn xin xã cho thuê đất để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Xã đồng ý, song gia đình anh ngăn cản, cho rằng ngoài cây lúa, còn cây nào khác có thể sinh trưởng được trên đất này? Nhưng anh không nản chí, mà càng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Chẳng bao lâu người ta đã thấy cả một vùng đất rộng 6,5 ha được anh đầu tư làm kinh tế trang trại. Trước tiên là cải tạo đất, tăng cường các loại phân bón để tăng độ màu mỡ cho đất, tạo luống, đào mương, xẻ rãnh đưa nước về tưới mát cho cây, rồi anh ra tận tỉnh ngoài chọn mua giống cây ăn quả về trồng. Sau 5 năm dày công chăm bón, trang trại của gia đình anh đã xanh cả một vùng, với hơn 3.000 gốc cam Vinh, hơn 2.000 gốc bưởi, chanh đào. Ngoài ra, anh còn kết hợp chăn nuôi lợn để lấy phân bón cho cây, nuôi đàn gà đẻ trứng, đào ao thả cá... Riêng trồng cây ăn quả đã cho năng suất 30 tấn/ha, với giá bán tại vườn là 32.000 đồng/kg, anh đã có lãi 500 triệu đồng/ha/năm và còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên cùng với hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Khu trang trại rộng 43 ha của gia đình chị Lê Thị Phương, ở thôn 2, xã Thái Hòa (Triệu Sơn) là kết quả  tích tụ ruộng đất của  hơn 90 hộ nông dân thuộc 3 xã Thái Hòa, Khuyến Nông và Tân Ninh, trong đó xã Thái Hòa chiếm phần lớn. Toàn bộ diện tích này trước đây bà con cấy lúa, nhưng do không chủ động nước, nên năng suất rất thấp. Khi xã Thái Hòa có chủ trương tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê để chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa, gia đình chị Phương đã nhận để đầu tư cải tạo trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, sa chi, nghệ... đồng thời hợp đồng với các công ty dược để tiêu thụ sản phẩm. Sau hơn một năm trồng cây dược liệu, đến nay cây cà gai leo đã cho thu hoạch khoảng 200 tấn sản phẩm, mang lại doanh thu gần 6 tỷ đồng.   

Làm sao để nâng cao giá trị kinh tế ở cùng một giống cây trồng, vật nuôi trên cùng một đơn vị canh tác là bài toán mà anh Lê Công Nam, ở xã Vạn Thắng (Nông Cống) hết sức trăn trở. Bằng kinh nghiệm của mình và qua tìm hiểu anh Nam quyết định kêu gọi bà con trong thôn đổi đất cho gia đình mình. Với 4,2 ha đất khô cằn sau khi quy đổi, anh Nam đã đầu tư hơn 100 triệu đồng vào phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Thời gian đầu khi bắt tay vào xây dựng trang trại, dẫu gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm thoát nghèo anh đã vượt lên tất cả. Sau hơn 6  năm, anh Lê Công Nam đã biến bãi đất hoang khô cằn trở thành những  ao cá, vườn cây xanh tươi, trù phú. Hiện, trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình anh cho thu lãi trên 300 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp với các hình thức phù hợp. Trong đó đã có 393 xã, thị trấn ở khu vực đồng bằng thực hiện dồn điền, đổi thửa lần 2, lần 3; diện tích bình quân một thửa tăng từ 330m2 lên 1.000m2; từ trên 10 thửa/hộ giảm xuống còn 3 thửa/hộ, có nơi chỉ còn 0,7 đến 1 thửa/hộ. Qua đó đã từng bước khắc phục được tình trạng đất đai manh mún, tạo điều kiện đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Quá trình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh đã tạo ra  đơn vị sản xuất quy mô lớn hơn. Qua khảo sát ban đầu cho thấy, đến nay toàn tỉnh đã có 14 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đạt 6.578 ha. Các đối tượng tham gia tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp, gồm: Doanh nghiệp, HTX và  hộ gia đình, cá nhân. Thực tế sau khi tích tụ, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn đã giảm chi phí lao động, giống, phân bón..., tạo thuận lợi cho việc sử dụng máy móc, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới; tăng hiệu quả sử dụng đất và tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Quan trọng hơn là có sự phân công lao động và làm thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, phân tán truyền thống sang hướng sản xuất quy mô lớn, gắn kết với thị trường.

Thọ Xuân là huyện thực hiện tích cực nhất việc thuê gom, thúc đẩy tích tụ ruộng đất. Đồng chí Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trong huyện thường xuyên đi làm ăn xa, ruộng đất cho mượn hoặc vẫn tiến hành sản xuất song đầu tư thâm canh thấp, sản xuất không có hiệu quả. Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Thọ Xuân đã tiến hành rà soát, bổ sung các quy hoạch: Sử dụng đất, vùng sản xuất, xây dựng nông thôn mới để phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tập trung rà soát các diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương vận động, khuyến khích nông dân tự thuê gom, tích tụ ruộng đất tạo ra vùng sản xuất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đến nay, huyện Thọ Xuân đã tích tụ được trên 1.000 ha đất để sản xuất tập trung với sự tham gia của 6 doanh nghiệp, 5 HTX, 330 hộ gia đình. Công tác tích tụ đất đai trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất có diện tích tập trung lớn, như: Tích tụ, chuyển đổi đất một lúa kém hiệu quả sang trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản tại thôn Đồng Xốn, xã Thọ Trường với 75 ha; khu chăn nuôi tập trung tại thôn Đồng Ngâu, xã Nam Giang với 20 ha... Các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả sản xuất là vậy nhưng hiện tại, việc tích tụ ruộng đất vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, mô hình tích tụ ruộng đất chưa có nhiều, diện tích ruộng đất tích tụ được chưa lớn. Nguyên nhân do một bộ phận người nông dân chưa nhận thức rõ, vẫn tồn tại tư tưởng bảo thủ, quyết tâm giữ ruộng mặc dù không tổ chức canh tác, không thực hiện cải tạo... khiến đất đai bị hoang hóa, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên vô giá này. Đầu ra cho nông sản, lâm sản vùng sản xuất quy mô lớn không có hoặc không ổn định dẫn đến được mùa mất giá, người sản xuất thua lỗ; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; thu nhập của nông dân chậm được cải thiện. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít, chủ yếu là sản xuất và cung ứng các sản phẩm đầu vào, còn ít doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho nông sản, thị trường tiêu thụ nông sản bị tác động nhiều yếu tố nên gặp nhiều khó khăn...

Để thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp Luật của Nhà nước về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói chung, chính sách tích tụ ruộng đất nói riêng. Điều quan trọng là để người nông dân thấy được sự cần thiết và lợi ích của tích tụ ruộng đất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đi liền với đó là động viên và hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả qua tích tụ ruộng đất, khắc phục tâm lý băn khoăn, e ngại việc mất ruộng, mất đất. Gắn quá trình tích tụ ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phân công lại lao động ở địa phương. Xây dựng các chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất. Tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua, bán thuê mướn thuận lợi, thủ tục đơn giản, chi phí thấp. Hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất như: Hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật