Nhờ uy tín của các nhà khoa học ‘nội’ để tìm tài trợ ‘ngoại’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lần đầu tiên, nhờ vào uy tín của các nhà khoa học trong nước, một viện nghiên cứu được nhận một gói tài trợ khá lớn của quốc tế cho nghiên cứu khoa học trong một chương trình cạnh tranh bình đẳng về chuyên môn.
Nhờ uy tín của các nhà khoa học ‘nội’ để tìm tài trợ ‘ngoại’
Các giáo sư viện toán học Việt Nam đang trao đổi với một GS Hàn Quốc

Như PV đã đưa tin, vừa qua, đại diện Quỹ Simons (Mỹ) đã gửi thư thông báo tới lãnh đạo viện toán học - viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam về việc quỹ này sẽ tài trợ cho viện 600.000 USD (khoảng 15 tỉ đồng) trong 3 năm liên tục, bắt đầu từ tháng 6.2018.

Trao đổi với PV, GS Phùng Hồ Hải, viện trưởng viện toán học, cho biết căn cứ vào một thông báo về việc xét duyệt hồ sơ cho chương trình hỗ trợ các viện hoặc trung tâm nghiên cứu lĩnh vực toán và vật lý lý thuyết của Quỹ Simons, viện toán học Việt Nam đã làm hồ sơ đăng ký tài trợ. Người đứng tên đăng ký là viện trưởng, nhưng nội dung hồ sơ là một đề cương hoạt động do 5 GS đại diện cho 5 lĩnh vực nghiên cứu của viện là GS Đinh Nho Hào, GS Vũ Ngọc Phát, GS Hoàng Xuân Phú, GS Ngô Việt Trung, GS Nguyễn Đông Yên chịu trách nhiệm thực hiện.

Mục tiêu đề xuất của đề cương là hỗ trợ các hoạt động khoa học như tổ chức hội thảo - hội nghị quốc tế, tài trợ các học bổng sau tiến sĩ, mời các chuyên gia từ nước ngoài sang làm việc tại viện.

Đây là lần đầu tiên, viện nộp hồ sơ đăng ký tài trợ từ Quỹ Simons (trong chương trình hỗ trợ cho các viện,

Theo GS Phùng Hồ Hải, với hoạt động nghiên cứu toán học trong nước, con số 200.000 USD (khoảng 5 tỉ đồng)/năm rất có ý nghĩa. Nó bằng khoảng 5 - 7 đề tài Nafosted (làm trong hai năm). Được biết, hiện nay, viện toán học là cơ quan chủ quản của một số đề tài Nafosted với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng.

 các tổ chức nghiên cứu về toán và vật lý lý thuyết). Quỹ do một doanh nhân, vốn là một nhà toán học người Mỹ sáng lập. Ban đầu, quỹ tài trợ cho các cá nhân xuất sắc (một số nhà khoa học người Việt làm việc ở nước ngoài từng được nhận tài trợ của quỹ như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn).

Từ năm 2011, Quỹ mở rộng đối tượng hỗ trợ sang các viện, tổ chức nghiên cứu, trong chương trình Targeted grants to institustes (tài trợ theo mục tiêu cho các viện). Từ bấy đến nay, mỗi năm Quỹ tài trợ cho khoảng 3 - 4 viện hoặc trung tâm nghiên cứu, thời gian hưởng gói tài trợ thường từ 3 đến 5 năm, mỗi năm từ 100.000 - 200.000 USD.

Trong danh sách những đơn vị được nhận tài trợ từ chương trình tài trợ theo mục tiêu của Quỹ Simons có nhiều viện, trung tâm tên tuổi trong lĩnh vực toán và vật lý lý thuyết. Vậy khi nộp hồ sơ ứng cử, viện toán học có tin rằng mình sẽ được chấp nhận?

GS Phùng Hồ Hải: Đúng là nhìn vào danh sách những đơn vị đã được nhận tài trợ của Quỹ, chúng tôi cũng e ngại, vì có nhiều anh tài góp mặt. Chẳng hạn như các năm 2016 và 2017, trong số những đơn vị được nhận tài trợ, có Phân viện S. Petersburg của viện toán Steklov của viện Hàn lâm khoa học Nga, viện Nghiên cứu về tính toán và thực nghiệm trong toán của Đại học Brown (Mỹ), viện toán lý thuyết và ứng dụng của Đại học California tại Los Angeles Mỹ, viện quốc tế Niels Bohr ở Copenhaghen (Đan Mạch), viện toán Hamilton ở Trinity College Dublin, viện Mittag-Leffler thuộc viện Hàn lâm hoàng gia Thụy Điển…

Nghĩa là toàn các cơ quan nghiên cứu ở các nước phát triển. Cũng có một số viện, trung tâm ở các nước đang phát triển, nhưng uy tín chuyên môn cũng rất cao như Trung tâm Nghiên cứu toán học quốc tế Bắc Kinh của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Trung tâm Khoa học lý thuyết quốc tế của viện nghiên cứu cơ bản Tata (Ấn Độ)…

Chúng tôi phải tìm hiểu kỹ càng, cân nhắc xem năng lực của mình có phù hợp với tiêu chí của Quỹ hay không. Chúng tôi cũng xác định nếu nộp hồ sơ là mình phải cạnh tranh bình đẳng về chuyên môn.

Tuy nhiên, việc được Quỹ Simons xét duyệt tài trợ ngay trong lần đầu tiên nộp hồ sơ cũng là một bất ngờ với viện. Ban đầu, chúng tôi cũng không kỳ vọng, mà nghĩ là năm nay nộp là để cọ xát (vì họ có thông báo những năm sau vẫn tiếp tục xét hồ sơ cho các ứng viên trượt từ những năm trước).

Theo GS thì vì sao Quỹ Simons lại thông qua việc tài trợ cho viện?

Tôi nghĩ trước hết là nhờ vào uy tín của 5 giáo sư đứng tên trong hồ sơ mà viện nộp cho Quỹ. Họ là không chỉ là những chuyên gia hàng đầu trong nước trong lĩnh vực chuyên môn của mình mà còn thực sự đạt tới đẳng cấp quốc tế thông qua các công trình họ đã công bố, các giải thưởng, danh dự mà họ đã được trao tặng, công nhận, qua việc tham gia của họ vào nhiều ban biên tập của các tạp chí uy tín trên thế giới về toán học, cũng như các mối quan hệ với cộng đồng khoa học thế giới mà họ đã xác lập được. Đồng thời, những cam kết, kế hoạch, mục tiêu dự kiến của đề án mà chúng tôi xây dựng phù hợp với yêu cầu của Quỹ.

Như vậy, chúng ta có thể xây dựng một lực lượng chuyên gia đẳng cấp quốc tế ngay trong nước, nhờ vào năng lực và uy tín của họ để thuyết phục “mạnh thường quân” quốc tế. Liệu đó có phải là một hướng tìm tài trợ mới cho hoạt động khoa học trong nước không, thưa giáo sư?

Với ngành toán, vào thời điểm này, thì có lẽ đó cũng là một hướng khả thi. Từ trước đến nay, với các nhà tài trợ quốc tế, chúng ta thường được xếp vào nhóm các nước đang phát triển. Nhưng những gói tài trợ này thường không nhiều, và ngày càng khó tìm, do trong nhóm những nước đang phát triển thì chúng ta ngày càng được “kém ưu tiên” (mà thực ra đây là một tín hiệu đáng mừng).

Đã đến lúc chúng ta có thể bằng nội lực của mình tham gia vào những sân chơi thực sự cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động chuyên môn, để được hòa chung vào dòng chảy của sự phát triển trong khoa học.

Xin cảm ơn giáo sư!

GS Phùng Hồ Hải cho biết, nếu việc hoàn thiện thủ tục nhận tài trợ thuận lợi, viện sẽ khởi động dự án với việc xét mời 4 tiến sĩ xuất sắc đến làm postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ) tại viện toán học, trong đó có người Việt Nam, người châu Á và từ các các nước phát triển khác.

Mức học bổng sẽ khá hấp dẫn, bao gồm lương là 1.000 USD/ tháng; hỗ trợ tiền nhà 2.000 USD/ năm; chi phí đi lại dự các hội nghị 1.000 USD/ năm; đề tài nghiên cứu 1.000 USD/ năm.

“Đây là mức lương cao gấp 3 lần lương viện trưởng viện toán học. Vì thế, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được những người trẻ xuất sắc trong nước và quốc tế đến làm việc ngắn hạn ở viện. Đầu năm 2018, viện sẽ thông báo tuyển người”, GS Phùng Hồ Hải nói. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật